Phát hiện mới về sự nguy hiểm của biến thể SARS-CoV-2 từ Brazil
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy, biến thể SARS-CoV-2 mới phát hiện ở Brazil không những lây lan nhanh mà có thể khiến người từng mắc Covid-19 tái nhiễm và làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Cùng với biến thể B.1.1.7 phát hiện ở Anh, và B.1.351 phát hiện ở Nam Phi, biến thể P.1 của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện ở Brazil cuối tháng 12/2020 đã khiến giới khoa học quan ngại. Ba nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ và Anh cho thấy biến thể P.1 này đóng vai trò chính trong đợt bùng phát dịch Covid-19 ở thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazonas, Brazil. Biến thể này được cho là xuất hiện ở Manaus từ tháng 11, khiến số ca Covid-19 ở đây tăng kỷ lục.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, ngoài đặc tính dễ lây lan hơn, biến thể này còn có khả năng khiến người từng mắc Covid-19 tái nhiễm. Các thí nghiệm còn cho thấy P.1 có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đang sử dụng ở Brazil.
Những kết quả nghiên cứu mới này hiện chưa công bố trên các ấn phẩm khoa học. Tác giả các nghiên cứu thận trọng cho rằng, phát hiện trên tế bào trong phòng thí nghiệm không phải lúc nào cũng đúng với thực tế và rằng họ mới chỉ bắt đầu hiểu về cơ chế lây nhiễm của P.1.
"Những phát hiện này đúng với Manaus, nhưng chúng tôi không chắc liệu có đúng với các nơi khác không", Nuno Faria, một chuyên gia về vi rút học tại Đại học Imperial London, người hỗ trợ cuộc nghiên cứu, cho biết. Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo, dù vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh biến thể P.1 nhưng mọi người vẫn phải thận trọng với biến thể này. "Lo ngại về P.1 là hoàn toàn đúng, các dữ liệu có thể giải thích điều đó", William Hanage, một chuyên gia dịch tễ, nhận định.
Biến thể P.1 đã lan khắp Brazil và được phát hiện ở 24 quốc gia khác. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã phát hiện ít nhất 6 ca nhiễm biến thể này ở 5 bang. Chuyên gia Faria cho biết, để giảm nguy cơ dịch bùng phát mạnh và nguy cơ bệnh nhân Covid-19 tái nhiễm, các nước vẫn cần duy trì tất cả các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang. Ngoài ra chương trình tiêm chủng vắc xin cũng giúp làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, giảm nguy cơ triệu chứng và biến chứng nặng ở bệnh nhân Covid-19.