Bóng đá Việt Nam thành công dù nói không với... nhập tịch

(Dân trí) - Việc đội tuyển Trung Quốc cho đến Malaysia, rồi Indonesia, Philippines liên tiếp bổ sung cầu thủ nhập tịch để cải thiện thành tích, mơ về ngày vươn ra biển lớn, trong khi đội tuyển Việt Nam vẫn hoàn toàn sử dụng cầu thủ trong nước thật sự là một nét khác biệt và mang đến thành công rất đáng mừng.

Những thành công của đội tuyển Việt Nam trên đấu trường châu lục cũng như trong khu vực Đông Nam Á, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo trong suốt 2 năm qua, nhiều chuyên gia bóng đá vẫn tỏ ra ngạc nhiên khi không có bất cứ cầu thủ nhập tịch nào.

Thật ngạc nhiên để giành những danh hiệu như Á quân U23 châu Á 2018, lọt vào bán kết Asiad 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018, giành vé trực tiếp tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2020... nhưng đội tuyển Việt Nam đến nay vẫn hoàn toàn do công của các cầu thủ trong nước.

Bóng đá Việt Nam thành công dù nói không với... nhập tịch - 1

Đội tuyển Malaysia với 4 cầu thủ nhập tịch nhưng vẫn bất lực trong việc kiểm soát thế trận trước đội tuyển Việt Nam

Nên nhớ đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018 thì quá nửa trong số họ là những cầu thủ nhập tịch, có gốc châu Phi. Ở khu vực Đông Nam Á, để cải thiện thành tích, các nước láng giềng như Singapore, Philippines, Indonesia cho đến Malaysia cũng đã bổ sung rất nhiều cầu thủ nhập tịch để giành những thành tích cao trong khu vực.

Đội tuyển Trung Quốc mới đây, sau những thất bại đáng thất vọng ở đấu trường châu lục, họ cũng đã nhập tịch đến 9 cầu thủ nhằm hi vọng có vé tham dự World Cup 2022.

Đội tuyển Malaysia, trước thềm trận đấu với đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 cũng tỏ ra tự tin rất nhiều khi họ nhập tịch đến 4 cầu thủ nước ngoài. HLV Tan Cheng Hoe tuyên bố sự trở lại của "bầy Hổ Malaya" ở vòng loại World Cup 2022 khác với AFF Cup 2018 là nhờ những nhân tố mới từ việc nhập tịch này. Nhưng rồi họ vẫn bị một đội tuyển Việt Nam chỉ toàn các cầu thủ nội khuất phục.

Trong đội hình của đội tuyển Việt Nam lúc này, người duy nhất có yếu tố ngoại là thủ thành Đặng Văn Lâm, có bố người Việt, mẹ người Nga, còn lại là “thuần Việt” 100%.

Lại càng lạ hơn, ở giải V-League, khi mà các chân sút ngoại binh hầu như thống lĩnh ở các CLB - đặc biệt là danh hiệu vua phá lưới các ngoại binh luôn độc chiếm - thì đội tuyển Việt Nam, từ đội tuyển quốc gia đến U22, hoàn toàn sử dụng những cầu thủ nội là điều đáng nể phục.

Ngay cả U22 Việt Nam mới đây, dù phải làm khách nhưng cũng gây bất ngờ khi thắng 2-0 ở trận đấu giao hữu với U22 Trung Quốc, càng cho thấy giá trị của một đội hình không ngoại binh.

Bóng đá Việt Nam thành công dù nói không với... nhập tịch - 2

Thành công của HLV Park Hang Seo là ông chỉ sử dụng những chân sút nội nhưng vẫn giúp đội tuyển Việt Nam gặt hái nhiều vinh quang

Việc không cần dùng đến ngoại binh càng cho thấy tài năng của HLV Park Hang Seo, vừa phải trân trọng ông khi đây là cách để HLV người Hàn Quốc giúp phát triển nền bóng đá Việt Nam, nhất là đối với bóng đá trẻ.

Người ta vẫn hay kêu gọi “người Việt xài hàng Việt”, kêu gọi người Việt phải “tự lực, tự cường”  nhưng lâu nay chủ yếu mang tính hô hào, lý thuyết sách vở. Nhưng việc bóng đá Việt Nam vẫn đang phát triển bằng “hàng nội”, bằng việc trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ trong nước là điều rất đáng mừng.

Nếu HLV Park Hang Seo không tin dùng những cầu thủ nội, thì làm gì có nhiều cơ hội cho Lương Xuân Trường, Đặng Văn Lâm sang Thái Lan thi đấu. Nếu thầy Park không tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ đã từng gặp thất bại trong màu áo đội tuyển, thì Công Phượng làm gì có cơ hội để sang Bỉ, Đoàn Văn Hậu sang Hà Lan thi đấu ?

Thay vì nhập tịch cầu thủ, liên tiếp 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam ít nhiều đã “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, đó là điều mà không dễ một sớm một chiều làm được và nó cho thấy những tín hiệu tốt để bóng đá Việt Nam tiếp tục vươn xa trong tương lai.

Thế Nam