1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Ánh Viên: Từ "ao làng" SEA Games tới đỉnh cao Olympic

Thùy Linh

(Dân trí) - "Làm mưa làm gió" ở sân chơi khu vực, nhưng ở sân chơi số một thế giới là Olympic, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên chiến thắng được chính mình cũng là thành công, nhưng điều đó cũng rất khó…

Theo quy định từ Hiệp hội các môn thể thao dưới nước (FINA), mỗi quốc gia có VĐV đạt chuẩn A tham dự Olympic sẽ nhận thêm suất đặc cách ở giới còn lại. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đạt chuẩn A ở hai nội dung 800m và 1.500m tự do nam nên Ánh Viên được trao suất này.

Đây là lần thứ ba liên tiếp, Ánh Viên vinh dự góp mặt ở Thế vận hội. Đây là kỷ lục có lẽ còn rất lâu nữa mới có VĐV khác làm được. Với cá nhân Ánh Viên, việc được tới Olympic Tokyo dù là suất mời nhưng cũng là vinh dự quá lớn.

Dĩ nhiên, trong lần tham dự này, Ánh Viên không đặt ra mục tiêu về mặt thành tích. VĐV người Cần Thơ chỉ cần chiến thắng chính mình, cũng là thành công. Giới chuyên môn nhận định trình độ của Ánh Viên với các đối thủ còn kém khoảng cách rất xa, nên khó có hy vọng gì ở hai nội dung mà cô tham dự là 200m và 800m tự do.

Ánh Viên: Từ ao làng SEA Games tới đỉnh cao Olympic - 1
Ánh Viên là "con cá lớn" ở sân chơi khu vực.

Thực tế ngay ở nội dung 200m tự do, tất cả đã thấy rất rõ Ánh Viên thua thiệt như nào với các đối thủ ở vòng loại. Cơ hội lọt vào nhóm 16 VĐV thi đấu bán kết của Ánh Viên gần như không có bởi cô nằm trong nhóm 9 VĐV có thành tích bơi hơn 2 phút, trong khi 21 đối thủ còn lại đều bơi dưới 2 phút rất sâu.

Kết quả, VĐV Việt Nam chỉ đứng thứ 8 ở lượt bơi này, xếp hạng 26 toàn vòng loại và không nằm trong nhóm 16 người giành quyền vào bán kết. Ánh Viên về đích sau 2 phút 5 giây 30, kém hơn đến 5 giây so với thành tích khi cô giành HCV nội dung này ở SEA Games 30 năm 2019. Thành tích này cũng kém nhất trong 10 năm tham dự các đấu trường quốc tế của Ánh Viên.

Ngoài trình độ chênh lệch, thì 200m tự do cũng không phải cự ly sở trường của kình ngư sinh năm 1997, đặc biệt so với 400m hỗn hợp, nội dung mà Viên từng đứng hạng 9 Olympic 2016, chỉ kém người cuối giành được suất vào chung kết Emily Overholt (Canada) đúng 0,31 giây.

Ánh Viên: Từ ao làng SEA Games tới đỉnh cao Olympic - 2
Olympic quá tầm với Ánh Viên và thể thao Việt Nam.

Dĩ nhiên, không chỉ có Ánh Viên, hầu hết các vận động viên (VĐV) Việt Nam ở Olympic Tokyo đều không có thành tích như mong đợi. Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Tiến Minh (cầu lông), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… đều chơi dưới sức. Việc các VĐV Việt Nam không được tập huấn, cọ xát ở các giải đấu, chưa kể nhiều người bị cách ly là tình trạng chung của thể thao Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động từ đại dịch Covid-19.

Nhưng rõ ràng thành tích đi xuống tới mức không ngờ tới của Ánh Viên thực sự đáng báo động với cá nhân VĐV này và cả ngành thể thao.

Phải khẳng định, Ánh Viên vẫn là VĐV xuất sắc nhất của bơi lội Việt Nam khi còn đảm bảo được thành tích huy chương trong giải đấu quan trọng như SEA Games. Tuy nhiên, từ Olympic tại Brazil đến Thế vận hội lần này, từ SEA Games tới Olympic Tokyo, Ánh Viên đi xuống về chuyên môn so với chính bản thân mình.

Đấu trường này đã gần như quá sức với ngôi sao bơi lội số một của Việt Nam và dù còn một nội dung nữa là 800m tự do, Ánh Viên gần như khó có cơ hội vào bán kết, thậm chí tiếp tục thất bại theo cách đã thấy ở nội dung 200m tự do trước đó.

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo