1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược chống IS của Mỹ: Không kích là chưa đủ

Những chiến thắng liên tiếp của IS đã giáng đòn đau vào lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, làm dấy lên những lời chỉ trích về chiến lược chống khủng bố của Washington.

Nếu Mỹ và phương Tây không có hành động kịp thời, mối đe dọa từ IS sẽ trở nên trầm trọng hơn
Nếu Mỹ và phương Tây không có hành động kịp thời, mối đe dọa từ IS sẽ trở nên trầm trọng hơn

Gần một năm sau khi chiếm được thành phố chiến lược đầu tiên ở miền Bắc Iraq là Mosul, lá cờ đen của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xuất hiện tại Ramadi, cách Thủ đô Baghdad chỉ khoảng 100km về phía Tây. Tại Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến, thành phố Palmyra và trạm kiểm soát biên giới cuối cùng với Iraq cũng đã rơi vào tay nhóm phiến quân.

IS thích ứng nhanh

Báo The Australian dẫn lời một số chuyên gia nhận định IS đã thích nghi cực kỳ hiệu quả để đối phó với các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Trước đó, IS tổ chức chiến tranh theo kiểu thông thường, dàn quân quy mô lớn với vũ khí hạng nặng nên dễ bị dội bom.

Hiện IS đã chuyển sang hoạt động theo lối du kích với nhiều nhóm binh sỹ quy mô nhỏ, dùng vũ khí hạng nhẹ, mặc quần áo thường dân, di chuyển trong đêm, hòa vào cộng đồng dân cư địa phương. Mô hình của IS chuyển sang phi tập trung hóa, các thủ lĩnh vùng miền được gia tăng quyền lực… Nhờ đó, IS chẳng những không suy thoái mà còn tiếp tục phát triển, ngày càng lớn mạnh, đủ sức chiếm đóng Ramadi và mở rộng địa bàn ở cả Iraq và Syria. Các vụ tấn công của IS được đánh giá là đều có tính chiến thuật rất cao.

Trước tình hình trên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thẳng thắn đánh giá Mỹ không có chiến lược chống khủng bố hiệu quả. “Các vấn đề liên quan đến chính trị và quân sự lâu dài đều chưa được giải quyết”, theo ông Gates. Trong bối cảnh sự bành trướng mà IS có được là nhờ khoảng trống an ninh tại các quốc gia bất ổn, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu Mỹ và phương Tây không có hành động kịp thời, mối đe dọa từ IS sẽ trở nên trầm trọng hơn, đe dọa địa-chính trị của khu vực chứ không chỉ dừng lại ở Iraq hay Syria.

“Tiếp nhiên liệu” cho khủng bố

Tại Syria, chưa bao giờ Mỹ và phương Tây từ bỏ ý định lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây cũng là điểm mấu chốt làm cuộc khủng hoảng ở quốc gia này ngày càng trầm trọng. Cuộc đối đầu giữa phương Tây và chính quyền Damascus tạm lắng, nhường chỗ cho việc đối phó IS chỉ là tình huống bất đắc dĩ. Vì vậy, kế hoạch đào tạo của Mỹ và các đồng minh cho lực lượng nổi dậy mà họ cho là ôn hòa ở Syria vừa mới được tiến hành đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Damascus đã chỉ trích nỗ lực huấn luyện chiến binh nổi dậy của Mỹ tại Jordan làm phức tạp thêm việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cho rằng hành động này chỉ “tiếp thêm nhiên liệu” cho khủng bố. Chính quyền Syria kêu gọi Mỹ “tránh xa những chính sách can thiệp trắng trợn vào chủ quyền các nước và thay đổi chế độ bằng vũ lực”.

Trên thực tế, trong bối cảnh IS đang ngày càng bành trướng, Mỹ và các đồng minh chỉ mới bắt đầu đào tạo các tay súng “chân đất” trong hàng ngũ nổi dậy ở Syria. Hiện chỉ mới có hơn 3.750 chiến binh Syria tình nguyện tham gia chương trình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến hoài nghi chương trình huấn luyện có quy mô quá nhỏ và triển khai chậm chạp, khó lòng thay đổi được cục diện. Bên cạnh đó, cũng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng những chiến binh này sẽ chống IS mà không gia nhập hàng ngũ của tổ chức cực đoan này.

Khó tìm lối thoát

Không giống như ở Syria, cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với cuộc chiến chống IS tại Iraq là sự kết hợp giữa việc huấn luyện và tái xây dựng quân đội chính phủ, vận động chính quyền Baghdad liên kết với sắc tộc người Sunni, và dội bom các mục tiêu IS. Tuy nhiên, chính cách thức đó đã lộ điểm yếu của quân đội Iraq cũng như chỉ ra chiến dịch dội bom của Mỹ tuy hiệu quả nhưng không phải mang tính quyết định.

Trong hơn mười năm quân đội Mỹ có mặt tại Iraq và nhiều năm sau đó huấn luyện cũng như trang bị vũ khí cho các lực lượng nước này, Washington vẫn không thể giúp họ cải thiện khả năng tác chiến. Thất bại của quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS gần đây phản ánh một phần thực tế đó; và càng chứng tỏ rằng, nếu chỉ dựa trên sức mạnh quân sự thì khó có thể tìm được lối thoát cho khủng hoảng.

Theo giới phân tích, IS sẽ vẫn tồn tại trong thời gian tới và khó có thể bị tiêu diệt dễ dàng. Nhóm phiến quân này sẽ tiếp tục phát triển do bất ổn tiếp diễn trong khu vực cùng với nỗ lực nhằm kích động bạo lực để khôi phục giấc mơ về một “Vương quốc Hồi giáo” (caliphate).

Bên cạnh đó, bản thân các nước phương Tây giờ đây đang ngày đêm đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan ngay tại nước họ. Những thách thức trong việc ngăn chặn làn sóng thánh chiến “lấy cảm hứng từ IS” đang bùng phát khắp nơi càng khiến Mỹ và phương Tây khó khăn hơn trong cuộc chiến khốc liệt này.

Theo Quang Chinh
Thế giới và Việt Nam