Bóng đá học đường ở Việt Nam và tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan

Trọng Vũ

(Dân trí) - Dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng nhìn chung bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan vẫn giữ được vị thế của mình. Tất cả là nhờ họ tạo dựng được nền tảng tốt từ lực lượng trẻ dồi dào.

Ổn định nhờ nguồn nhân lực dồi dào dành cho bóng đá

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền bóng đá hàng đầu châu Á, riêng Nhật Bản chiếm vị trí số một châu lục.

Kể từ lần đầu lọt vào vòng chung kết (VCK) World Cup 1998 tại Pháp, Nhật Bản chưa bao giờ vắng mặt tại giải vô địch thế giới. Tổng cộng, Nhật Bản đã có 7 lần liên tiếp góp mặt tại VCK World Cup.

Bóng đá học đường ở Việt Nam và tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan - 1

HLV tạm quyền đội tuyển Hàn Quốc Hwang Sun Hong từng là cầu thủ sinh viên (Ảnh: Yonhap).

Cũng trong khoảng thời gian nói trên và trước đó một chút, Nhật Bản có 4 lần vô địch châu Á, vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011.

Với Hàn Quốc, đội bóng này 10 lần liên tiếp lọt vào VCK World Cup (1986-2022). Nếu tính luôn lần tham dự World Cup năm 1954, Hàn Quốc có tổng cộng 11 lần dự VCK giải vô địch bóng đá thế giới.

Con số 11 lần dự VCK World Cup và 10 lần liên tiếp góp mặt ở giải đấu này của Hàn Quốc, đều là những kỷ lục châu Á.

Thật ra, trong quá trình phát triển nền bóng đá nước mình, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những lúc thăng trầm khác nhau. Ví dụ như việc Hàn Quốc không giành được ngôi vô địch Asian Cup 2023, đối với nền bóng đá này, là nỗi thất vọng rất lớn.

Người Hàn Quốc thất vọng vì trong đội hình của họ có nhiều ngôi sao đang khoác áo các CLB tầm cỡ thế giới, gồm Son Heung Min (Tottenham, Anh), Lee Kang In (PSG, Pháp) và Kim Min Jae (Bayern Munich, Đức), nhưng vẫn không thể vô địch châu Á.

Họ thất vọng đến mức sa thải HLV Klinsmann (người Đức), chấp nhận mất khoản tiền lớn để đền bù hợp đồng cho ông Klinsmann.

Bóng đá học đường ở Việt Nam và tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan - 2

Đội trưởng đội tuyển Hàn Quốc giành hạng 4 World Cup 2002 Hong Myung Bo cũng xuất thân từ bóng đá học đường (Ảnh: The Korea Times).

Nhưng về mặt vị thế, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều vẫn giữ được vị thế của mình, cho dù họ không vô địch châu Á hồi đầu năm nay. Lực lượng cầu thủ của hai đội tuyển này vẫn dồi dào, đồng thời không có đội bóng nào ở châu Á dám tự tin tuyên bố có thể thắng được họ.

Sở dĩ Nhật Bản và Hàn Quốc có được vị thế này nhờ nền tảng của họ tốt, khâu đào tạo cầu thủ trẻ của họ ở mức phát triển tốt nhất châu Á. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các lò đào tạo trẻ của các CLB chuyên nghiệp, còn có thêm hệ thống bóng đá học đường phát triển.

Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp của 2 nước này xuất thân từ bóng đá học đường. Ví dụ sinh động nhất, HLV tạm quyền của đội tuyển Hàn Quốc Hwang Sun Hong từng thi đấu tại giải bóng đá sinh viên Hàn Quốc, trong màu áo đội Đại học Konkuk, rồi sau đó ông mới thi đấu chuyên nghiệp tại châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sau này ông Hwang Sun Hong khoác áo đội tuyển Hàn Quốc, ghi đến 50 bàn thắng sau 103 lần khoác áo đội tuyển.

Trước nữa, cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Hàn Quốc Cha Bum Kun cũng từng là sinh viên, thi đấu cho đội Đại học Hàn Quốc. Còn đội trưởng đội tuyển Hàn Quốc giành hạng 4 World Cup 2002 Hong Myung Bo từng khoác áo đội Trung học Dongbuk.

Thái Lan đi theo con đường của Nhật Bản, Hàn Quốc

Nguồn cầu thủ từ học đường là nguồn nhân lực rất dồi dào. Nếu biết tận dụng, nguồn cầu thủ này gần như không bao giờ cạn. Sau này, bóng đá Thái Lan học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc. Thái Lan cũng phát triển bóng đá học đường.

Bóng đá học đường ở Việt Nam và tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan - 3

Đội trưởng đội tuyển Thái Lan Theerathon Bunmathan cũng từng thi đấu bóng đá học đường, trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp (Ảnh: FAT).

Đội trưởng đội tuyển Thái Lan hiện nay Theerathon Bunmathan từng thi đấu cho đội Cao đẳng Assumption Thonburi, trước khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp và nổi tiếng như ngày nay.

Huyền thoại bóng đá hàng đầu xứ sở Chùa Vàng Kiatisuk Senamuang đá bóng học đường từ năm 1982-1994, những 12 năm. Riêng trong khoảng thời gian năm 1993-1994, "Zico Thái" chơi cho đội Đại học Dhurakij Pundit.

Không so được với Nhật Bản hay Hàn Quốc trên bình diện châu Á, nhưng ở Đông Nam Á, Thái Lan là thế lực số một trong suốt hơn 30 năm qua.

Bóng đá học đường ở Việt Nam và tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan - 4

"Zico Thái" Kiatisuk có đến 12 năm đá bóng ở học đường (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng có lúc bóng đá xứ sở Chùa Vàng đối diện với những nốt trầm, như khoảng thời gian từ năm 2017-2021. Nhưng nhìn chung, họ không bị rơi xuống quá sâu, đồng thời khả năng gượng dậy của bóng đá Thái Lan rất nhanh.

Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Nhờ có nguồn nhân lực tốt, nền tảng tốt, mà bóng đá Thái Lan giữ được sự ổn định của mình rất lâu.

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam lại đối diện với thực tế ngược lại. Thỉnh thoảng chúng ta có một lứa cầu thủ xuất sắc, chúng ta vươn lên đứng đầu, nhưng giai đoạn đứng đầu này kéo dài không lâu.

Thời gian gần đây, nhiều học viện bóng đá trẻ tại Việt Nam như LPBank HAGL, Thể Công Viettel, PVF, Hà Nội FC hoạt động quy củ, giúp bóng đá nội tốt hơn, cạnh tranh danh hiệu ở Đông Nam Á đều đặn hơn.

Nhưng những mô hình này cần được nhân rộng hơn nữa, đồng thời chúng ta gần như vẫn bỏ "trắng" bóng đá học đường. Điều này khiến cho thành tích của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể ổn định như Thái Lan, và vẫn còn ở rất xa so với Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Về cách làm bóng đá trẻ ở Hàn Quốc, cựu trợ lý HLV Park Hang Seo - ông Bae Ji Won chia sẻ với Dân trí: "Hiện nay, tất cả các đội bóng U13, U16, U19 ở Hàn Quốc đều là đội bóng đại diện cho trường học hoặc do tư nhân đầu tư. Các đội bóng này tham gia nhiều giải bóng đá lớn nhỏ do Liên đoàn bóng đá hoặc địa phương tổ chức.

Giải bóng đá trẻ quy mô nhất thì được chia thành từng khu vực để thi đấu. Vòng chung kết quy tụ 64 đội bóng từ các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tranh tài để tìm ra đội vô địch.

Bóng đá học đường ở Việt Nam và tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan - 5

Thành công của Hàn Quốc đến từ việc định hướng phát triển bóng đá trẻ (Ảnh: Getty).

Giải bóng đá trẻ Hàn Quốc là giải đấu thể thao có quy mô lớn nhất nước, với tổng số 576 đội tham dự kể từ khi thành lập vào năm 2009 và số lượng đội tham gia không ngừng tăng. Năm 2017, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc còn đặt mục tiêu có 1.000 đội tham dự.

Mỗi CLB tham dự K-League cũng bắt buộc phải có đội trẻ các cấp. Các đội trẻ này cũng tham dự nhiều giải đấu trong năm, bao gồm hai giải cố định theo thể thức của giải chuyên nghiệp là thi đấu vòng tròn (League) và đấu loại trực tiếp (Cup).

Ngoài ra, Hàn Quốc có hơn 1.000 đội bóng của các trường đại học được tổ chức bài bản và hoạt động thường xuyên. Các đội bóng này cũng thi đấu League, Cup hàng năm như các đội trẻ K-League.

Về phần giải vô địch quốc gia, K-League được phân làm 7 hạng, K-League 1-2 là giải đấu chuyên nghiệp, K-League 3-4 là bán chuyên nghiệp, K-League 5-6 là giải nghiệp dư dành cho các doanh nghiệp còn K-League 7 tập hợp các CLB tự phát".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm