"Không nên quy định cứng tên của 4 cơ quan thanh tra"
(Dân trí) - Thứ trưởng Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị không nên quy định cứng tên của 4 cơ quan thanh tra tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), mà nghiên cứu theo hướng mở, giao Chính phủ quy định cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì hội đồng thẩm định hồ sơ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho biết dự thảo luật gồm 9 chương và 66 điều, cơ bản kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022.

Tiến sĩ Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Hồng Mây).
Tại dự thảo, Thanh tra Chính phủ đề nghị lược bỏ 52 điều của luật hiện hành, trong đó bỏ hoàn toàn các quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra huyện, thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Đặc biệt, dự luật đề xuất bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung mục đích hoạt động của các cơ quan thanh tra góp phần kiểm soát quyền lực.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu và các cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế cũng được bổ sung.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao nỗ lực của Thanh tra Chính phủ và nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi).
Bà Oanh cho rằng không nên quy định cứng tên của 4 cơ quan thanh tra tại dự thảo luật, mà nghiên cứu theo hướng mở, giao Chính phủ quy định cụ thể về các cơ quan thanh tra này.
Thứ trưởng Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có yêu cầu về việc thành lập cơ quan thanh tra trong các ngành, lĩnh vực cụ thể để tránh bỏ sót.

Thứ trưởng Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Hồng Mây).
Sau khi sắp xếp cơ quan thanh tra theo mô hình 2 cấp, duy trì một số cơ quan có tính chất thanh tra đặc thù, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, sẽ dẫn đến sự thay đổi về chức năng, về mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra. Do đó, dự thảo luật cần xử lý được việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, mối quan hệ giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan thanh tra trong toàn hệ thống.
Dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể về trường hợp cơ quan thanh tra đã làm hết thẩm quyền nhưng chưa phát hiện được đầy đủ dấu hiệu tội phạm, chưa xác định được thiệt hại xảy ra thì người ra quyết định thanh tra chuyển, cung cấp thông tin về vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng thẩm định, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt khẳng định cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.
Đề xuất những cơ quan thanh tra nào?
Dự thảo luật đề xuất các cơ quan thanh tra gồm: 1- Thanh tra Chính phủ; 2- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 3- Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu; 4- Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, gồm: Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Từ đây, theo Thanh tra Chính phủ, sẽ giúp cắt giảm các thủ tục do 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, Thanh tra Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.
Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ thanh tra của 12 thanh tra bộ; thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ thanh tra của thanh tra cấp huyện, thanh tra sở.