1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Y tế Brazil trên bờ vực sụp đổ vì "bão" Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Làn sóng Covid-19 thứ hai khiến hệ thống y tế của Brazil rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Y tế Brazil trên bờ vực sụp đổ vì bão Covid-19 - 1
Hệ thống y tế Brazil quá tải vì Covid-19. (Ảnh minh họa: AP)

Bất chấp sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan và nguy hiểm hơn, song nhiều người ở Brazil vẫn phớt lờ các quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong tháng này, số người chết vì Covid-19 ở Brazil liên tục lập kỷ lục mới. Theo số liệu của Bộ Y tế Brazil, trong ngày 10/3, nước này ghi nhận kỷ lục gần 2.300 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch này tại Brazil lên hơn 270.000 ca. Với con số này, Brazil trở thành nước có nhiều người chết vì Covid-19 thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

"Chúng ta đang trải qua kịch bản tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Quý vị phải nhìn vào xu số ca tử vong trung bình", Gonzalo Vecina Neto, giáo sư về y tế công cộng của Đại học Sao Paulo, nói.

Tại 22 trong tổng số 26 bang của Brazil, tỷ lệ lấp đầy giường tại các khoa hồi sức cấp cứu đều vượt 80%. Thậm chí ở bang miền nam Rio Grande do Sul, bệnh nhân phải chờ để được nhập viện vì tỷ lệ lấp đầy giường hồi sức cấp cứu là 103%. Tại bang lân cận Santa Catarina, tỷ lệ này cũng vượt 99% và hệ thống y tế địa phương đang trên bờ vực sụp đổ. David Molin, y tá trưởng tại một bệnh viện ở Florianopolis, thủ phủ bang Santa Catarina, cho biết đội ngũ y bác sĩ ở đây đều kiệt sức và quá tải.

"Thất thủ" vì tiệc tùng

Molina và nhiều nhân viên y tế ở Brazil cho rằng, đợt bùng phát Covid-19 mới này ở Brazil là do người dân chủ quan tụ tập tiệc tùng dịp năm mới bất chấp lệnh giới nghiêm và các quy định phòng dịch.

Trong khi đó, giới chức y tế và hành chính địa phương đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro khiến các nỗ lực ngăn dịch của họ "đổ sông, đổ biển". Hội đồng thư ký y tế quốc gia Brazil do vậy đã đề nghị chính phủ liên bang áp dụng các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn để hỗ trợ hệ thống y tế.

Y tế Brazil trên bờ vực sụp đổ vì bão Covid-19 - 2
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng các lệnh hạn chế để phòng dịch sẽ nhấn chìm nền kinh tế. (Ảnh minh họa: NYTimes)

"Hệ thống y tế Brazil đang trên bờ vực sụp đổ. Không hề có sự hợp tác ở cấp quốc gia để đối phó với đại dịch ở Brazil. Tổng thống và các thống đốc cần đưa ra một thông điệp đồng nhất đến người dân, nhưng đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra", Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria nhận định.

Giãn cách xã hội và phong tỏa đã trở thành "quả bóng chính trị" ở Brazil. Thống đốc Doria yêu cầu các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại bang đóng cửa 2 tuần từ tuần trước, nhưng Tổng thống Bolsonaro cho rằng những lệnh hạn chế như vậy sẽ nhấn chìm kinh tế Brazil và dẫn đến các hệ lụy xã hội khác như trầm cảm, tự tử. Ông Bolsonaro nói, ông có thẩm quyền để ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nhưng sẽ không bao giờ làm vậy. "Than vãn và rên rỉ như thế là quá đủ rồi. Các vị còn định than khóc đến bao giờ? Mọi người định ở nhà và đóng băng mọi thứ đến khi nào? Không ai chịu đựng được nữa", ông Bolsonaro nói trong một sự kiện hồi đầu tháng.

Biến chủng SARS-CoV-2 mới

Ông Jose Eduardo Levi, điều phối viên nghiên cứu tại công ty chẩn đoán y khoa Dasa và là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo, nhận định: "Tình hình ở Brazil đặc biệt bi thảm vì sự xuất hiện của biến thể P.1, và ngay sau đó là kỳ nghỉ lễ. Nó đã nhân thời điểm đó để lây lan".

Theo kết quả nghiên cứu, biến chủng SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Manaus của Brazil, hay còn gọi là biến chủng P.1, có khả năng lây lan cao gấp 2,2 lần so với chủng cũ. Một nghiên cứu thậm chí cho thấy, P.1 có thể khiến người từng mắc Covid-19 tái nhiễm. Biến chủng P.1 hiện đã xuất hiện ở ít nhất 6 bang của Brazil.

Chương trình tiêm chủng vắc xin được hy vọng có thể ngăn chặn đà lây lan của Covid-19, nhưng đáng tiếc là Brazil chậm trễ hơn các nước khác trong việc triển khai chương trình tiêm chủng. Hồi tháng 1, cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Sinovac của Trung Quốc và vắc xin Oxford/AstraZeneca của phương Tây. Tuy vậy, kể từ đó đến nay, chỉ 4% trong số 211 triệu dân của Brazil mới được tiêm chủng ít nhất 1 mũi. Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đang đàm phán mua vắc xin Pfizer, Moderna, Janssen, Sputnik và Covaxin nhưng hiện tại trong số đó mới chỉ có vắc xin của Pfizer được Anvisa cấp phép.