Công việc “nhàn hạ” nhất Olympic 2016: Nhân viên cứu hộ môn bơi
(Dân trí) - Có lẽ, cả kỳ Olympic 2016, công việc của nhân viên cứu hộ môn bơi chỉ là… ngắm nhìn Michael Phelps và các siêu kình ngư khác tập luyện và thi đấu. Đơn giản, tỷ lệ mà Michael Phelps cần sự trợ giúp của họ chỉ là một phần một triệu.
Khi chứng kiến sự “nhàn hạ” của nhân viên cứu hộ môn bơi, tờ New York Times đã đặt ra câu hỏi: “Liệu Michael Phelps, VĐV giành 19 huy chương vàng Olympic cần được giải cứu?”.
Tất nhiên, đó chỉ là câu hỏi mang tính chất châm biếm về công việc của các nhân viên cứu hộ bể bơi, những người nhận mức thù lao tương đối cao 1,100 reais (tương đương 340 USD) cho hai tuần lầm việc ở Olympic.
Theo Anderson Fertes, một nhân viên cứu hộ ở Olympic, họ có nhiệm vụ trợ giúp các siêu kình ngư khi họ gặp sự cố (đặc biệt là chuột rút). Mặc dù vậy, người này cũng thừa nhận rằng tỷ lệ sự cố xảy ra chỉ là 1/1.000.000 bởi những VĐV chuyên nghiệp được học cách khởi động, thi đấu… để giảm thiểu tối đa khả năng gặp sự cố xuống mức gần như bằng không.
Anderson Fertes tiết lộ: “Tỷ lệ VĐV gặp sự cố ở Olympic chỉ là một phần một triệu. Tôi không nghĩ những VĐV cần đến chúng tôi nhưng cả lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng trong mọi trường hợp”.
Một nhân viên khác có tên Danielle Martelote cũng cho rằng sự xuất hiện của họ là cần thiết bởi sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Cô nói: “Vâng, tôi nghĩ công việc này cần thiết chứ. Mặc dù chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng mình có mặt ở đây để cứu người bơi giỏi nhất thế giới, Michael Phelps nhưng tất cả phải đề phòng bất trắc. Tôi hy vọng những VĐV đều an toàn và thi đấu thành công”.
Lịch sử Olympic cũng chỉ ra rằng chưa có VĐV nào qua đời vì sự cố ở Olympic nhưng theo FINA (cơ quan quản lý thể thao), sự có mặt của nhân viên cứu hộ luôn rất cần thiết. Người đại diện của cơ quan này nói: “Để bảo vệ sự an toàn của những VĐV, các bể bơi cần phải bố trí lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp theo quy định”.
Theo Anderson Fertes, một bể bơi luôn có 8 nhân viên cứu hộ theo đúng quy định của FINA. Các nhân viên sẽ làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều ở 4 địa điểm thi đấu ở môn bơi tại Olympic 2016.
Giám đốc các môn thể thao dưới nước của Brazil, ông Ricardo Prado thừa nhận rằng việc bố trí các nhân viên cứu hộ là "không cần thiết" nhưng "phải làm" nếu không muốn phải ra tòa.
H.Long