Trọng tài Ngoại hạng Anh: "Bàn thắng thứ hai của Nhật Bản là đúng luật"
(Dân trí) - Trọng tài Peter Walton cho rằng FIFA cần sớm đưa ra bằng chứng, để thuyết phục người hâm mộ quyết định công nhận bàn thắng của đồng nghiệp Victor Gomes cho Nhật Bản là chính xác.
Ở lượt đấu cuối cùng của bảng E, Nhật Bản đã giành chiến thắng 2-1 trước Tây Ban Nha nhờ pha lập công của tiền đạo Ao Tanaka sau quả tạt của Mitoma, tuy nhiên đây là pha bóng gây tranh cãi dữ dội khi các pha chiếu lại cho thấy quả bóng dường như đã đi hết đường biên.
Đáng chú ý sau khi kiểm tra lại công nghệ VAR, bàn thắng của Nhật Bản vẫn được trọng tài chính Victor Gomes công nhận, nhưng không vì thế mà thuyết phục được các chuyên gia cũng như người hâm mộ về quyết định này.
"Đây là tình huống rất đặc biệt bởi vì khi bắt đầu giải đấu này, đối với các quyết định việt vị, FIFA nói rằng chúng sẽ được hiển thị tự động trên sân vận động để mọi người có thể nhìn thấy chúng.
Công nghệ đó vẫn có sẵn cho quyết định bóng đã đi hết đường biên hay chưa, nhưng tôi thắc mắc tại sao họ không hiển thị pha bóng đó trên màn hình", trọng tài đang làm việc ở Premier League, Peter Walton cũng cảm thấy bối rối khi nói về pha bóng gây tranh cãi của Nhật Bản ở trận đấu với Tây Ban Nha.
"Rõ ràng họ có lý do của mình nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng tôi nghĩ sớm muộn gì bằng chứng cũng phải được đưa ra, để thuyết phục được người hâm mộ là bóng đã đi hết đường biên hay chưa", vị trọng tài người Anh nói thêm.
Tuy nhiên, theo trọng tài Peter Walton, quyết định công nhận bàn thắng cho Nhật Bản là đúng, mặc dù các pha quay lại dường như cho thấy bóng ra ngoài đường biên là do "độ cong của bóng".
'Tôi đang nhìn thấy những góc độ giống như bạn và bạn đã đúng về luật. Có một quan niệm sai lầm về luật khi cho rằng chỉ vì phần bóng chạm đất nằm trên đường biên ngang nên bóng đã ra ngoài. Hoàn toàn là không phải vậy vì đó là do độ cong của quả bóng.
Chúng ta sẽ thấy điều này rất nhiều trong các pha đá phạt góc khi bóng tưởng như bay qua vạch vôi nhưng thực tế không qua vạch vôi. Trong tình huống này, điều mà VAR đang tìm kiếm là bằng chứng để gợi ý cho trọng tài rằng bóng rõ ràng đã rời khỏi đường biên nhưng nếu chúng ta nhìn vào bằng chứng mà chúng ta thấy thì trọng tài không hẳn thấy như vậy.
Điều tôi muốn đề xuất là công nghệ vạch đích sử dụng camera đó để xem bóng vẫn còn trong sân hay đã ra ngoài. Cũng chính những camera đó đang được sử dụng cho VAR, để khám phá xem bóng đã rời khỏi sân chơi hay chưa, vì vậy sẽ có những góc quay cho thấy điều đó", trọng tài Peter Walton nhận định.
Trong khi đó, phát biểu sau trận đấu giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha, cựu sao Man Utd, Gary Neville cho biết: "Tôi không tin vào thuyết âm mưu, tôi chỉ nghĩ rằng tại giải đấu này công nghệ VAR đang có vấn đề. Từ bàn thắng việt vị đầu tiên không được công nhận ở trận Ecuador với Qatar, tôi đã khó hiểu với công nghệ VAR khi chúng tôi không được cung cấp góc nhìn chính xác".
"Chúng ta có hàng trăm máy quay ở những sân vận động này, nơi chúng ta không thể bỏ lỡ bất cứ điều gì, vậy mà chúng ta lại đi thụt lùi về các quyết định. Ai đó trong phòng VAR rõ ràng phải nhìn rõ tình huống và nên hủy bỏ bàn thắng này mới đúng", Gary Neville bình luận về bàn thắng tranh cãi của Nhật Bản.
Đồng quan điểm với Gary Neville, chuyên gia bóng đá Graeme Souness cũng tuyên bố: "Hiện tại có 80 triệu người Đức đang phát điên, chờ đợi một bức ảnh cho thấy quả bóng vẫn chưa đi hết đường biên.
Mọi hãng truyền hình, mọi chuyên gia, mọi người quan tâm đều muốn xem bằng chứng từ FIFA. Tại sao FIFA không cho chúng ta xem một thứ gây tranh cãi và khiến nước Đức phải trả giá đắt như vậy? Tại sao họ không cho chúng ta xem?".
Bất chấp những tranh cãi từ người hâm mộ, chiến thắng ngược dòng ấn tượng trước Tây Ban Nha đã giúp tuyển Nhật Bản giành vé vào vòng 16 đội với tư cách đội nhất bảng E. Trong khi đó dù để thua, Tây Ban Nha vẫn giành vé còn lại của bảng đấu khi xếp trên tuyển Đức nhờ hiệu số.