1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ý đồ của Trung Quốc khi liên tục điều máy bay áp sát Đài Loan

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Trung Quốc liên tiếp đưa các phi đội máy bay chiến đấu áp sát đảo Đài Loan gần đây được cho là động thái "một mũi tên trúng nhiều đích" của Bắc Kinh.

Ý đồ của Trung Quốc khi liên tục điều máy bay áp sát Đài Loan - 1
Máy bay chiến đấu Đài Loan kèm một máy bay ném bom của Trung Quốc đại lục ở eo biển Đài Loan (Ảnh: SCMP).

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của giới quan sát quân sự cho rằng, việc Trung Quốc liên tiếp đưa máy bay chiến đấu vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan gần đây nhằm mục đích huấn luyện phi công, giúp quân đội Trung Quốc làm quen với thực địa. Ngoài ra, đây có thể là cách Trung Quốc "nắn gân" Đài Loan và thu thập thông tin tình báo về sự hiện diện quân sự của Mỹ và các nước khác ở eo biển Bashi và Biển Đông.

Theo dữ liệu của cơ quan phòng vệ Đài Loan, kể từ đầu năm ngoái, hơn 650 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào ADIZ ở phía tây nam hòn đảo gần eo biển Bashi - cửa ngõ vào Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Hầu hết các vụ xâm nhập này là của các phi đội quy mô nhỏ, nhưng cũng có một số vụ có quy mô lớn với sự tham gia của 25 máy bay hôm 12/4.

Để ngăn chặn các vụ xâm nhập này, Đài Loan phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ khi hòn đảo này phải huy động hàng loạt máy bay để xua đuổi. Năm ngoái, không quân Đài Loan đã phải chi gần 1 tỷ USD cho hoạt động này. Tháng trước, quân đội của hòn đảo cho biết sẽ ngừng điều máy bay chiến đấu để giám sát tất cả các vụ xâm nhập, thay vào đó sẽ sử dụng các máy bay khác và hệ thống radar mặt đất để giám sát một số vụ.

Giới quan sát cho rằng, vùng biển và vùng trời ở phía tây nam Đài Loan, nơi Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự, đang trở thành tuyến hoạt động quan trọng cho các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc những năm gần đây.

"Quân đội Trung Quốc có những tính toán quân sự riêng ở khu vực này, không chỉ để huấn luyện lực lượng không quân để sẵn sàng cho kịch bản tấn công Đài Loan, mà còn để kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của phi công và các máy bay chiến đấu", Chieh Chung, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, nhận định. Ông bình luận thêm, việc Trung Quốc sử dụng các phi đội quy mô lớn với nhiều loại máy bay khác nhau cho thấy Bắc Kinh cũng muốn kiểm tra tính hiệu quả và năng lực tác chiến của các lữ đoàn không quân.

Ví dụ, phi đội máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan hôm 12/4 gồm 14 máy bay chiến đấu J-16, 4 máy bay J-10, 4 máy bay ném bom H-6, 2 máy bay chống ngầm Y-8, 1 máy bay cảnh báo sớm. Ông Chieh cho biết một số máy bay được điều động từ các quân khu khác nhau của Trung Quốc, cho phép phi công làm quen với đường bay, khu vực chiến đấu tiềm tàng và dễ dàng phối hợp với các máy bay khác trong trường hợp xảy ra xung đột.

Điều mà quân đội Trung Quốc mong muốn nhất là tăng khả năng kiểm soát ở khu vực Bashi và bằng chứng là các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực lân cận, điều các máy bay do thám, máy bay săn ngầm đến đây để thu thập thông tin, ông Chieh nói. Cũng theo chuyên gia này, hoạt động của quân đội Trung Quốc ở Bashi chủ yếu nhằm vào Mỹ.

Mỹ, cũng như hầu hết quốc gia khác, chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc đại lục, và không có quan hệ chính thức với Đài Loan kể từ năm 1979. Mặc dù vậy, Washington vẫn là đối tác thương mại và quân sự quan trọng của hòn đảo trong nhiều năm qua. Một quan chức quân đội Mỹ gần đây cảnh báo, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan trong vài năm tới.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh coi đó là "lằn ranh đỏ" mà Washington không nên bước qua. Trung Quốc nhiều lần hối thúc Mỹ tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc" và 3 tuyên bố chung Mỹ - Trung, dừng bán vũ khí cho Đài Loan, chấm dứt các liên kết quân sự với hòn đảo, xử lý phù hợp và thận trọng các vấn đề liên quan tới Đài Loan.