Asian Cup 2023: Những bất ngờ thú vị và tranh cãi về công nghệ VAR

Trọng Vũ

(Dân trí) - Việc Qatar đăng quang là bất ngờ lớn, việc Jordan lọt vào trận chung kết càng bất ngờ hơn. Lần đầu tiên, "ngũ đại gia" Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia và Saudi Arabia sạch bóng ở trận chung kết.

Giải đấu bất ngờ nhất lịch sử

Kể từ khi Asian Cup có trận chung kết từ kỳ giải năm 1972 tại Thái Lan (4 kỳ giải trước đó từ năm 1956 đến năm 1968, các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, tính điểm, xếp hạng), đây là lần đầu tiên không có đội nào trong nhóm "ngũ đại gia" bóng đá châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Australia có mặt trong trận chung kết.

Chính vì thế, Asian Cup 2023 xứng đáng là một trong những kỳ giải nhiều bất ngờ trong lịch sử bóng đá châu Á.

Asian Cup 2023: Những bất ngờ thú vị và tranh cãi về công nghệ VAR - 1

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ tại Asian Cup 2023 (Ảnh: AFC).

Đội bóng giàu thành tích nhất, sở hữu đội hình đắt giá nhất (Nhật Bản) bị loại sớm ở tứ kết. Đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ nhất đang thi đấu ở châu Âu (Australia, 21 cầu thủ) bị loại ở tứ kết, đội bóng sở hữu ngôi sao đắt giá nhất (Son Heung Min của Hàn Quốc) dừng bước ở bán kết.

Thay vào đó, hai đội bóng ít được kỳ vọng trước khi giải khởi tranh gồm Jordan và Qatar tranh ngôi vô địch.

Con đường vào đến trận chung kết của Jordan năm nay làm người ta nhớ lại hình ảnh của Iraq năm 2007. Đấy là con đường có cả may mắn, khi chỉ đối đầu với một vài đối thủ hết sức dễ chịu ở vòng loại trực tiếp (năm 2007, Iraq từng thắng đội tuyển Việt Nam ở tứ kết và đến năm 2023, Jordan thắng Tajikistan ở tứ kết) và năng lực thực.

Asian Cup 2023: Những bất ngờ thú vị và tranh cãi về công nghệ VAR - 2

Qatar có lần thứ 2 vô địch châu Á (Ảnh: AFC).

Thậm chí, trong trận chung kết với Qatar, Jordan vẫn là đội chơi hay hơn. Nhưng đến trận chung kết, may mắn không còn đứng về phía Jordan, khi họ gặp phải đội chủ nhà Qatar sở hữu quá nhiều lợi thế, từ khán giả cho đến… trọng tài và công nghệ VAR.

Bản thân Qatar vào đến trận chung kết cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Cho dù Qatar vừa là đội chủ nhà, vừa là đương kim vô địch của giải đấu, nhưng so với hồi Qatar đăng quang năm 2019, đội bóng này đã suy yếu đáng kể.

Đội hình của Qatar không mấy thay đổi so với cách đây 5 năm, họ chỉ lớn tuổi hơn và đã bị nhận diện. Năm 2019, Qatar đang ở vào điểm rơi phong độ tốt nhất, đón chờ World Cup 2022 trên sân nhà.

Còn năm nay, Qatar không được như vậy nữa. Bản thân ngôi sao số một của bóng đá Qatar Almoez Ali xuống phong độ trầm trọng.

Công nghệ VAR gây ức chế trong trận chung kết

Thực chất, trên hành trình tiến đến trận chung kết, Qatar chỉ phải đối diện với một đối thủ thực sự mạnh, đó là Iran ở bán kết (nhưng cũng giống như Hàn Quốc, hơn nửa thế kỷ qua, Iran đã quên mất cách vô địch Asian Cup).

Còn lại, từ vòng bảng (gặp Tajikistan, Trung Quốc, Lebanon), đến vòng 1/8 (Palestine), tứ kết (Uzbekistan), Qatar chỉ phải gặp đối thủ yếu hơn mình.

Trận chung kết cũng là trận đấu gây nhiều tranh cãi trong công tác trọng tài, đặc biệt là tổ trọng tài điều hành phòng VAR.

Asian Cup 2023: Những bất ngờ thú vị và tranh cãi về công nghệ VAR - 3

Công tác trọng tài gây nhiều tranh cãi trong trận chung kết (Ảnh: AFC).

Trang Yahoo News ở Nhật Bản bình luận: "VAR đã can thiệp khiến cục diện trận đấu thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là ở các tình huống VAR cho Qatar hưởng phạt đền. Chưa hết, công nghệ bắt việt vị bán tự động cũng đưa ra nhiều quyết định khá chậm".

Trong khi đó, tờ Osen của Hàn Quốc lên tiếng: "Công nghệ VAR ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả của trận đấu".

Dĩ nhiên, các cầu thủ Jordan trong trận chung kết, giống như nhiều cầu thủ Việt Nam tại vòng bảng, thiếu kinh nghiệm khi để xảy ra các tình huống va chạm ở những vị trí nhạy cảm (trong khu vực 16m50) do công nghệ VAR chưa được áp dụng rộng rãi ở giải trong nước.

Nhưng việc công nghệ này liên tục gây ức chế cho một đội bóng (Jordan) và làm lợi cho đội bóng còn lại (Qatar), khiến cho truyền thông quốc tế không thể im lặng.

Đặc biệt, trong tình huống dẫn đến quả phạt đền thứ 3 và bàn thắng thứ 3 của Qatar, người ta không thấy tổ VAR tư vấn cho trọng tài về pha bóng việt vị hay không việt vị của cầu thủ đội Qatar, mà chỉ chăm chăm vào tình huống phạt đền hay không phạt đền xảy ra sau đó.

Mãi cho đến khi quả phạt đền đã được thực hiện, đội Jordan giao bóng trở lại từ vòng tròn trung tâm, công nghệ bắt việt vị bán tự động mới công bố kết quả bắt việt vị (đến lúc đó, theo luật, không còn có thể thay đổi được bàn thắng thứ 3 thuộc về Qatar). Đấy cũng là tình huống đánh gục hoàn toàn hy vọng gỡ hòa của đội Jordan.

Dù sao, giải đấu đã ngã ngũ và Qatar đã chính thức san bằng kỷ lục 2 lần đoạt cúp châu Á mà Hàn Quốc từng có trước đó, ở một giải đấu mà Hàn Quốc chính là một trong những đội gây thất vọng lớn nhất!

Dòng sự kiện: Asian Cup 2023

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm