1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá Việt Nam và V-League hướng đến mùa giải 2023 thành công

Kim Anh

(Dân trí) - Sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở lại với nhiều tín hiệu vui, từ đó tạo sức bật cho năm 2023 với rất nhiều đổi mới mang tính bước ngoặt.

Mùa giải 2022 thành công

Khép lại năm 2021 với việc các giải chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam phải hủy vì dịch Covid-19, mùa giải 2022 diễn ra trong bầu không khí tưng bừng, phấn khởi và thu được những kết quả nằm ngoài mong đợi.

Ở đó, các giải V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia, nhiều trận đấu diễn ra sôi nổi, quyết liệt và kịch tính đã để lại những cung bậc cảm xúc, ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ. Một số trận đấu có tính chất tranh đua quyết liệt có chuyên môn cao, thu hút lượng khán giả đến xem cổ vũ đông đảo và sôi động.

Bóng đá Việt Nam và V-League hướng đến mùa giải 2023 thành công - 1

V-League 2022 kết thúc thành công và tốt đẹp (Ảnh: Mạnh Quân).

Đặc biệt ở cuộc đua vô địch và trụ hạng V-League đã diễn ra hấp dẫn và kịch tính đến những vòng cuối. Trong khi đó, giải hạng Nhất cũng tìm ra được những đội bóng xứng đáng nhất lên V-League mùa tới là Công An Hà Nội và Khánh Hòa.

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch VPF, công tác phối hợp giữa Công ty VPF, Ban tổ chức (BTC) các giải với BTC trận đấu, CLB trong quá trình chuẩn bị, tổ chức điều hành các trận đấu ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tuân thủ nghiêm các Quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Điều lệ Giải và Quy định kỷ luật.

VPF và BTC giải luôn chủ động công tác dự báo về đặc điểm, tính chất của từng vòng đấu, trận đấu có tính chất tranh đua về thứ hạng, những trận đấu tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn để phối hợp với Ban tổ chức trận đấu triển khai các phương án, biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước, trong và sau trận đấu.

"Trong năm tới, chúng tôi phấn đấu 100% các CLB đủ điều kiện được cấp phép tham dự các giải đấu do AFC tổ chức; xây dựng tổ chức các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiệm cận với mô hình của các nước phát triển của châu lục.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hệ thống đèn chiếu sáng của các CLB đủ tiêu chuẩn, đáp ứng theo các tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp; Nâng cao chất lượng công tác trọng tài…", ông Trần Anh Tú nói.

Bóng đá Việt Nam và V-League hướng đến mùa giải 2023 thành công - 2

Ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch VPF (Ảnh: VFF).

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên VPF đã tiến gần tới việc thử nghiệm công nghệ VAR ở V-League. Theo ông Trần Anh Tú, VPF cùng VFF triển khai nghiên cứu, hoàn thiện các điều kiện trong thời gian sớm nhất để sử dụng công nghệ VAR theo tiêu chuẩn FIFA, đảm bảo tính chính xác, hỗ trợ các trọng tài trong việc điều hành, tạo sự công bằng cho các CLB trong quá trình thi đấu.

"Chúng tôi đã được FIFA phê chuẩn kế hoạch phát triển VAR trong thời gian tới. VPF cùng VFF và đặc biệt là Ban Trọng tài cũng sẽ triển khai đào tạo trọng tài sử dụng VAR.

Tiếp đến, cũng sẽ nhập thiết bị. Ngoài ra, một số trận đấu sẽ được đưa VAR vào thí điểm, giúp các trọng tài triển khai vận hành", người đứng đầu VPF chia sẻ.

V-League tăng giá và cú hích cho bóng đá Việt Nam

Bản quyền truyền hình của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được VPF bán cho FPT trong 5 mùa giải, kể từ 2023 đến hết mùa 2027. Hai đối tác sẽ hướng đến mục tiêu thu lợi nhuận từ bản quyền truyền hình để có nguồn doanh thu ổn định phục vụ công tác quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam. Thay vì đổi bằng quảng cáo, VPF thu về khoản tiền mặt ước tính khoảng 60 tỷ đồng/mùa.

Như vậy, sau hơn 10 năm, bản quyền V-League mới thực sự có giá. Dù số tiền 60 tỷ đồng/năm của thấp hơn rất nhiều so với bản quyền Thai League (giải vô địch quốc gia Thái Lan) nhưng dẫu sao giá trị của giải bóng đá số một Việt Nam cũng được nâng lên đáng kể.

Trong bối cảnh nhiều CLB khó khăn trong việc xoay sở tài chính trước mỗi mùa giải, việc giá trị bản quyền truyền hình tăng cao sẽ giúp họ nhận sự hỗ trợ tương đối để trang trải. 

Việc VPF tăng giá bán bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước được xem là thành công lớn. Ngoài việc tăng tiền hỗ trợ cho các CLB, công ty tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước sẽ có thêm khoản tài chính để đầu tư vào VAR. Có như vậy chất lượng phục vụ người hâm mộ mới tốt hơn, qua đó giá trị kinh tế của giải đấu cũng tăng lên trong tương lai.

Bóng đá Việt Nam và V-League hướng đến mùa giải 2023 thành công - 3

Giá trị bản quyền V-League tăng lên rõ rệt (Ảnh: Mạnh Quân).

Khai thác thương mại từ giải đấu ngày càng được đơn vị quản lý chú trọng. Nhờ bản quyền truyền hình, VPF cũng có thể chia sẻ doanh thu cho các CLB. Việc chia sẻ này có thể được thực hiện qua nhiều hình thức, có thể là tiền mặt, hoặc có thể triển khai các kế hoạch nâng cấp giải đấu, bổ sung trang thiết bị, điều kiện thi đấu cho các đội.

Các đội bóng có thêm kinh phí cho hoạt động của mình, từ nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư chuyển nhượng cầu thủ, phát triển bóng đá trẻ hoặc các hoạt động phát triển thương hiệu.

Mức giá bản quyền truyền hình cũng là một phần nói lên tầm cỡ, vị trí của giải vô địch quốc gia. Giải đấu hấp dẫn hoàn toàn có thể chào đón các nhà đầu tư từ nước ngoài đến mua bản quyền truyền hình trong tương lai.

Trong vai trò Chủ tịch VPF và vừa trúng cử ghế Phó Chủ tịch VFF, ông Trần Anh Tú đặc biệt nhấn mạnh tới công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.

"Chúng ta có một nền tảng đào tạo trẻ rất bài bản nhiều năm qua. VFF tiếp tục phát huy nền tảng ấy nhưng chúng tôi phải cân nhắc tăng số lượng trận đấu các giải trẻ. Điều này phụ thuộc tài chính của CLB và phải cân đối cả chuyện chi phí của VFF.

Các cháu cầu thủ còn phải đi học và thi đấu nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học văn hóa. Nhưng tăng số trận đấu là xu thế tất yếu, chúng ta sẽ tìm ra nhiều cầu thủ trẻ.

Phát triển bóng đá trẻ là nhiệm vụ của VFF, nhưng VPF, các CLB, địa phương cũng cần có sự chung tay, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất để từ đó xác định hướng đầu tư, tiến tới mục tiêu tham dự World Cup", ông Trần Anh Tú cho biết.