1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Đẩy mạnh hợp tác Thể thao - Y tế vì sức khỏe vận động viên và cộng đồng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chấn thương trong tập luyện và thi đấu khiến thể thao Việt Nam gặp trở ngại khi vươn ra biển lớn. Trong thời gian sắp tới, việc đẩy mạnh hợp tác thể thao và y tế được kỳ vọng sẽ nâng cao sức khỏe và thành tích của vận động viên (VĐV) và cộng đồng.

Chấn thương thể thao - Nỗi ám ảnh của vận động viên

Chia sẻ với phóng viên về các thành tích của thể thao nước nhà trong thời gian qua, PGS.TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học TDTT TP.HCM) vui mừng cho biết: "Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thể thao Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Ở đấu trường Olympic, chúng ta đã có huy chương vàng môn bắn súng, huy chương bạc cử tạ, bắn súng, Taekwondo…"

Ở đấu trường thể thao Châu Á qua các kỳ đại hội, các VĐV liên tiếp mang về những vinh quang cho nước nhà. Từ tấm huy chương vàng đầu tiên tại ASIAD 1994 tổ chức ở Nhật Bản mà Võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ giành được cho đoàn thể thao Việt Nam, đến nay, hàng loạt huy chương danh giá trong các giải thể thao châu lục đã ghi danh vận động viên của chúng ta. Ở đấu trường SEA Games, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia có thành tích tốt nhất, nếu so sánh riêng về thành tích các môn thể thao Olympic thì đoàn Việt Nam luôn ở vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, phía sau những thành quả vang dội là mối đe dọa do chấn thương tới sự an toàn của các vận động viên. Theo PGS.TS Đặng Hà Việt, một vận động viên có năng khiếu thể thao cần ít nhất 10 nghìn giờ tập luyện nghiêm túc, 3 giờ tập luyện mỗi ngày mới trở thành vận động viên cấp quốc gia. Khi đã xác định theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp, họ phải toàn tâm, toàn ý và tuân thủ chế độ tập luyện khoa học. Nếu không gặp rủi ro, họ sẽ có sự nghiệp thể thao lẫy lừng đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Thế nhưng chỉ cần có các chấn thương nhỏ, quá trình tập luyện của các vận động viên cũng bị ảnh hưởng, khiến họ không thể đạt thành tích cao nhất. Nguy hiểm hơn, các chấn thương nặng có thể kết thúc ngay lập tức sự nghiệp vận động viên, khiến họ mất tất cả và cần rất nhiều thời gian để lấy lại sự cân bằng hay chuyển hướng nghề nghiệp.

Dẫn chứng cho thực tế trên, PGS.TS Đặng Hà Việt chỉ ra: "Trong bóng đá Trần Minh Chiến là cầu thủ từng ghi bàn thắng vàng trong hiệp phụ giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua Myanmar, tiến tới chung kết SEA Games 1995 diễn ra tại Thái Lan. Kết thúc giải, anh được sang Đức chữa trị chấn thương đứt dây chằng đầu gối, phải mổ đến 4 lần. Tại Tiger Cup 1996 (nay là AFF Cup), Minh Chiến lại bị đứt dây chằng đầu gối đúng chỗ cũ trong một buổi đá tập của đội tuyển Việt Nam. Chấn thương này chấm dứt sự nghiệp của Trần Minh Chiến ở tuổi 22, khi anh được đánh giá là tiền đạo rất tài năng, có thể vươn lên thành chân sút khét tiếng ở Đông Nam Á".

Hợp tác Thể thao - Y tế: Cơ hội và thách thức

Theo phân tích của PGS.TS Hà Việt: "Thực tế mỗi vận động viên đều ít nhất 1 lần gặp chấn thương trong sự nghiệp thể thao của họ, nói cách khác chấn thương là 1 phần không thể tránh khỏi của thể thao thành tích cao. Các môn thể thao đối kháng trực tiếp thì nguy cơ chấn thương còn cao hơn nhiều so với các môn khác do va chạm vật lý trực tiếp trên sân".

Ngoài ra, đa số vận động viên gặp chấn thương do nguyên nhân đặc thù môn thể thao, khiếm khuyết cấu trúc giải phẫu cơ thể, chế độ tập luyện không được nghỉ ngơi, hồi phục khoa học. Đây là những chấn thương nhỏ, tiềm ẩn nên khó phát hiện, ngày càng trở nên nghiêm trọng đến khi không thể tập luyện và thi đấu thì phải can thiệp bằng phẫu thuật. Có nhiều vận động viên đã nỗ lực tập luyện hàng chục năm, khi thành tài thì chấn thương bùng phát khiến việc điều trị rất khó khăn.

Trước đây, khi y học thể thao trong nước còn nhiều hạn chế, các vận động viên gặp chấn thương bắt buộc phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao nhưng không phải ai cũng phục hồi 100%. Hiểu được khó khăn ấy, Bệnh viện Quân y 175 định hướng phát triển chuyên ngành y học thể thao, y học phục hồi và đưa Viện Chấn thương chỉnh hình với quy mô 500 giường bệnh đi vào hoạt động. Các vận động viên và những người luyện tập thể thao vì vậy có cơ hội được điều trị, chăm sóc cũng như phục hồi sau chấn thương thuận tiện và mất ít chi phí hơn, nhưng vẫn đảm bảo những dịch vụ y tế tiêu chuẩn quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác Thể thao - Y tế vì sức khỏe vận động viên và cộng đồng - 1
Lễ ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Quân y 175 và Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Quân y 175 đồng thời xây dựng được mạng lưới hợp tác chuyên môn sâu rộng với các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia của CHLB Đức vốn là quốc gia có nền y học nói chung và y học thể thao tiên tiến, hiện đại. Bệnh viện tích cực đầu tư về hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho vận động viên và cộng đồng. Với những nỗ lực ấy, thể thao Việt Nam đã có chỗ dựa vững chắc về y tế.

Nắm bắt được cơ hội này, trường Đại học TDTT TP.HCM đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Bệnh viện Quân y 175 từ tháng 11 năm 2020. Theo đó, hai bên sẽ xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe VĐV toàn diện để cùng nhau nâng cao sự hiểu biết, kiến thức và ứng dụng y học, y học thể thao, khoa học thể thao thông qua các chương trình phát triển học thuật, nghiên cứu, chuyển giao, điều trị và đào tạo.

Chia sẻ niềm tin về quan hệ hợp tác này, PGS.TS Đặng Hà Việt nhấn mạnh: "Thực tế cho thấy, Ban Lãnh đạo Bệnh viện có tầm nhìn, định hướng phát triển ngành y học thể thao và phục hồi. Cụ thể là thông qua việc phát triển nguồn nhân lực đầu tư trang thiết bị hiện đại nhất trên thế giới và áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến từ các quốc gia phát triển mạnh chuyên ngành này như CHLB Đức. Sự quan tâm đối với các VĐV thể thao thành tích cao, VĐV khuyết tật của Ban Giám đốc Bệnh viện cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ngành thể thao và y tế. Chúng tôi tin tưởng rằng cùng với sự đồng hành của Bệnh viện Quân y 175, các VĐV thể thao nói riêng và người chơi thể thao nói chung sẽ có được sự chăm sóc tốt nhất về sức khỏe nhằm đạt được các mục tiêu về thành tích thi đấu, tập luyện.

Song song với việc hợp tác về chăm sóc y tế, trường Đại học TDTT TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác về huấn luyện đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức các khóa huấn luyện về sơ cấp cứu cho HLV thể thao, VĐV, sinh viên; tổ chức các chương trình đào tạo liên tục về y học thể thao; triển khai một số nghiên cứu trong lĩnh vực thể dục thể thao, y sinh học thể dục thể thao và hợp tác tổ chức Hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề."

Với những nỗ lực trong việc đẩy mạnh hợp tác thể thao và y tế, Bệnh viện Quân y 175 sẽ mang đến những bước đột phá mạnh mẽ trong điều trị chấn thương cho vận động viên và người tập thể dục thể thao, trở thành chỗ dựa vững chắc góp phần đưa thể thao Việt Nam lên tầm cao mới.

Ngày 28/1, Bệnh viện Quân y 175 kết hợp với với Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề "Y học thể thao vì sức khỏe vận động viên và cộng đồng". Hội thảo hứa hẹn mang đến những góc nhìn mới, nhiều màu sắc về chuyên ngành y học thể thao cũng như đóng góp nhiều ý tưởng có giá trị nhằm xây dựng, phát triển mạng lưới khoa học - y học thể thao, mạng lưới các đơn vị huấn luyện - đào tạo - thi đấu và dịch vụ y tế, vì sức khỏe của vận động viên và cộng đồng.

Thời gian: 8h00 - 17h30, Ngày 28 tháng 01 năm 2021

Địa điểm: Bệnh viện Quân y 175