1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: “Còn bao nhiêu đá bấy nhiêu!”

(Dân Trí) - Ở cuộc họp Hội đồng quản trị (HĐQT) trong ngày 12/9, VPF tỏ ra khá mạnh mẽ trong việc siết chặt đầu vào của các CLB tham dự 2 giải đấu chuyên nghiệp. Ngoài ra, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết không có chuyện ông sẽ bỏ ngang công ty này

Một mùa giải quá nhiều sóng gió, cùng những hạn chế trong khâu tổ chức khiến VPF đối diện với làn sóng chỉ trích từ dư luận cả nước. Chính điều đó khiến cho ngay sau khi V-League và giải hạng Nhất kết thúc, cả 2 ông trưởng 2 giải đấu này là Trần Duy Ly và Nguyễn Hữu Bàng đều xin từ chức. Cũng chính vì điều đó mà VPF đứng trước yêu cầu phải thay đổi cách quản lý trong mùa bóng tới.

Về vấn đề của trưởng BTC V-League Trần Duy Ly và trưởng BTC giải hạng Nhất Nguyễn Hữu Bàng, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho hay: “Về cơ bản, mỗi vị trưởng giải sẽ làm việc theo từng mùa, hết mùa giải thì nhiệm vụ của họ cũng kết thúc. Trước mỗi mùa giải mới, chúng tôi sẽ chọn các trưởng giải khác”.

“Riêng về trường hợp của anh Ly và anh Bàng, các anh ấy vừa nêu nguyện vọng là xin rút lui khỏi cương vị trưởng giải trong mùa bóng sau, điều đó đã được HĐQT chấp nhận. Tuy nhiên, tôi xin nói rõ rằng các anh ấy vẫn làm việc cho VPF, vẫn là người của công ty”.

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm chính là thực tế khó khăn của hàng loạt đội bóng, cũng như nguy cơ sẽ có đội tiếp tục bỏ giải trước khi mùa bóng khởi tranh kiểu Trẻ K.Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu bỏ giải hạng Nhất 2013, hay bỏ khi mùa bóng đang diễn ra như XM Xuân Thành Sài Gòn ở V-League 2013.

VPF và các giải đấu trong nước đứng trước yêu cầu phải thay đổi
VPF và các giải đấu trong nước đứng trước yêu cầu phải thay đổi

Chính vì thế, đứng trên góc độ của những nhà quản lý, yêu cầu đặt ra với VPF là họ phải có biện pháp trấn chỉnh và ngăn ngừa hiện tượng trên.

Về vấn đề này, vị chủ tịch VPF cho hay: “Tất cả những chuyện đó đều đã được HĐQT bàn đến và được nêu chi tiết trong biên bản cuộc họp HĐQT. Khi anh xem biên bản này, anh sẽ rõ và sẽ thấy quyết tâm của chúng tôi. Mùa tới, còn bao nhiêu đội giải sẽ tổ chức với bây nhiêu đội. Chúng tôi sẽ siết chặt các tiêu chuẩn của các đội tham gia”.

Đấy được xem là động thái mạnh tay và cần thiết của VPF vào lúc này, bởi chính sự du di của VPF và của VFF trong những năm qua đã làm hại kỷ cương của bóng đá nội, hại đến chính uy tín của các cơ quan đang điều hành nền bóng đá.

Theo đó, các CLB để đủ điều kiện tham dự 2 giải đấu chuyên nghiệp do VPF và VFF tổ chức phải đóng góp cổ phần, đóng lệ phí tham dự giải, đặc biệt là phải chứng minh nguồn tài chính thực sự đảm bảo để tồn tại, trước khi VPF và BTC các giải đấu trong nước tiến hành bốc thăm xếp lịch thi đấu cho mùa sau.

Một vấn đề đáng quan tâm khác liên quan đến VPF và đến cá nhân chủ tịch HĐQT công ty này Võ Quốc Thắng là thông tin ông Thắng có khả năng rút lui.

Liên quan đến câu chuyện trên, ông Thắng nói: “Không, không có chuyện đó, lúc này thì chưa. Tôi sẽ nhường lại vị trí cho người thích hợp hơn, tốt hơn, nhưng không có nghĩa là tôi sẽ bỏ ngang VPF, bỏ ngang trọng trách mà mình đang nắm giữ”.

Cũng theo biên bản cuộc họp HĐQT VPF được ông Thắng cung cấp, thì các vấn đề quan trọng mà VPF vừa đề xuất, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tư cách thành viên và khả năng tham dự các giải đấu của các CLB sẽ có ý kiến và thống nhất với phía VFF.

Hiện tại, ngay trong HĐQT VPF, có 3 thành viên của VFF, trong đó có 2 nhân vật thuộc thường trực BCH VFF là các ông Lê Hùng Dũng (PCT VPF, PCT VFF) và Phạm Ngọc Viễn (TGĐ VPF, PCT VFF). Trong đó, riêng ông Dũng đang là ứng cử viên cho vị trí chủ tịch VFF khóa 7.

Một loạt động thái khá mạnh tay vừa được chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng nói riêng và HĐQT VPF nói chung đưa ra cho thấy VPF đang muốn cứu lấy uy tín của chính mình. Vấn đề là họ sẽ thực hiện các kế hoạch của mình như thế nào? Để tránh cảnh đầu voi đuôi chuột đã không ít lần được chứng kiến nơi những người điều hành bóng đá Việt Nam.

Trọng Vũ

Dòng sự kiện: V-League 2014