Cầu thủ Việt Nam có trụ nổi môi trường bóng đá khắc nghiệt ở Nhật Bản?
(Dân trí) - Công Vinh, Công Phượng và Tuấn Anh từng thất bại khi chơi bóng tại Nhật, nhưng Đặng Văn Lâm, Cao Văn Triền và Trần Danh Trung tới đây vẫn đến Nhật, quyết tâm trụ lại nền bóng đá này.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, chưa cầu thủ nào của Việt Nam thành công trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, từ Lê Công Vinh ở Consadole Sapporo, đến Nguyễn Công Phượng (Mito Hollyhock) và Nguyễn Tuấn Anh (Yokohama FC).
Tuy nhiên, bất chấp những thất bại đấy, bóng đá Nhật Bản vẫn là chân trời mơ ước với các cầu thủ Việt Nam: Đặng Văn Lâm đã đầu quân cho CLB Cerezo Osaka tại J-League 1, trong khi Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sẽ chuyển đến FC Ryukyu ở J-League 2 vào mùa Hè tới đây.
Môi trường bóng đá Nhật Bản chắc chắn vẫn đầy thách thức đối với họ. Những ngày sắp tới của những cầu thủ này chẳng dễ dàng hơn so với những ngày mà Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh từng trải qua.
Công Vinh cảnh báo Đặng Văn Lâm có thể phải làm quen với băng ghế dự bị ở Cerezo Osaka, chỉ có thể xuất hiện trong các buổi tập hoặc các trận đấu cúp của đội này. Tuy nhiên, Đặng Văn Lâm vẫn tin vào lựa chọn của mình, ngay cả khi Văn Lâm phải cạnh tranh với thủ thành kỳ cựu Kim Jin-hyeon, vốn là cựu tuyển thủ Hàn Quốc.
Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sắp tới được Sài Gòn FC đưa sang môi trường thi đấu tại giải J-League 2 (thấp hơn J-League 1 mà Đặng Văn Lâm sẽ chơi bóng, nhưng vẫn cao hơn so với giải V-League). 2 cầu thủ này sẽ khoác lên mình màu áo của CLB Ryukyu.
Ở đấy, họ cũng phải cạnh tranh, phải làm việc cật lực mới hy vọng có được chỗ thi đấu thường xuyên trong màu áo mới. Tất cả đều không dễ, nhưng các cầu thủ này vẫn sẵn sàng đón nhận thách thức mới.
Đấy là tinh thần cần có với các cầu thủ khi xuất ngoại, đến với môi trường có trình độ cao hơn, có tính cạnh tranh cao hơn hẳn môi trường bóng đá Việt Nam.
Ngay đến cầu thủ Nhật khi rời quê nhà sang châu Âu thi đấu nhiều năm trước, họ ban đầu cũng thất bại, thậm chí thất bại rất nhiều. Sau đó họ mới thích nghi dần và trụ lại được cho đến ngày nay.
Đặt trường hợp cầu thủ Nhật Bản họ cũng nản và sớm bỏ cuộc, sau những ngày đầu thất bại đấy, bóng đá Nhật Bản có lẽ đã không có ngày hôm nay, và làng túc cầu ở xứ sở mặt trời mọc nói chung đã không thể nâng tầm, nâng trình độ của mình, xích lại gần hơn với các khu vực phát triển bóng đá hàng đầu thế giới, cụ thể là so với châu Âu.
Trong xu thế phát triển chung của bóng đá toàn cầu, xuất ngoại là xu thế không thể tránh khỏi đối với những nền bóng đá kém phát triển hơn, hướng về các nền bóng đá phát triển cao hơn.
Không dễ trả lời chuyện những Đặng Văn Lâm, Cao Văn Triền và Trần Danh Trung tới đây có thể thành công, có trụ lại Cerezo Osaka và FC Ryukyu nổi hay không? - Nhưng có thể khẳng định ngay rằng việc các cầu thủ này, hoặc những nơi vừa đưa họ rời Đông Nam Á để đến Nhật, đã có phản ứng hợp thời, đúng xu thế, hướng đến sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam!