Công nghệ truyền hình tại Word Cup 2006

Hãng độc quyền truyền hình tại World Cup 2006 Host Broadcast Services (HBS) lần đầu tiên sử dụng công nghệ truyền hình mới, đảm bảo làm sướng mắt người hâm mộ. Với công nghệ này, độ nét của hình ảnh từ các trận đấu tăng gấp đôi so với hiện nay.

Công nghệ truyền hình mới sẽ đảm bảo người hâm mộ không bỏ lỡ pha bóng hay pha ghi bàn nào. World Cup 2006 là sự kiện thể thao quốc tế lớn đầu tiên sử dụng định dạng số truyền hình độ nét cao (HDTV) màn ảnh rộng 16/9.

 

Các gói nội dung truyền thông mới được HBS cung cấp dựa trên nguyên liệu hình ảnh sạch, được truyền trực tiếp tới trung tâm phát sóng.

 

Nguyên liệu được chế biến rất sáng tạo để cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn như các video clip "gần như trực tiếp", tóm tắt trận đấu, vòng đấu, đồ hoạ và lời thuyết minh với các thứ tiếng khác nhau.

 

Video clip được phát lại ngay sau pha bóng hay, tình tiết gay cấn, được gọi video clip "gần như trực tiếp".

 

Biên tập viên truyền hình HBS sử dụng công nghệ "Pan & Scan" để phóng to và ghi lại những bàn thắng, pha bóng quan trọng, có thể nâng độ nét của hình ảnh khi xem qua điện thoại di động.

 

"Pan & Scan" ban đầu được phát triển cho ngành điện ảnh, với mục đích chuyển phim màn ảnh rộng phù hợp với màn hình tivi. Công nghệ "Pan & Scan" không phải là mới mà cái mới là sự kết hợp công nghệ này với HDTV chất lượng cao.

 

Công nghệ truyền hình tại Word Cup 2006  - 1

 

Sẽ có khoảng 20 camera được sử dụng

trong mỗi trận đấu tại World Cup 2006 

 

Các video clip qua biên tập sẽ được mã hoá, chuyển cho các đơn vị có bản quyền hay đài truyền hình. Họ đưa clip vào hệ thống quản lý nội dung ở nước của họ và truyền tới người xem. Toàn bộ quá trình chỉ mất khoảng năm phút.

 

Đơn vị có bản quyền có thể tiếp cận gói nội dung truyền thông mới trên máy chủ tại trung tâm truyền hình và truyền nó về nước qua đường dữ liệu khác nhau như qua Internet.

 

HDTV trở thành trào lưu mới trên thế giới. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, HDTV được sử dụng khá mạnh.

 

Điều đáng tiếc, khi tại World Cup 2006, người hâm mộ Việt Nam không thể tận hưởng hiệu quả công nghệ HDTV bởi tại Việt Nam, chưa có đài truyền phát HDTV.

 

HDTV phải thỏa mãn hai điều kiện quan trọng. Đó là kích thước màn hình 16:9 (tivi thường là 4:3) và độ phân giải phải từ 720 dòng quét trở lên. Để dễ hình dung, chúng ta cứ tưởng tượng hình của truyền hình trắng đen 30 năm trước chỉ đạt độ nét khoảng 200 dòng quét.

 

Truyền hình màu kỹ thuật analog hiện sử dụng đạt trên 300 dòng quét, cao hơn cả chất lượng hình ảnh VCD chỉ tối đa 288 dòng quét. Truyền hình kỹ thuật số có thể đạt đến 480 dòng quét xen kẽ, tương đương chất lượng DVD thông dụng ngoài thị trường.

 

Nếu kích thước màn hình là 4:3, có thể tính số lượng điểm ảnh (pixel) của truyền hình số và DVD thông dụng là 480 x 640 = 307.200 điểm ảnh, tức khoảng 0,3 mega pixel, nôm na gọi là 0,3 "chấm".

 

Rất nhỏ so với truyền hình HDTV phải từ 720 x 1.280 = 921.600 điểm ảnh, gần bằng 1 "chấm". Có thể hiểu nôm na, người tiêu dùng mua tivi LCD, đang bán phổ biến tại Việt Nam, là loại tivi độ nét cao đến 1 "chấm" nhưng chẳng có nguồn tín hiệu nào để xem hình ảnh rõ nét 1 "chấm" mà đang phải xem hình ảnh chỉ 0,3 "chấm".

 

Còn nếu dùng tivi LCD xem truyền hình analog từ đài phát thì chất lượng còn tệ hơn nữa. Sự mất cân đối này cũng giống như dùng dàn âm thanh xịn để nghe băng cassette nhão.

 

Theo Mai Nương

Netnam