Bước thụt lùi của đội tuyển Việt Nam so với thời HLV Miura
(Dân trí) - Nhiều người vẫn thường chê đội tuyển dưới thời HLV Miura, nhưng qua trận đấu vừa rồi của đội tuyển được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Hữu Thắng, người ta mới chợt nhận ra rằng thời HLV Miura còn cầm quân, chúng ta có những ưu điểm mà bây giờ không thấy có nữa.
Thụt lùi rõ rệt về mặt thể lực
Ở thời HLV Miura, thể lực được đánh giá là điểm mạnh nhất của đội tuyển Việt Nam, mạnh hơn hẳn so với các đời HLV từ nội đến ngoại trước đó. Hồi đấy, đội bóng của vị HLV người Nhật có thể đua tốc độ với chính đội tuyển Nhật Bản, cùng nhiều đội bóng nổi tiếng khỏe khác như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Olympic Iran mà không hụt hơi.
Nhưng trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng với Iraq thì sự tiến bộ về mặt thể lực của các cầu thủ Việt Nam trước đó hầu như không còn. Các cầu thủ của HLV Nguyễn Hữu Thắng luôn đuối trước các đồng nghiệp Iraq – điều chưa từng xảy ra dưới thời HLV Miura, trước bất kỳ đối thủ nào.
Nên nhớ, khi HLV Miura còn cầm quân, chính Iraq trong trận lượt đi đã trải qua trận hòa hú vía trước đội tuyển Việt Nam, với bàn san bằng tỷ số chỉ được ghi ở phút bù giờ thứ… 6, từ chấm phạt đền.
Khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên thay HLV Miura, người ta từng kỳ vọng rằng một HLV được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản như ông Thắng sẽ biết kế thừa những bài tập giúp nâng cao thể lực cho cầu thủ, có từ thời HLV Miura. Nhưng sau vài tuấn lễ thì người ta chưa thấy điều này ở đội tuyển.
Thể lực kém dẫn đến tranh chấp kém, nhất là trong các pha đua tốc độ và không chiến. Bàn thua của đội tuyển Việt Nam trong trận này cũng đến từ một tình huống chống bóng bổng không thành công – một điều cũng hiếm khi xảy ra lúc HLV Miura còn tại vị.
Thật ra Iraq trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam không phải là đội đá quá hay, nếu không muốn nói họ chơi khá đơn giản, chủ yếu dồn bóng dài lên tuyến trên rồi đua tốc độ. Dù vậy, do thể lực của các cầu thủ Việt Nam kém, nên chúng ta không thể ngăn chặn lối chơi này.
Chưa thấy tiến bộ về mặt lối chơi
Thời HLV Miura, người ta không ngớt chê bai về lối chơi do HLV này xây dựng cho các đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tinh ý có thể nhận ra lối chơi của đội tuyển dưới thời HLV Miura đặc biệt thích hợp cho những trận đấu, cho những giải đấu có chất lượng thực sự, phù hợp khi đối đầu với các đội bóng có chất lượng.
Có lẽ không nên bàn nhiều về trận thắng đậm của đội tuyển Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng trước Đài Bắc (Trung Hoa) hôm 24/3, vì nói như HLV Nguyễn Thành Vinh, đối thủ ngày hôm đấy yếu quá thì không thể rút ra bất cứ kết luận nào.
Riêng 2 trận đấu lượt đi và lượt về với chính Iraq, lần lượt dưới thời HLV Miura và HLV Nguyễn Hữu Thắng thì thấy rõ khác biệt. Khác biệt ở đây không phải là kết quả (thời HLV Miura hòa 1-1, thời HLV Nguyễn Hữu Thắng thua 0-1), mà là cách chơi.
Ở trận lượt đi dưới thời HLV Miura, đội tuyển Iraq vẫn là đội kiểm soát bóng nhiều hơn, giống như trận lượt về hôm qua.
Nhưng khác biệt rất lớn nằm ở chỗ thời vị HLV người Nhật chúng ta chủ động được cách chơi của mình, buộc đối phương phải đẩy cao đội hình, tạo khoảng trống phía sau lưng cho chúng ta phản công (và tạo ra rất nhiều cơ hội ăn bàn rõ rệt), trong khi ở trận lượt về hôm qua thì đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng lại đơn thuần bị cuốn theo lối đá của đối phương (với số cơ hội có thể chuyển thành bàn thắng gần như bằng không).
Riêng chuyện đội tuyển chơi đẹp hay không chơi đẹp thì bây giờ có lẽ cũng đã có câu trả lời: Rằng trình độ của đội tuyển Việt Nam hiện tại chưa đủ khả năng đá đẹp, đá ban bật trước các đội bóng mạnh thật sự, biết cách áp sát và biết cách gây sức ép khi cầu thủ của ta có bóng.
Còn chuyện đá đẹp, đá nhuyễn trước các đối thủ dưới cơ, những đối thủ quá yếu dạng Đài Bắc hôm vừa rồi cũng chẳng mấy ý nghĩa, bởi rốt cuộc nếu chỉ đá đẹp, nếu chỉ có thể chơi theo ý mình trước đối phương thua mình toàn diện, thì chúng ta rồi sẽ giải quyết được vấn đề gì? Rồi liệu có tiến xa nổi ở các mục tiêu vươn ra khỏi tầm Đông Nam Á mà chúng ta vẫn khắc khoải suốt hơn 20 năm qua hay chăng?
Kim Điền