Bài học quý giá cho U23 Việt Nam sau thất bại ở giải châu Á
(Dân trí) - Nếu nhìn mặt tích cực, trận thua của U23 Việt Nam trước U23 Triều Tiên mới là điều tốt. Với trận thua này, các cầu thủ trẻ sẽ phải sớm quên đi tấm HCV SEA Games 30, để tiếp tục trui rèn, nỗ lực cho giải đấu quan trọng hơn chính là vòng loại World Cup 2022.
Công bằng mà nói, với màn trình diễn xuyên suốt cả 3 trận đấu tại vòng bảng VCK U23 châu Á, đội tuyển U23 Việt Nam xứng đáng về nước sớm, để nhường chỗ cho những đội bóng có trình độ và năng lực tốt hơn.
Không chỉ vì trận thua trước U23 Triều Tiên, mà kể cả hai trận hòa không bàn thắng trước U23 UAE hay U23 Jordan, các cầu thủ trẻ có màn trình diễn không thật sự thuyết phục, thậm chí là rất mờ nhạt.
Cả 2 trận hòa đó, việc chúng ta cầm hòa trước các đối thủ chủ yếu là do chúng ta... may mắn không thua, khi đội bạn dứt điểm không tốt trước cả tá cơ hội mà họ có được. Đó là những trận đấu mà hàng phòng ngự của U23 Việt Nam chơi yếu kém, lối đá tấn công ở 2 biên vốn là sở trường thì nay mất hút khi cả Tấn Tài, Thanh Thịnh, hay người thay thế như Ngọc Bảo, Bảo Toàn đều không làm tốt như đàn anh Trọng Hoàng hay Văn Hậu đã chứng tỏ.
Ở khu trung tuyến, những cầu thủ trẻ như Thanh Sơn, Đức Chiến còn quá non nớt về mặt kinh nghiệm lẫn kỹ thuật, thể lực, khiến cho hàng công với bộ đôi tiền đạo Đức Chinh - Tiến Linh dù ghi được đến 14 bàn thắng ở SEA Games 30 nhưng chỉ nổ sung được đúng 1 lần ở trận gặp U23 Triều Tiên.
Ngay cả tiền vệ Quang Hải, người được kỳ vọng nhiều nhất ở giải đấu này, cũng không thể lĩnh xướng được toàn đội hay để lại những dấu ấn cá nhân của mình.
Nhìn chung, U23 Việt Nam ở giải đấu này là một tập thể thiếu sức sống, thiếu sự liên kết và thiếu cả niềm tin, khát khao chiến thắng. Nhiều chuyên gia nhận định U23 Việt Nam gặp khó khăn vì chúng ta không còn yếu tố bất ngờ trước đối thủ, vì các cầu thủ đã đến ngưỡng thi đấu, vì thiếu những cầu thủ chủ chốt ở đội hình quốc gia như Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng... Nhưng có vẻ như đó là những lý do để tự an ủi, vỗ về, thậm chí ru ngủ trước thất bại của chính mình.
Bởi nếu lấy những lý do đó, thì tại sao U23 Thái Lan, đội đã để thua U23 Việt Nam ở vòng loại VCK U23 châu Á đến 4 bàn không gỡ, cũng là đội bị loại ngay từ vòng bảng tại SEA Games 30, thậm chí còn phải rơi vào bảng đấu khốc liệt hơn chúng ta rất nhiều, nhưng họ lại thi đấu tuyệt hay trước U23 Bahrain, U23 Iraq và U23 Australia.
Tại sao họ có một lối chơi tấn công đẹp mắt, pressing tầm cao, sẵn sàng chơi đôi công trong suốt 90 phút thi đấu, mặc dù thể lực và kỹ thuật của "bầy Voi chiến" so với U23 Việt Nam trước đó vẫn được đánh giá là "bên tám lạng, người nửa cân" ?
Nhưng, dù cho nguyên nhân nào đi nữa, dù có mổ xẻ phân tích để thấy rõ thất bại ở giải đấu này đi nữa, thì mọi chuyện cũng đã xảy ra. Cái quan trọng là sau thất bại này, các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ "biến đau thương thành động lực", biến khó khăn thành mục tiêu để phấn đấu rèn luyện, nỗ lực hết sức mình cho những giải đấu quan trong hơn trong năm 2020, mà cụ thể là vòng loại World Cup 2022.
Không cần học hỏi đâu xa, hãy học tuyển Thái Lan sau thất bại ở SEA Games đã sớm trở lại và chứng tỏ một đội bóng có đẳng cấp hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á cũng như châu lục, không dễ dàng gục ngã chỉ vì những chướng ngại vật trên đường mình đi. Tin rằng với tài năng của HLV Park Hang Seo, các cầu thủ sẽ tiến bước mạnh mẽ hơn trước sau thất bại ở giải đấu này.
Sông Lam