CLB Hà Nội chiêu mộ Tấn Trường: Mạo hiểm hay cao chiêu?

(Dân trí) - Những sai lầm trong sự nghiệp của Tấn Trường có lẽ không cần phải nói thêm. Nhưng chưa ở thời điểm nào, Tấn Trường lại “rẻ” như lúc này, trong khi anh vẫn thuộc hàng có tên, có tuổi.

Không thể phủ nhận rằng nếu không có những sai lầm mang tính ngớ ngẩn, sự nghiệp của Tấn Trường có thể đã tiến rất xa. Bởi, đây là thủ môn có đầy đủ các tố chất để trở thành thù môn có đẳng cấp quốc tế.

Thể hình đẹp (cao đến 1m90), phản xạ nhanh, Tấn Trường được phát hiện từ rất sớm và cũng ngay từ sớm đã được dự báo là một trong những thủ thành hay nhất của bóng đá Việt Nam trong tương lai gần, cách nay nhiều năm.

Năm 2008, người ta từng đánh giá rằng việc HLV Calisto loại Tấn Trường khỏi danh sách đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup cùng năm là một trong những điều đáng tiếc nhất. 

Chỉ trước đó vài tháng, Tấn Trường là người góp công lớn nhất giúp đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Mai Đức Chung chơi phòng ngự cực hay và vô địch Merdeka Cup, diễn ra tại Malaysia.

CLB Hà Nội chiêu mộ Tấn Trường: Mạo hiểm hay cao chiêu? - 1
Biết đâu bầu Hiển và CLB Hà Nội có cách để thuần phục "chú ngựa bất kham" Bùi Tấn Trường

1 năm sau đó, Tấn Trường đương nhiên trở thành thủ môn số 1 của đội tuyển U23 Việt Nam, tham dự SEA Games lần thứ 25 trên đất Lào. Số 1 không cần phải bàn cãi!

Thế nhưng, cũng ở kỳ Đông Nam Á vận hội năm 2005, Bùi Tấn Trường mắc sai lầm không thể tệ hại hơn, ngay trong trận đấu lẽ ra không được phép sai lầm: Trận chung kết. Và U23 Việt Nam thua cay đắng U23 Malaysia trên sân vận động quốc gia ở Lào, trước sự chứng kiến của 2 vạn khán giả Việt Nam phủ đầy sân bóng đó.

1 năm sau, Bùi Tấn Trường vẫn là thủ môn số của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Calisto, trong chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup, nhưng anh lại mắc tiếp sai lầm không thể cứu vãn.

Thủ thành này để tuột bóng vào lưới trong trận bán kết lượt đi trên sân Bukit Jalil của Malaysia, rồi đội tuyển Việt Nam thua 0-2, khiến trận lượt về ở sân Mỹ Đình trở nên ngoài tầm kiểm soát với đoàn quân của HLV Calisto (hoà 0-0).

Từ thời điểm đó, Tấn Trường mất chỗ ở đội tuyển quốc gia, bởi các HLV sau này trở nên dị ứng với cái tên Tấn Trường, mỗi khi lên danh sách tập trung đội tuyển. Thành ra, dù cực kỳ nổi tiếng và tài năng, nhưng số lần khoác áo đội tuyển Việt Nam của Tấn Trường cho đến nay chỉ dừng lại ở con số 4, quá khiêm tốn, khiêm tốn đến mức ngạc nhiên với một tên tuổi nổi tiếng như anh.

Nhưng như đã nói, dù thất sủng ở đội tuyển quốc gia, Bùi Tấn Trường vẫn là một cái tên nổi tiếng, và anh không khó kiếm được những bản hợp đồng có giá cực cao với nhiều đội bóng giàu có của bóng đá Việt Nam, như XM Xuân Thành Sài Gòn, hay B.Bình Dương.

Chỉ có điều, trong màu áo các CLB, Tấn Trường lại… sai, không chỉ một lần, mà hết lần này đến lần khác. Năm 2012, một số sai lầm tai hại của Tấn Trường cuối mùa giải khiến XM Xuân Thành Sài Gòn mất ngôi vô địch V-League.

Về B.Bình Dương, Tấn Trường lại có nhiều sai lầm khác. Việc đội bóng đất Thủ Dầu sử dụng Bùi Tấn Trường từ năm 2014 đến tận năm 2019 được đánh giá là sự kiên nhẫn đáng kể, với tần suất phạm sai lầm của anh.

Chỉ đến hết mùa 2019, thời điểm B.Bình Dương quyết định “thay máu” và trẻ hoá lực lượng, họ mới chia tay Tấn Trường (mà thật ra không chỉ có Tấn Trường chia tay B.Bình Dương, nhiều công thần khác gồm Nguyễn Anh Đức và Lê Tấn Tài cũng phải rời đội).

Ngỡ như cái tên Tấn Trường sẽ chìm dần vào quên lãng thì anh bất ngờ gia nhập CLB Hà Nội. Việc ký hợp đồng với Tấn Trường vào lúc này đối với đội bóng thủ đô, có thể xem là một sự mạo hiểm, vì chưa bao giờ người ra lý giải nổi những sai sót triền miên của thủ thành gốc Đồng Tháp là do chuyên môn hay ngoài chuyên môn? 

Nhưng đấy có thể là cao chiêu của CLB Hà Nội bởi chưa lúc nào giá để có Tấn Trường lại rẻ như lúc này, trong khi anh vẫn là thủ thành có tên, có tuổi đối với bóng đá nội.

Nếu chỉ bàn về chuyên môn, Tấn Trường vẫn hơn các thủ môn của CLB Hà Nội hiện nay như Nguyễn Văn Công hay Phí Minh Long. Thậm chí, anh hơn luôn một vài thủ thành đang khoác áo đội tuyển quốc gia ở thời điểm hiện tại, ngoài vài cái tên quá nổi bật như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Tuấn Mạnh hay Nguyễn Văn Toản.

Cứ cho rằng ngựa hay là ngựa bất kham, và biết đâu CLB Hà Nội có cách để thuần phục “chú ngựa bất kham” Bùi Tấn Trường!

Kim Điền

Dòng sự kiện: V-League 2020

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm