Bóng bàn VN tại SEA Games 23:

Có hay không chuyện “lùm xùm" tiền nong?

Theo một số thành viên có trách nhiệm với đội tuyển bóng bàn VN tại SEA Games 23, nếu thất bại của đội nữ là điều dễ hiểu thì trận thua chung kết đồng đội nam VN trước Singapore là rất "khó tiêu hóa", đặc biệt là những trận thua khó hiểu ở giải đơn nam của Tuấn Quỳnh và nhất là Kiến Quốc.

Ngoài lý do chuyên môn như chúng ta vẫn chưa có phương án để khắc chế các tay vợt gốc Trung Quốc (mà Singapore đã cho nhập tịch) thì việc các tay vợt mạnh VN thua cả các tay vợt "nội địa" của Indonesia và Philippines cũng cần phải xem lại.

 

Nhận xét về Trần Tuấn Quỳnh, HLV đội tuyển bóng bàn nam Nguyễn Đình Phiên nói: "Tuy thua Cai Xiao Li ở trận chung kết nhưng nhìn chung Quỳnh vẫn thi đấu khá tốt ở nội dung đồng đội khi thắng cả 2 lần gặp Yang Zi. Tuy vậy, trong trận tranh vòng bảng để chọn tay vợt đứng đầu vào thẳng bán kết nội dung đơn nam, Quỳnh đã chùng lại, không mạnh dạn đánh quả trái nên để thua Hussein của Indonesia và mất cơ hội bảo vệ ngôi vô địch".

 

Tay vợt số 1 VN Đoàn Kiến Quốc cho biết bản thân anh cũng không lý giải được nguyên nhân của những thất bại này". Một HLV phân tích: "Quốc chuẩn bị kỳ SEA Games này chưa tốt, chưa có sự khổ luyện, tâm lý chưa vững và tuổi tác đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thi đấu. Do đã có 2 lần thua tay vợt chủ nhà Gonzales tại một kỳ SEA Games trước đây và ở giải vô địch thế giới năm nay ở Thượng Hải (Trung Quốc) nên có thể Quốc bị "khớp" trong trận bán kết đơn nam. Quốc quen đánh bóng xoáy lên, tấn công hai bên nên khi gặp tay vợt chuyên cắt bóng thì có phần khó khăn.

 

Tuy vậy, Gonzales chưa phải là một tay vợt cắt bóng thật hay nên việc Quốc để thua, thậm chí để thua trắng 0-4 là điều đáng trách". Mặt khác cũng có ý kiến cho rằng việc BHL đội bóng bàn xếp Quốc đánh ở giải đôi nam nữ là không cần thiết vì nội dung này chúng ta không hy vọng, điều đó làm bào mòn sức lực của tay vợt chủ lực đội VN.

 

Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết chính một số tay vợt nam đã có phản ứng về việc cấp tiền tiêu vặt trước các trận đấu quan trọng, tuy không ồn ào như ở đội tuyển bóng đá nam nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của toàn đội. Chẳng hạn như tiền tiêu vặt 15 USD/ngày được cấp chỉ có 11 ngày trong khi thời gian đi và về của đội bóng bàn là 12 ngày (từ 25/11 đến 6/12) không được giải thích rõ ràng nên đã gây ra thắc mắc.

 

Việc cho đội tuyển đi tập huấn nước ngoài cũng cần phải xem xét lại khi lần sang Hà Nam (Trung Quốc) đúng vào thời điểm bế mạc Đại hội TDTT của nước bạn nên VĐV của họ được nghỉ, thời gian tập huấn chỉ có 3 tuần (những lần trước ít nhất cũng 40 ngày). Thêm vào đó, tuần đầu tiên đội tuyển VN phải tự tập với nhau, 2 tuần còn lại khí thế tập luyện cũng không cao. VĐV chuẩn bị không kỹ, BHL cũng thiếu sự linh hoạt cộng thêm chuyện tiền nong "lùm xùm",  phải chăng những yếu tố này đã "góp phần" làm nên thất bại của bóng bàn VN tại SEA Games 23?

 

Theo Nhựt Quang - Thuỳ Dương

Thanh niên