BLV Quang Huy: "Công nghệ VAR khiến World Cup mất tính hấp dẫn"

Sông Lam

(Dân trí) - Công nghệ VAR liên tục tạo ra nhiều tranh cãi ở Qatar và theo nhận định của bình luận viên (BLV) Quang Huy, World Cup 2022 ít nhiều bị mất tính hấp dẫn, thú vị khi phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.

Công nghệ VAR bị chỉ trích dữ dội ở World Cup 2022

Tại World Cup 2022, chưa bao giờ công nghệ VAR lại bị chỉ trích nhiều đến như vậy, dù FIFA một lần nữa khẳng định, sự hỗ trợ của công nghệ này giúp trọng tài không còn mắc những sai lầm chết người và khiến các đội bóng rơi vào cảnh "oan khuất thấu trời xanh".

Tranh cãi mới nhất chính là bàn thắng của tuyển Nhật Bản vào lưới Tây Ban Nha, khi nhiều người cho rằng bóng đã đi hết đường biên trước khi cầu thủ Mitoma của Nhật Bản tạt cho đồng đội Tanaka ghi bàn.

BLV Quang Huy: Công nghệ VAR khiến World Cup mất tính hấp dẫn - 1

Bàn thắng của Nhật Bản được trọng tài công nhận sau khi xem lại công nghệ VAR bị chỉ trích nhiều nhất ở World Cup 2022 (Ảnh: Getty).

Cựu trọng tài ngoại hạng Anh Peter Walker đã đặt câu hỏi: "Đây là tình huống rất đặc biệt bởi vì khi bắt đầu giải đấu này, đối với các quyết định việt vị, FIFA nói rằng chúng sẽ được hiển thị tự động trên sân vận động để mọi người có thể nhìn thấy chúng. 

Công nghệ đó vẫn có sẵn cho quyết định bóng đã đi hết đường biên hay chưa, nhưng tôi thắc mắc tại sao họ không hiển thị pha bóng đó trên màn hình".

Trước đó, hàng tá tình huống được quyết định bởi công nghệ VAR cũng bị chỉ trích dữ dội. Đó là tình huống tiền đạo Enner Valencia của Ecuador ghi bàn vào lưới Senegal nhưng bị từ chối bởi lỗi việt vị. Dù vậy khi xem lại các pha quay lại, người hâm mộ ngạc nhiên xen lẫn thất vọng khi Valencia không hề mắc lỗi việt vị như công nghệ VAR đã phán xử.

BLV Quang Huy: Công nghệ VAR khiến World Cup mất tính hấp dẫn - 2

Tình huống Harry Maguire bị kéo ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài từ chối cho tuyển Anh được hưởng phạt đền (Ảnh: Getty).

Đó là câu chuyện tính nhất quán trong các quyết định của trọng tài sau khi xem lại công nghệ VAR. Tình huống trung vệ Harry Maguire của tuyển Anh bị hậu vệ Iran kéo ngã trong vòng cấm thì trọng tài lắc đầu từ chối cho "Tam sư" được hưởng quả phạt đền, nhưng trong tình huống tương tự của John Stone ở thời điểm cuối trận, trọng tài lại cho Iran được hưởng phạt đền.

Ở trận đấu giữa Argentina với Saudi Arabia, tiền vệ Leandro Paredes cũng ngã xuống sân sau một tình huống bị cầu thủ của Saudi Arabia kéo ngã gần như giống hệt với tình huống của trung vệ Harry Maguire. Và lần này, Argentina gặp may khi được trọng tài thổi phạt đền.

BLV Quang Huy: Công nghệ VAR khiến World Cup mất tính hấp dẫn - 3

Tiền đạo Antoine Griezmann cũng bị từ chối bàn thắng một cách oan uổng bởi công nghệ VAR (Ảnh: Getty).

Mọi chuyện còn đi xa hơn, khi tuyển Pháp trở thành đội tuyển đầu tiên khiếu nại công nghệ VAR lên FIFA. Đó là tình huống bàn thắng của tiền đạo Antoine Griezmann vào lưới Tunisia đã được trọng tài công nhận và tiếng còi kết thúc trận đấu đã vang lên. Thế nhưng khi có sự tư vấn từ tổ công nghệ VAR, trọng tài lại bẻ còi và từ chối bàn thắng của Griezmann một cách khó hiểu.

Công nghệ VAR khiến World Cup 2022 mất đi tính hấp dẫn

Việc áp dụng VAR vào các giải đấu như World Cup 2022 đang tạo nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người ủng hộ sự góp mặt của công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại, nhưng cũng không ít người nhận định VAR phá hỏng bóng đá, làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu.

Chẳng hạn, người hâm mộ vẫn nhớ mãi về "Bàn tay của Chúa" với pha làm bàn bằng tay của huyền thoại Diego Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh. Hoặc bàn thắng của Frank Lampard trong trận đấu giữa tuyển Anh với Đức ở World Cup 2010, dù bóng đã đi qua vạch vôi nhưng bị trọng tài từ chối một cách oan uổng.

BLV Quang Huy: Công nghệ VAR khiến World Cup mất tính hấp dẫn - 4

BLV Quang Huy nhận định công nghệ VAR khiến các trận đấu ở World Cup mất đi sự hấp dẫn khi trọng tài làm theo chỉ đạo của máy móc (Ảnh: AP).

Nói về những quyết định của công nghệ VAR tại World Cup 2022, trao đổi với Dân trí, bình luận viên (BLV) Quang Huy cho rằng công nghệ này thực sự cần thiết để hỗ trợ các trọng tài điều hành trận đấu. Dù vậy, việc phụ thuộc quá nhiều vào máy móc cũng gây ra sự khó chịu của người xem bóng đá, đặc biệt là tính hấp dẫn, thú vị trong những trận cầu đỉnh cao.

"Yếu tố con người mà ở đây là quyết định của trọng tài phải cao hơn sự can thiệp của máy móc thì trận đấu mới hấp dẫn, thú vị. Thật nhàm chán nếu tất cả các tình huống đều được quyết định bởi máy móc. Đấy là chưa kể người hâm mộ có quyền nghi ngờ về việc các hacker can thiệp vào máy móc để thao túng kết quả trận đấu", BLV Quang Huy nhận xét.

Đáng chú ý, nói về bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản, BLV Quang Huy cho rằng đó là một quyết định đúng đắn của trọng tài, bởi quả bóng trên thực tế vẫn còn dính vạch biên nếu nhìn từ trên cao xuống.

"Là người làm truyền hình, tôi hiểu những phản ứng trái chiều từ người xem. Có những tình huống tổ trọng tài VAR sẽ tư vấn trọng tài chính bỏ qua để đỡ mất thời gian của trận đấu, nhưng tình huống đó khi được chiếu lại trên màn hình vẫn không thuyết phục được người xem và gây ra tranh cãi. Thực tế bàn thắng của Nhật Bản là hợp lệ", BLV Quang Huy khẳng định.