1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Yếu tố khó lường có thể ảnh hưởng tới tính toán của Nga tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, các dự báo rằng thời tiết châu Âu sẽ không quá lạnh vào mùa đông năm nay có thể trở thành yếu tố bất ngờ tác động tới chiến lược của Nga trong chiến sự tại Ukraine.

Yếu tố khó lường có thể ảnh hưởng tới tính toán của Nga tại Ukraine - 1

Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị phá hủy nặng nề bởi các đòn tập kích diện rộng của Nga kể từ ngày 10/10 (Ảnh: Getty).

Tuần trước, Trung tâm dự báo thời tiết số thuộc viện quản lý nước và khí tượng Ba Lan công bố một dự báo cho thấy châu Âu năm nay có thể sẽ trải qua một mùa đông ôn hòa hơn so với những năm trước.

Theo Newsweek, nếu dự báo này là chính xác thì nó có thể tác động tới tính toán của Nga trong chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Từ ngày 10/10, Nga bắt đầu chiến dịch tập kích quy mô lớn bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào các mục tiêu quân sự, năng lượng và thông tin liên lạc của Ukraine. Nga tuyên bố họ tấn công đáp trả cáo buộc Ukraine đứng sau vụ nổ trên cầu Crimea, điều mà Kiev bác bỏ.

Trong khi đó, giới chuyên gia phương Tây nhận định, một trong những mục tiêu của Nga làm gián đoạn nguồn cung năng lượng của Ukraine khi mùa đông đến.

Theo John Lough, chuyên gia của Chương trình Nga và Ukraine tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh), Nga muốn gây khó khăn cho nền kinh tế của Ukraine và buộc lãnh đạo Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán.

Theo Andriy Yermak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, Nga gặp khó khăn trên chiến trường, vì vậy nước này phải triển khai các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine.

"Thứ nhất, các cuộc tấn công (vào cơ sở hạ tầng) khiến điều kiện sống của người dân Ukraine trở nên khó khăn hơn trong mùa đông, từ đó dẫn đến một làn sóng di cư mới. Thứ hai, mục tiêu (của Nga) là làm suy yếu tinh thần, khiến người dân Ukraine muốn kết thúc sớm chiến tranh, dù với bất kỳ hình thức nào", ông Yermak nói thêm.

Tuy nhiên, theo Newsweek, nếu mùa đông ở châu Âu không khắc nghiệt như những năm trước, các tính toán của Nga nhằm gây áp lực lên Ukraine có thể không có đủ tác động mạnh mẽ như dự kiến.

Các chuyên gia cảnh dự đoán, trong mùa đông năm nay, nhiệt độ có thể sẽ không giảm tới mức quá khắc nghiệt.

Dani Belo, trợ lý giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Webster (Mỹ), nhận định: "Thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Ukraine có đủ đáng kể để tạo ra thách thức đối với hệ thống sưởi, cung cấp nước và điện không? Có. Chiến dịch không kích của Nga vẫn đang tiếp tục. Câu hỏi đặt ra là: Liệu Nga có thành công trong việc buộc Ukraine nhượng bộ hay không? Tôi cho là không".

AccuWeather dự đoán rằng, mùa đông tại Ukraine có thể bắt đầu khá ôn hòa nhưng có khả năng vẫn sẽ có những đợt lạnh giá với cường độ cao vào tháng 1 và tháng 2. "Nếu các đợt lạnh ngắn và ít dữ dội hơn thì có khả năng nhiệt độ vào mùa đông năm nay có thể ở mức ấm hơn bình thường", chuyên gia thời tiết Jason Nicholls nhận định.

Thời tiết mùa đông ấm hơn bình thường sẽ giúp phía Ukraine không phải đối mặt với những thách thức quá lớn, trong bối cảnh Kiev đẩy mạnh các nỗ lực gây áp lực dồn dập lên Nga, theo Newsweek.

Yếu tố khó lường có thể ảnh hưởng tới tính toán của Nga tại Ukraine - 2

Châu Âu trong thời gian qua đã chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá và khủng hoảng năng lượng (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài ra, mùa đông không quá lạnh còn làm giảm áp lực từ khủng hoảng năng lượng lên châu Âu - một trong những bên viện trợ hàng đầu cho Ukraine. Điều này có thể sẽ đi ngược lại với những gì mà Nga kỳ vọng, theo Newsweek.

Trước đó, giới quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm suy yếu quyết tâm của EU trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời gây khó khăn cho nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân tại các nước này.

Giá khí đốt ở châu Âu trong những tuần qua đã giảm mạnh so với đỉnh hồi tháng 8, một phần do EU đã bơm gần đầy khí đốt trong kho dự trữ, và một phần cũng do thời tiết trong thời gian qua ở châu Âu tương đối ôn hòa, không quá lạnh nên nhu cầu sử dụng khí đốt không gia tăng. Tại các nước như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, lượng khí đốt sử dụng vào tháng 10 ngang bằng tháng 8 và tháng 9. Tại một số quốc gia ở Bắc Cực, Anh và Đức, mức tiêu dùng cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái vì thời tiết không quá khắc nghiệt.

Nếu diễn biến này tiếp tục như dự kiến, lá bài quan trọng của Nga về năng lượng có thể giảm hiệu quả, ảnh hưởng tới tính toán chiến lược của Moscow về lâu dài tại Ukraine. 

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine