1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ý đồ thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS-Kỳ 1

Liên minh chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng dường như ngày càng tức giận trước việc tổ chức này vừa thôn tính thêm thành phố chiến lược Ramadi ở tỉnh Anbar của Iraq có đa số người Sunni sinh sống, và Palmyra, thành phố lịch sử của Syria, cũng như Al-Tanf, nằm sát đường biên giới giữa hai nước này.

Ý đồ thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS-Kỳ 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, dường như liên minh đa quốc gia do Mỹ lập ra vào tháng 8/2014 để ngăn chặn bước tiến của IS ở Syria và Iraq… đã không làm gì để ngăn chặn bước tiến của IS, và rồi, cả Iraq và Mỹ đều đang tố cáo lẫn nhau.

Trong một bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói: “Rõ ràng là quân lính Iraq đã tỏ ra không muốn chiến đấu. Họ đông hơn nhiều quân của đối phương, nhưng họ cứ án binh bất động”. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của IS đã làm dấy lên những sự chỉ trích về vai trò không hiệu quả của liên minh quốc tế và chiến lược của Mỹ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 8/2014 đến nay, liên minh này đã tiến hành hơn 3.000 trận không kích ở Iraq và Syria, song vẫn không ngăn chặn được bước tiến của IS. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã không thực sự muốn ngăn chặn tổ chức này bởi vì chỉ trong 38 ngày không kích quyết liệt, Mỹ đã chiếm được Iraq của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein, mặc dù quân đội nước này vào thời điểm đó đang rất mạnh.

Sau khi Ramadi thất thủ, Mỹ đã thừa nhận rằng nước này đang xem xét lại chiến lược ở Iraq, theo đó Mỹ dự định đào tạo và trang bị vũ khí cho các bộ tộc Sunni. Tuy vậy, nhiều người nhận xét rằng đấy không phải là lý do, mà cái chính là các cuộc không kích của liên minh rất hạn chế và nhằm vào những mục tiêu không mang tính chiến lược của đối phương. Và chính những cuộc chinh phục vừa qua bằng quân sự của IS ở Syria và Iraq cho thấy những hạn chế trong chiến lược quốc tế được thực hiện cho đến nay để chống lại bước tiến của tổ chức khủng bố này.

Ý đồ thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS-Kỳ 1
Lực lượng dân quân dòng Shiite giơ cao quốc kỳ Iraq sau khi giành lại quyền kiểm soát thành phố Baiji từ IS.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, hiện IS chiếm hơn 50% lãnh thổ Syria, với gần như đa số các mỏ dầu và khí đốt, mang về cho chúng nguồn thu hàng trăm nghìn USD mỗi ngày.

Phản đối việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chê bai quân đội Iraq, báo chí nước này nói rằng chính ông Carter đã quên rằng quân Iraq đã từng ngăn chặn được IS tiến vào Ramadi trong gần 18 tháng, và đã bảo vệ và giành lại được Amerli, ZSuleiman Beg, Tuz Khurmatu, Jurf al-Sakhar, Jalula Saadiyah, Khanaqin, Muqdadiyah, Baquba, Udhaim Dam, cũng như các mỏ dầu ở Alas, Hamrin, rồi nhà máy lọc dầu Baiji, cùng hàng chục ngôi làng ở nhiều tỉnh khác nhau. Trong khi đó, Hakim al-Zamili, một nghị sĩ nổi tiếng của Quốc hội Iraq, đã quy trách nhiệm cho Mỹ về việc Ramadi thất thủ, vì theo ông, Mỹ đã không cung cấp “thiết bị, vũ khí và sự hỗ trợ từ trên không đủ mức cần thiết” cho quân đội Iraq. Chưa hết, Phó Thủ tướng Saleh Mutlaq, một người Sunni gốc ở tỉnh Anbar, cũng cho rằng hành động của Mỹ là “chưa đủ” trong tất cả các lĩnh vực, và ngay cả các cuộc không kích của liên minh cũng chưa đủ mạnh để tiêu diệt được IS.

Mặc phía Iraq và Mỹ “đổ vạ” cho nhau, ở bên kia chiến tuyến, tổ chức IS ngày càng chiếm được nhiều hơn các thành phố lớn của người Sunni và công khai khoe rằng họ “có tay trong” và các đồng minh ở trong các khu vực này. Chính vì thế, các bộ tộc, và ngay cả trong các gia đình người Sunni cũng bị chia rẽ về vấn đề ủng hộ IS và tổ chức này không bỏ lỡ cơ hội để khoét sâu thêm những mâu thuẫn và sự chia rẽ, bất đồng ấy của đối phương.

Vì vậy, dường như Mỹ và Iraq không thể thực hiện được mục tiêu tổ chức, đào tạo và huấn luyện một lực lượng dân quân tinh nhuệ người Sunni để cùng chiến đấu chống IS bên cạnh quân đội nước này. Trong khi đó, khả năng liên minh do Mỹ tiến hành các trận không kích để làm tê liệt IS, cũng bằng không. Trong vòng 9 tháng qua, tổng cộng các đợt không kích của Mỹ và liên quân vào Syria và Iraq, vẫn ít hơn nhiều số lần Israel không kích trong chiến dịch chớp nhoáng kéo dài chỉ có trong ba tuần vào dải Gaza của Palestine hồi 2008 - 2009. Không ít người đặt câu hỏi rằng khi các thành phố Ramadi của Iraq và Palmyra của Syria thất thủ, thì các máy bay ném bom của Mỹ và liên quân đang ở đâu? Tại sao Không quân Mỹ dường như chỉ can thiệp một cách nghiêm chỉnh khi các đồng minh người Kurd của Mỹ bị đe dọa - như ở Kobane, Ain al-Arab ở Syria và Erbil ở Iraq?

Do cách hành xử của Mỹ như vậy, nhiều người Iraq cho rằng hãy quên đi những bài diễn văn (của các chính khách Mỹ và Iraq) nói đến một “Iraq thống nhất” với một “chính phủ trung ương hùng mạnh”. Còn ở Syria, người ta cũng bảo hãy quên đi những mục tiêu đã được thông báo ầm ĩ “thành lập các lực lượng ôn hòa” để “đánh đuổi tổ chức IS” ở Syria thông qua các đường biên giới Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo họ, đó chỉ là những lời nói rỗng tuếch, lời hứa suông.

Nếu người ta lưu ý một cách khách quan những lợi ích của Mỹ trong khu vực thì sẽ thấy rõ một thực tế khác hoàn toàn. Mỹ đang tìm cách duy trì sự bá quyền tuyệt đối của mình ở khu vực Trung Đông, ngay cả khi Mỹ đã chấm dứt sự chiếm đóng quân sự tốn kém ở Iraq và Afghanistan.

Những lợi ích hàng đầu của Mỹ là: có được dầu lửa và khí đốt với giá rẻ nhất; ủng hộ Israel và phá hoại ảnh hưởng của Nga (và Trung Quốc) trong khu vực này. Việc duy trì sự bá quyền của Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không có sự có mặt của một Cộng hòa Hồi giáo Iran hùng mạnh và độc lập, bởi nước này vẫn tiếp tục cản trở nhiều dự án của Mỹ trong khu vực. Vì vậy, sự bá quyền của Mỹ phụ thuộc một phần vào sự suy yếu của Iran và các đồng minh của Iran trong khu vực.

(Còn nữa)

Theo TK (theo tờ “Chính trị thế giới”)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm