(Dân trí) - Chuyên gia bóng đá Richard Harcus đã có những chia sẻ với Dân trí về năng lực, cũng như cơ hội hiện thực hóa giấc mơ dự World Cup cùng bóng đá Việt Nam của HLV Philippe Troussier.
Chuyên gia bóng đá người Scotland, Richard Harcus đã có những chia sẻ với Dân trí về cơ hội hiện thực hóa giấc mơ dự World Cup của bóng đá Việt Nam. Đây là thời điểm bóng đá Việt Nam vừa chuyển giao chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam và V-League đã bắt đầu khởi tranh.
Xin chào ông Richard Harcus. Cảm ơn ông đã tham gia buổi phỏng vấn của Dân trí vào thời điểm rất "nhạy cảm" của bóng đá Việt Nam. Trước hết, ông đánh giá như thế nào về V-League, với khá nhiều vấn đề xảy ra từ cuối mùa giải 2022 đến đầu mùa giải 2023. Từ chuyện các CLB nợ lương, bị giải thể cho đến tranh cãi bản quyền quảng cáo giữa VPF và Hoàng Anh?
- Mọi thứ trông thật không tốt cho lắm. Thành thật mà nói, tôi cảm thấy những vấn đề tôi từng nói dường như chưa được cải thiện nhiều. Có những CLB được điều hành một cách tệ hại, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Đơn cử như Sài Gòn FC đã bị giải thể sau mùa giải năm ngoái. Đấy là một nỗi xấu hổ với các cổ động viên (CĐV) và thành phố.
Tôi cũng phải nói rằng, liên quan đến việc các đội bị giải thể, theo tôi hiểu, có thể những người mua đội bóng này và chúng ta có thể thấy một số mặt tích cực từ việc đầu tư tiền bạc. Nhưng đầu tiên, tôi sẽ nói rất đau lòng khi thấy các vấn đề tại Sài Gòn FC, giống như ở Than Quảng Ninh mùa trước nữa.
Đây là những CLB bóng đá với những người hâm mộ trung thành và cuồng nhiệt, điều này thực sự không bao giờ nên xảy ra.
Tôi cảm thấy hết sức vô lý khi V-League có những quãng nghỉ quá dài để tập trung cho đội tuyển Việt Nam. Đây là quyết định điên rồ.
Đó cũng là lý do khiến tôi mong các cầu thủ Việt Nam cần phải sớm xuất ngoại để phát triển và hoàn thiện năng lực bản thân mình hơn trong thời gian V-League vẫn đang chậm tiến như lúc này. Ở Thái Lan, các CLB luôn tập trung tối đa để giành danh hiệu. Việc nghỉ thi đấu quá lâu cũng không có lợi, nhất là khi nó ảnh hưởng tới nhà tài trợ và bản quyền.
Không một đội bóng nào tập trung dài như đội tuyển Việt Nam. Đó là cách làm không bình thường nếu so với trên thế giới.
Thành thật chia sẻ với bạn, tôi không thể nói gì thêm nữa về vấn đề này. Bởi vì suy cho cùng, những người có thể khắc phục và ngăn cho những vấn đề này xảy ra lần nữa hoặc chưa đủ lắng nghe, hoặc chưa được trao đủ quyền hành để thay đổi mọi thứ tốt hơn.
Ông có thể nói thêm về "những người làm bóng đá"?
- Tôi rất ý thức được rằng bất cứ những gì tôi nói ở đây đều không thay đổi được nền bóng đá Việt Nam, vì một số người trong cuộc không muốn nghe sự thật. Họ không muốn bị nói về "mình đang thất bại ở đâu" và chắc chắn không muốn bị mang tiếng "sính ngoại" khi một người nước ngoài bảo họ phải làm gì. Đây không phải tôi gây rắc rối, tôi chỉ chia sẻ thực lòng thôi.
Tôi hiểu và nhận thức sâu sắc vấn đề vì sao nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam không muốn thừa nhận sai lầm. Họ là những người kiêu hãnh. Tôi chưa đủ tiếng nói và tầm vóc để nói với họ phải làm gì hay không nên làm gì.
Tất cả những gì tôi mong muốn là họ trân trọng, lắng nghe tâm tư của người hâm mộ, lắng nghe quan điểm của những người hiểu biết, lắng nghe những đề xuất có ý tưởng, lắng nghe những lời khuyên. Những người này có thể là người ngoại quốc, dân địa phương, người trẻ, người già... Nhưng thật không may điều đó chưa xảy ra.
Tôi biết nhiều, rất nhiều người Việt Nam làm bóng đá giỏi, có ý tưởng, sẵn sàng giúp đỡ và muốn thấy trình độ bóng đá trong nước tiến bộ hơn, nhưng một lần nữa, tôi cũng biết nhiều người Việt Nam không chịu lắng nghe, không chịu trả lời e-mail, tin nhắn điện thoại và nghĩ rằng bản thân biết hết cách giải đáp vấn đề.
Sự thật là, không ai biết tất cả các câu trả lời, không phải tôi, không phải bạn, không phải Alex Ferguson, không một ai. Điều làm nên một người giỏi, là người biết lắng nghe những người xung quanh, biết đặt những người tốt xung quanh mình, một người biết lắng nghe lời khuyên và để người khác giúp đỡ mình. Đây là vấn đề mà tôi cảm thấy chúng ta gặp phải ở Việt Nam, hơn bất cứ điều gì khác.
Tôi không tin đây là một thứ "văn hóa", bởi vì những người Việt Nam trẻ trung, nhiệt huyết không nghĩ như vậy. Tôi không nói rằng "cách cũ" là sai, bởi vì "cách cũ" đã hoạt động và giúp ích cho rất nhiều người khi cần, trong quá khứ. Nhưng mọi thứ thay đổi, mọi thứ phát triển, thời gian thay đổi, bóng đá đã phát triển.
Với những thay đổi này, chúng ta cần những ý tưởng mới, con người mới, tầm nhìn mới và hướng đi mới. Nếu chúng ta không làm điều này, chúng ta sẽ lặp lại những sai lầm tương tự trước đây.
Bây giờ chúng ta đặt ra điều gì để học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ? Chúng ta giỏi cái gì và có thể làm gì để tốt hơn? Đây không phải là để đổ lỗi cho bất kỳ ai, mà là để nhận được sự ủng hộ của công chúng, để giành lại người hâm mộ, đó là để bóng đá các nước tiến lên phía trước!
Ông từng nói rằng bóng đá Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề từ khâu đào tạo trẻ đến trình độ HLV ở nhiều CLB, điều này sẽ ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam trong tương lai không xa?
- Vâng, đúng là tôi đã đánh giá như vậy trước đây. Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã nhận thấy tác động sâu rộng của công tác đào tạo trẻ nhưng chúng ta đang thấy các vết nứt bắt đầu xuất hiện.
Điều tôi phải nhắc lại là, tôi cũng đã nói rằng có rất nhiều người tốt ở các CLB và VFF đang chiến đấu hết mình cho bóng đá Việt Nam, nhiều người trong số họ buồn bã dường như đang cố gắng chống lại một làn sóng các vấn đề, thách thức đang diễn ra và chỉ ngày càng lớn hơn như bạn đã đề cập.
Còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhất là ở bóng đá trẻ, trước cả khi chúng ta bàn đến đội tuyển quốc gia hay V-League.
Hãy để tôi hỏi độc giả của Dân trí điều này: Các bạn có sẵn lòng để con cái thi đấu cho đội bóng địa phương hay không? Các vị có biết liệu huấn luyện viên của con bạn đủ tiêu chuẩn giảng dạy hay không?
"Tiêu chuẩn" theo ý tôi không chỉ trình độ huấn luyện, ý tôi là các HLV có được đào tạo cấp cứu hay không? Họ có biết làm gì nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng hay không? Bạn có biết liệu HLV của con bạn đã được "kiểm tra lý lịch", tức là "an toàn" để làm việc với con trẻ hay chưa?
Phải hiểu rằng, nếu Việt Nam muốn dự World Cup, cần có cấu trúc từ trên xuống dưới phản ánh được tham vọng ấy. Tôi tự hào nói "chúng ta" vì tôi hãnh diện là một phần nhỏ của Việt Nam. Chúng ta cần làm chuẩn chỉ tất cả những tiểu tiết nếu chúng ta muốn hướng đến những danh vọng lớn hơn. Chúng ta chưa làm được điều đó ngay bây giờ ở Việt Nam.
Bây giờ chuyển sang HLV Park Hang Seo. Vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã trải qua 5 năm thành công rực rỡ cùng bóng đá Việt Nam. Theo ông, bóng đá Việt Nam sẽ thừa hưởng được những gì từ "di sản" của ông Park và đâu là những khoảng trống khó lấp đầy?
- "Di sản" của HLV Park là niềm tin, kỳ vọng và khao khát hơn nữa. Di sản của ông ấy là hy vọng và tầm nhìn về vị trí của bóng đá Việt Nam có thể vươn tới hoặc ngày nào đó có thể vươn tới. Tôi tin rằng ngay cả khi không có HLV Park Hang Seo, với tiềm năng sẵn có, đội tuyển Việt Nam vẫn có thể lọt vào vòng loại thứ ba World Cup.
Nhưng tất nhiên, chúng ta cũng sẽ cần phải cẩn trọng cho phương án tìm kiếm người kế nhiệm. Việc chuyển đổi cần có một sự liền mạch. VFF cần tìm một HLV giống như ông Park, tức là hiểu rõ các cầu thủ, hiểu rõ văn hóa Việt Nam, hiểu rõ thách thức và kỳ vọng của bóng đá nước này.
Quả thực, trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam là khát vọng và mơ ước của nhiều HLV. Vì thế, thay thế HLV Park Hang Seo trong tương lai có thể là nhiệm vụ khó khăn và áp lực, nhưng không phải là không thể.
Những khoảng trống để đạt được tham vọng ấy, như tôi đã nói, các chi tiết nhỏ cần được chú tâm hơn. Đó là những chi tiết cần tốt hơn nhưng nhiều người không nhìn thấy. Ví dụ công ăn việc làm của các HLV cấp cơ sở, sự hỗ trợ của bậc cha mẹ dành cho con cái, tài trợ cho các chương trình địa phương, sân bóng cho trẻ nhỏ ở các địa phương và nhiều điều khác.
Có những lo ngại sự ra đi của HLV Park Hang Seo sẽ khép lại chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam. Thực tế những trụ cột dưới thời ông Park ít nhiều đều sa sút phong độ vì tuổi tác hoặc các lý do khác. Điển hình là trường hợp Quang Hải, người đang gặp quá nhiều khó khăn trong chuyến xuất ngoại đầu tiên.
- Tôi hiểu tại sao mọi người lo ngại như vậy. Mọi người ngại thay đổi. Mặc dù sự xuất hiện của ông Troussier không phải là thay đổi lớn. Ông Troussier đã và luôn là sự kế thừa hợp lý cho ông Park. Ông ấy hiểu rõ đội bóng, biết cách thiết lập, biết tình hình nhân sự, nắm bắt văn hóa, biết những khát vọng, biết những thách thức, biết những khát khao.
Tóm lại, ông ấy "hiểu" Việt Nam. Ông ấy thực sự là người phù hợp nhất và là người tôi yêu thích nhất cho công việc này ngay từ đầu. Điều tôi sẽ nói với ông Park là tôi sẽ nhớ ông ấy, với tư cách một con người, một huấn luyện viên và một nhà lãnh đạo. Tôi chúc ông ấy không có gì ngoài những điều tốt nhất cho tương lai.
Về phần ông Philippe Troussier, tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vị chiến lược gia này? Theo ông, HLV Troussier có thể tiếp nối thành công của người tiền nhiệm?
- 100% là có. Troussier, như tôi đã nói, là sự lựa chọn ưa thích của tôi. Tôi rất hân hạnh được nói chuyện với ông ấy trong chuyến thăm PVF và Phố Hiến FC ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ông ấy cực kỳ khả kính, cực kỳ hiểu biết và theo ý kiến của tôi, ông ấy là một sự chuyển đổi liền mạch cho vai trò HLV đội tuyển Việt Nam.
Một câu hỏi xa hơn, ông Troussier từng nói về tham vọng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup 2026. Theo ông, mục tiêu này liệu có khả thi?
- Tôi nghĩ rằng bản thân ông Troussier sẽ đánh giá lại quan điểm này và điều đó không sao cả! Tôi nghĩ ông ấy đã nói như vậy vào thời điểm ông ấy còn ở VFF trước đây, nếu tôi không nhầm, nhưng kể từ đó đến nay có nhiều thứ đã thay đổi.
Điều này không có nghĩa là không thể, mọi thứ đều có thể, với đúng người, đúng nguồn lực, đúng chiến lược và mọi người cùng nhìn về một hướng, điều đó có thể xảy ra.
Tôi hy vọng điều đó xảy ra, giống như tất cả người dân Việt Nam, già trẻ lớn bé, chúng ta tất cả đều hy vọng điều đó xảy ra và tôi không cầu chúc gì cho ông ấy ngoài những điều may mắn nhất để biến khát vọng dự World Cup thành hiện thực. Ông ấy nhận được sự ủng hộ 100% của tôi và tôi chắc rằng những người khác ở Việt Nam cũng vậy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Tuấn Huy