Công Vinh và những cầu thủ Việt Nam hiếm hoi học đại học

(Dân trí) - Cầu thủ Việt Nam vốn chỉ biết tới chuyện ăn tập từ bé, nên hầu hết không có cơ hội học đại học. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung với thế giới, nếu cầu thủ không trang bị những kiến thức cần thiết từ việc học văn hóa, họ sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi giải nghệ.

Mới đây, thông tin tiền đạo Lê Công Vinh đi thi đại học Luật Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ. Công Vinh là cầu thủ nổi tiếng, tiền bạc và danh vọng không thiếu, thậm chí cầu thủ này sống đến già cũng chẳng phải lo nghĩ tới chuyện tiền bạc. Thế nhưng, anh vẫn quyết tâm theo học đại học, dù chỉ là hệ tại chức.

Công Vinh là cầu thủ có tính cầu tiến. Anh từng suýt theo học đại học TDTT Bắc Ninh (được đặc cách), nhưng sau đó đã tiếp tục đá bóng để theo đuổi đam mê và kiếm tiền. Giờ thì sắp đến tuổi giải nghệ, tiền đạo người Nghệ quyết lấy bằng được tấm bằng cử nhân Luật để chuẩn bị cho ngã rẽ mới.

 

Nhóm cầu thủ HA Gia Lai được học hành khá tử tế
Nhóm cầu thủ HA Gia Lai được học hành khá tử tế

 

Học đại học là giấc mơ mà Công Vinh ấp ủ bấy lâu nay. Công Vinh dù ngay ở thời đỉnh cao, cũng đã chuẩn bị cho tương lai của mình một cách nghiêm túc. Đó thực sự là một sự chuyên nghiệp xứng đáng được khen ngợi của tiền đạo số 1 ĐTVN.

Công Vinh trở thành tấm gương về sự không ngừng phấn đấu để các cầu thủ trẻ soi vào, nhưng thực tế đặc thù của bóng đá Việt Nam khiến hầu hết các cầu thủ không thể thao được sự nghiệp học hành.

Lý do bởi ngay từ khâu đầu vào, các lò đào tạo bóng đá chủ yếu chú trọng các cầu thủ có tài năng, còn chuyện học văn hóa sẽ… tính sau. Hơn nữa, ở những địa phương nghèo, nhiều trẻ em nghèo không có tiền đi học, phải bỏ học rồi sau đó theo đuổi giấc mơ bóng đá.

Với đặc thù như vậy nên chỉ có một số ít trường hợp sau khi giải nghệ mới theo học đại học TDTT để chuyển sang công tác huấn luyện. Những cựu danh thủ như Hồng Sơn, Huỳnh Đức... cũng đều đi theo hướng này trước khi trở thành những HLV nổi tiếng như bây giờ. Một số cầu thủ hiện nay nếu không học đại học, cũng cố lấy cho bằng được tấm bằng HLV của AFC. Mới đây, Quả bóng vàng Việt Nam 2014 Phạm Thành Lương đang là HLV trẻ nhất theo học lớp bằng C (đang diễn ra tại Huế).

Như đã nói ở trên, bóng đá Việt Nam rất ít có cầu thủ theo học đại học, bởi họ tập luyện, thi đấu quanh năm, thời gian đâu mà lo chuyện sách vở. Sự nghiệp cầu thủ thường kéo dài trên dưới 10 và đến khi giải nghệ cũng đã ngoài 30 tuổi, nên càng khó đi học.

Ở nước ngoài, do bóng đá phát triển từ học đường nên nhiều cầu thủ trở thành sinh viên rồi sau đó mới theo bóng đá chuyên nghiệp. Ở ta thì ngược lại, cầu thủ lấy bóng đá nuôi bản thân và gia đình, còn học chỉ là thứ yếu, khi nào có điều kiện thì học, không thì cũng chẳng sao, giải nghệ tính chuyện làm ăn, buôn bán…

 

Cầu thủ Phan Anh Tuấn của Ninh Bình (trái)
Cầu thủ Phan Anh Tuấn của Ninh Bình (trái)

 

Trong giới cầu thủ, ai cũng tiếc cho cầu thủ Phan Anh Tuấn của Ninh Bình (CLB đã giải thể sau vụ tiêu cực năm 2014). Ham mê bóng đá từ nhỏ, nhưng Anh Tuấn (1989) lại không theo chuyên nghiệp, khi cho rằng việc học mới là quan trọng hơn cả. Gác lại niềm đam mê sân cỏ, chàng trai quê Hà Nam miệt mài đèn sách, thi đậu Đại học TDTT Từ Sơn - Khoa Bóng đá năm 2007.

Vào giảng đường, Anh Tuấn với tài năng bẩm sinh, ngay lập tức anh được gọi vào tuyển sinh viên trường Đại học TDTT Từ Sơn. Trong thời gian học, Anh Tuấn đã thử sức ở lò đào tạo Hoà Phát Hà Nội để làm quen hơn với môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do bận học, nên Anh Tuấn không thể dành trọn thời gian để thao đuổi nghiệp bóng đá.

Ra trường với tấm bằng Đại học trong tay, Anh Tuấn vẫn tham gia các giải phủi, phong trào, hoàn toàn không có ý định xin vào một đội bóng nào đó tại V-League hay hạng Nhất. Thế nhưng, rất tình cờ, Anh Tuấn đã lọt vào mắt xanh của HLV Nguyễn Văn Sỹ của CLB Ninh Bình.

Mùa giải 2014 Anh Tuấn được đôn lên đội 1 Ninh Bình và ngay ở trận khai màn mùa giải, cầu thủ quê Hà Nam đã có cú đúp vào lưới Đồng Nai, giúp Ninh Bình có 1 điểm trong trận hoà 2-2.

Sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, nhưng Anh Tuấn đã gặp hạn lớn khi có liên quan đế vụ bán độ tại AFC Cup năm 2014, sau đó bị cấm thi đấu vĩnh viễn, nhận án treo và giải nghệ.

Môi trường bóng đá Việt Nam luôn khắc nghiệt, nhiều cạm bẫy buộc các cầu thủ phải được trang bị kiến thức nhà trước từ nhỏ. Đó là cách mà bầu Đức đang giúp cho lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và không lo bị sa ngã bởi những tệ nạn xã hội. Các cầu thủ này cũng mới được vào đại học Sư phạm TDTT TP HCM. Theo bầu Đức, các cầu thủ cần phải có nền tảng tri thức cơ bản, có trình độ văn hóa nhất định để bước vào đời, chứ không chỉ là phát triên sự nghiệp bóng đá.

Nói tới sự thành công của một cầu thủ có học, Lee Nguyễn thực sự là một trường hợp đặc biệt. Cầu thủ mang dòng máu Việt năm 2004 thi đấu xuất sắc và đoạt danh hiệu “Cầu thủ THPT xuất sắc nhất năm” và được gọi vào đội U18 Mỹ. Sau khi tốt nghiệp PTTH, Lee Nguyễn nhận được học bổng 4 năm của đại học Indiana chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Ngô Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm