1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Đội tuyển Việt Nam từng ghi dấu cho sự đi xuống của bóng đá Myanmar

(Dân trí) - Liên tiếp trong 2 năm 1995 và 1996, đội tuyển Việt Nam có 2 chiến thắng đầy bất ngờ trước Myanmar. Nếu như các chiến thắng đấy đánh dấu cho sự trở lại của bóng đá Việt Nam ở tư thế nhóm đầu khu vực, thì những trận thua này cũng mở ra giai đoạn đi xuống của bóng đá Myanmar.

Cần biết rằng Myanmar trước đây có tên cũ là Miến Điện vốn là nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, đã vươn đến đẳng cấp hàng đầu châu Á.

Trong quá khứ, đội tuyển Myanmar (hay Miến Điện) từng 2 lần vô địch nội dung bóng đá nam Asian Games vào các năm 1966 và 1970 (thành tích mà cho đến giờ chưa đội bóng Đông Nam Á nào làm được), từng vào đến trận chung kết giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup) vào năm 1968 (cũng là đội duy nhất trong khu vực thực hiện được điều ấy), chỉ chịu thua Iran. Myanmar cũng từng có đại diện dự Olympic vào năm 1972, tại Đức.

Ở đấu trường SEA Games, khi mà Myanmar ở vào thời kỳ cực thịnh, bóng đá Thái Lan chưa là gì cả. Myanmar vô địch nội dung bóng đá SEA Games liên tiếp trong 5 kỳ giải, từ 1965 – 1973.

Chiến thắng trước Myanmar ở bán kết SEA Games năm 1995 mở ra thời kỳ trở lại nhóm đầu Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam
Chiến thắng trước Myanmar ở bán kết SEA Games năm 1995 mở ra thời kỳ trở lại nhóm đầu Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam

Sau đó, bóng đá Myanmar có suy yếu, nhưng ở Đông Nam Á, Thái Lan vẫn ngại họ nhất. Cụ thể là khi dự SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), đội tuyển Myanmar vẫn mang tư cách là đương kim Á quân của giải.

Khi đó, Thái Lan dù là đội chủ nhà nhưng vẫn ngại nếu phải gặp Myanmar trong trận chung kết. Dù vậy, thất bại trước đội tuyển Việt Nam ở bán kết năm đó, khiến Myanmar không có cơ hội đá trận chung kết với Thái Lan, và đội bóng đất Chùa Vàng thời điểm này cất đi một gánh nặng lớn, nhờ tránh được Myanmar ở chung kết.

Trận bán kết SEA Games ở Chiang Mai của Myanmar với đội tuyển Việt Nam năm 1995 là trận đấu mà Huỳnh Đức giúp đội bóng của HLV Karl Heinz Weigang dẫn 1-0, Myanmar gỡ hoà 1-1, sau đó Trần Minh Chiến ghi bàn thắng vàng trong hiệp phụ, giúp đội tuyển Việt Nam thắng chung cuộc 2-1.

Cũng cần biết rằng sau khi tỷ số là 1-1, Myanmar bị đuổi 1 người. Dù vậy, họ mạnh đến mức mà đá ở thế 10 chống 11, Myanmar vẫn liên tục gây sức ép cho đội tuyển Việt Nam.

1 năm sau, khi giải vô địch Đông Nam Á AFF Cup được khai sinh, với tiền thân là Tiger Cup, Myanmar tràn đầy quyết tâm giành ngôi vô địch của giải đấu tổ chức tại Singapore, hòng để lấy lại vị thế tại Đông Nam Á, cũng như “rửa mặt” cho thất bại ở SEA Games năm 1995.

Nhưng “Cơn địa chấn Jurong” – cụm từ mà truyền thông Đông Nam Á dùng để mô tả chiến thắng 4-1 của đội tuyển Việt Nam trước Myanmar ở sân Jurong – Singapore đã chính thức loại Myanmar khỏi bán kết, chính thức gạch tên đội bóng này khỏi nhóm các đội mạnh của bóng đá khu vực cho đến tận bây giờ.

Thời đấy, người ta phải dùng từ “địa chấn” bởi trước giờ bóng lăn, không ai tin một Myanmar hùng mạnh trong quá khứ lại thua đậm đến vậy, đồng thời càng không tin đại diện của một trong những nền bóng đá đáng gờm nhất Đông Nam Á trước đó lại dừng bước quá sớm ở kỳ giải vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên.

Các chiến thắng của đội tuyển Việt Nam thuộc thế hệ những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Đang, Hoàng Bửu… vào các năm 1995 và 1996 nêu trên không những đánh dấu cho sự trở lại nhóm đầu khu vực của bóng đá Việt Nam, trước khi chúng ta duy trì vị thế ấy cho đến tận bây giờ, mà còn mở ra chu kỳ tuột dốc của bóng đá Myanmar so với quá khứ huy hoàng của chính họ, chính thức đẩy Myanmar ra khỏi nhóm các đội mạnh hàng đầu Đông Nam Á cũng cho đến tận bây giờ!

Trọng Vũ

Đội tuyển Việt Nam từng ghi dấu cho sự đi xuống của bóng đá Myanmar - 2