1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Đội bóng giải thể, VĐV bóng chuyền bị đẩy ra ngoài đường

(Dân trí) - Cuối cùng thì cuộc chuyển giao giữa CLB Vietsovpetro và đội Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương đã không diễn ra, đồng nghĩa với việc hàng chục con người của đội bóng chuyền Vietsovpetro rơi vào cảnh thất nghiệp.

Lá đơn kêu cứu của VĐV Đinh Trà Giang (CLB Vietsovpetro) khiến nhiều người rơi nước mắt. Ít ai ngờ những VĐV của ngành dầu khí lại bi đát như vậy, khi chỉ ăn mì để sống qua ngày. Đã vài tháng nay, toàn đội không được nhận lương và bất cứ chế độ gì, đi không được mà ở cũng chẳng xong.

Kế hoạch chuyển giao đội Vietsovpetro cho Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương đã có từ lâu, nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung về vấn đề tài chính. Sau hơn 2 tháng nợ lương, lãnh đạo Vietsovpetro tuyên bố giải thể đội bóng, chấm dứt hợp đồng với tất cả các VĐV đội 1 lẫn đội trẻ. Như vậy, cuộc chuyển giao đã không diễn ra và mấy chục con người chính thức bị đẩy ra đường.
 
Đội bóng giải thể, VĐV bóng chuyền bị đẩy ra ngoài đường


Một VĐV của Vietsovpetro cho biết, trong ngày hôm qua, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch công đoàn Vietsovpetro đã có cuộc họp với BHL và các VĐV để giải quyết vấn đề chuyển giao đội bóng, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, trước khi vị lãnh đạo ngành dầu khí tuyên bố giải thể đội bóng chuyền Vietsovpetro, chấm dứt hợp đồng với BHL, VĐV. Việc chuyển giao, sát nhập với Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương cũng không được tiến hành.

Tuyên bố bất ngờ này khiến các VĐV đội bơ vơ không biết đi đầu về đâu. Được biết, lãnh đạo CLB sẽ hỗ trợ cho các VĐV tiền tàu xe về quê, nhưng cái họ cần là một công việc. Phía Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương cũng đang rất cần người vì bản thân đội bóng này chỉ có vài VĐV, nhưng chuyện hợp đồng hiện tại đang rối tung.

Đáng buồn là đến ngày hôm qua, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa có động thái gì để bảo vệ quyền lợi của các VĐV, vì chưa được…báo cáo.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên một đội bóng giải thể khiến hàng chục VĐV bị đẩy ra đường. Cách đây không lâu, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã chấp thuận đơn xin không tham gia vòng 2, Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2013 của Công ty cổ phần văn hóa thể thao dầu khí (PSCC) – đơn vị chủ quản CLB bóng chuyền nam Tập đoàn dầu khí quốc gia.

Trước đó trong tháng 4, Đại hội cổ đông PSCC đã thông qua quyết định số 72/QĐ-ĐHĐCĐ về việc giải thể công ty Cổ phần Thể thao-Văn Hoá Dầu khí. Toàn bộ VĐV của đội bóng chuyền nam Dầu khí (bao gồm cả đội bóng chuyền trẻ) bị chấm dứt hợp đồng, chuyển giao về Sở VH, TT&DL Hà Nội, thành lập đội bóng chuyền mới mang tên Đội bóng chuyền Dầu khí-Hà Nội. PV GAS là tài trợ cho đội bóng chuyền mới với số tiền 3 tỷ đồng/năm, thời gian tài trợ tối thiểu 3 năm kể từ khi hai bên ký hợp tác. Tuy nhiên, do khúc mắc giữa đôi bên về tài chính (Hà Nội đề nghị mức tài trợ 4 tỷ đồng/năm, với thời gian tài trợ 4 năm), kế hoạch trên giữa PV GAS và Hà Nội không thực hiện được.

Và cũng như đội Vietsovpetro hiện tại, CLB bóng chuyền nam Tập đoàn dầu khí quốc gia đã bị giải thể ngay sau đó. Điều đáng nói, ở thời điểm mới thành lập CLB, lãnh đạo tập đoàn Dầu khí đã hứa rất nhiều, thậm chí khẳng định sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho các VĐV tại tập đoàn, sau khi giải nghệ.

Thế nhưng, ngay cả trường hợp của cây chuyền hai xuất sắc nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam Đặng Thị Hồng cũng bị đẩy ra đường trong hoàn cảnh chị đang có bầu 5 tháng.

Đã có một thời bóng chuyền Việt Nam “mở mày mở mặt” với sự đầu tư của ngành dầu khí, thế nhưng tất cả đã chỉ là dĩ vãng. Và, thực tại, không ít đội bóng của ngành dầu khí đã và đang giải thể, sau khi những người có trách nhiệm không nghĩ đến nỗi khổ của VĐV khi phải thất nghiệp.

Hà Nguyên