Chủ tịch VPF: “Không thể vì một đội mà làm sụp đổ nền bóng đá”
(Dân trí) - Theo Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, dù có những ý kiến trái chiều, nhưng hầu hết các đội bóng đều muốn được thi đấu sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19.
Tối 5/8, Bầu Đệ của CLB Thanh Hoá có động thái gây xôn xao làng bóng đá Việt khi gửi công văn tới VFF và VPF với nội dung quyết định không tiếp tục tham gia các trận đấu còn lại của LS V-League 2020 do không biết thời điểm chính thức trở lại, trong hoàn cảnh đội bóng đang gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động.
Trong công văn này, phía CLB Thanh Hóa cũng cũng nêu rõ nếu nhận hỗ trợ từ VFF và VPF trong giai đoạn này, lãnh đạo đội sẽ có động thái nhằm tiếp tục duy trì đội tham dự giải.
Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc về việc đây là động thái của đội bóng xứ Thanh nhằm gây áp lực để VPF và VFF phải hỗ trợ kinh phí. Đặc biệt trong bối cảnh ở cuộc họp mới đấy với các liên đoàn bóng đá ở Đông Nam Á, FIFA đã cam kết hỗ trợ VFF khoản tiền 1,5 triệu USD để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về việc ông bầu Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hoá tuyên bố rút lui, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nhấn mạnh, không thể vì một câu lạc bộ làm sụp đổ cả một nền bóng đá.
"Đã là một CLB bóng đá chuyên nghiệp thì việc đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động quanh năm, kể cả thời gian nghỉ giữa 2 mùa giải là việc bình thường. Ngoài ra, không thể vì một CLB lại làm sụp đổ cả một nền bóng đá của một quốc gia. Nếu giải bị hủy, cầu thủ không được đá giải trong hơn suốt 6-7 tháng liền thì hậu quả sẽ như thế nào?”, ông Trần Anh Tú nói.
"Có thể lo ngại về dịch nên đã có 4 CLB là Quảng Nam, Dược Nam Hà Nam Định, Thanh Hóa và SL Nghệ An đã gửi văn bản góp ý đề nghị kết thúc giải sớm. Đến hôm nay VPF vẫn chưa nhận thêm văn bản của các câu lạc bộ khác liên quan đến việc này", người đứng đầu VPF nói thêm.
Trước đó, bầu Tú khẳng định việc huỷ giải sẽ mang tới nhiều hệ luỵ, đặc biệt là vấn đề uy tín. Vì thế, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn phải quyết tâm tổ chức trong điều kiện cho phép.
“Về nguyên tắc, chúng ta phải thực hiện đúng hợp đồng và đảm bảo các quyền lợi của nhà tài trợ. Do vậy, nếu giải đấu không được tổ chức mà không vì lý do bất khả kháng thì việc phá vỡ hợp đồng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Không chỉ thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của đơn vị quản lý, tổ chức và điều hành giải, của các CLB. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng cảm và chung tay trách nhiệm, cùng nhau xây dựng những giải pháp tích cực cho hoạt động của bóng đá Việt Nam", bầu Tú nói.
Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, các CLB nếu không đảm bảo được khả năng tài chính để duy trì hoạt động thi đấu đến hết giải phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba từ mùa giải tiếp theo. Toàn bộ kết quả thi đấu của đội bóng này đều bị hủy bỏ.
Trong khi đó, với Quy định kỷ luật của VFF, nếu đội bóng bỏ giải mà không phải vì lý do tài chính, CLB Thanh Hóa bị phạt tiền tối thiểu 300 triệu đồng và cũng phải xuống chơi ở giải hạng Ba. Ngoài ra, người đứng đầu đội bóng bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức ít nhất 5 năm.