Xưởng vũ khí Mỹ đỏ lửa ngày đêm giữa lúc nhu cầu đạn dược tăng cao
(Dân trí) - Các nhân viên và robot tại nhà máy Pennsylvania của Mỹ đã làm việc cật lực suốt ngày đêm để lấp đầy kho đạn dược của nước này, cũng như đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine và các đồng minh.
Ngay gần đường cao tốc mang tên Tổng thống Biden ở Scranton, bang Pennsylvania - thị trấn nơi ông Joe Biden sinh ra - mọi người chứng kiến cuộc chạy đua sản xuất vũ khí quân sự chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên.
Bên trong một nhà máy sản xuất đầu máy xe lửa bằng gạch rộng hơn 150m2, những con robot khổng lồ làm việc cật lực suốt ngày đêm, lấy đạn pháo 155mm mới rèn ra khỏi lò nung 2.000 độ C.
Theo các nguồn tin, trong những tuần và tháng tới, những quả đạn pháo này sẽ đến chiến trường Ukraine và sẽ được nã đi từ hàng trăm khẩu pháo về phía lực lượng Nga trong cuộc phản công mùa xuân của Kiev.
Các lực lượng Ukraine đã nã hết đạn pháo, nhanh hơn nhiều so với năng lực sản xuất của Mỹ và NATO, trong đó tình trạng thiếu hụt đạn pháo nghiêm trọng nhất là ở chiến trường khốc liệt Bakhmut.
Mọi người có thể cảm nhận được sự cấp bách của vấn đề này tại Nhà máy đạn dược Scranton, nơi chủ yếu sản xuất đạn pháo 155mm. Nhà máy này đã chạy hết công suất để tạo ra khoảng 11.000 quả đạn pháo mỗi tháng, chiếm phần lớn trong tổng sản lượng 14.000 quả của Mỹ.
Con số trên tuy có vẻ lớn nhưng chỉ đủ cho quân đội Ukraine sử dụng chỉ trong vài ngày. Theo ước tính, kể từ khi bắt đầu chiến sự, mỗi ngày, binh lính Ukraine nã trung bình 7.700 quả đạn 155mm, làm dấy lên lo ngại rằng ngay cả sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng không đủ để cung cấp cho Ukraine lúc này.
Tổng cộng kể từ khi xung đột bùng nổ cho đến nay, Washington đã gửi cho Kiev hơn 1 triệu quả đạn 155mm, làm cạn kiệt chính kho dự trữ của Mỹ.
Lầu Năm Góc đang "bơm" 120 triệu USD vào nhà máy Scranton nhằm mục đích tăng gấp đôi tổng sản lượng đạn pháo 155mm vào cuối năm nay và tăng 500% trong 5 năm.
Trên sàn nhà máy Scranton ồn ào, náo nhiệt, đâu đâu cũng thấy lửa và lò rèn. "Robot đó hoạt động 24 giờ mỗi ngày", Rich Hansen, người giám sát các hoạt động, nói khi một cỗ máy khổng lồ có móng vuốt kéo một lớp vỏ nóng đỏ rực ra khỏi ngọn lửa. "Nếu bạn phạm sai lầm ở 2.000 độ C, đó là thảm họa", ông nói thêm.
Nhà máy này thuộc sở hữu của quân đội Mỹ nhưng do tập đoàn General Dynamics Corp điều hành. Gần một nửa lực lượng lao động trong số hàng trăm người ở đây là các cựu binh sĩ, bao gồm cả ông Hansen, người đã có 25 năm làm sĩ quan bảo trì máy bay của quân đội Mỹ.
Ông nói: "Chúng tôi chế tạo đạn dược. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để sản xuất vượt mức yêu cầu 11.000 viên đạn pháo hiện tại". Nâng một quả đạn nặng khoảng 45kg, ông nói thêm: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi một binh sĩ sử dụng vũ khí này, nó sẽ hoạt động như dự kiến".
Nhà máy này được xây dựng vào năm 1908 để bảo trì đầu máy xe lửa và được quân đội Mỹ tiếp quản vào năm 1951 để sản xuất đạn dược phục vụ cho Chiến tranh Triều Tiên.
Tại địa điểm rộng hơn 60.000m2, các thanh kim loại dài hơn 6m, mỗi thanh nặng gần 1 tấn, được đưa lên xe tải và nâng vào nhà máy bằng một nam châm khổng lồ trên cần cẩu.
Máy tiện cắt các thanh này thành các phần khoảng 36cm được gọi là phôi, sau đó được nung nóng trong phòng rèn. Một loạt máy ép thủy lực được sử dụng để kéo dài đến khoảng gần 1m và làm rỗng chúng. Sau đó, chúng sẽ được thả vào một "tàu điện ngầm" mê cung, di chuyển quanh các băng chuyền trong nhiều giờ để hạ nhiệt.
Công nhân sau đó sẽ kiểm tra kiểm soát chất lượng, mài nhẵn những chỗ gồ ghề trên vỏ và hàn các dải đồng xung quanh đế. Khoảng hơn 13kg vật liệu được cạo bỏ ở một đầu để khiến mũi thon hơn. "Nó giống như việc cắt bỏ phần trên của lon nước ngọt rồi cố gắng ấn cái lon đó vào mũi mà không để lại bất kỳ nếp nhăn nào, vì những nếp nhăn đó nguy cơ sẽ gây vết nứt", ông Hansen nói.
Sau đó, các khay chứa 40 quả đạn được đưa vào một lò nung khác trong 4 giờ, sau đó là bể dầu làm mát, một quy trình đảm bảo chúng sẽ hoạt động tốt trên chiến trường. Chúng tiếp tục trải qua thử nghiệm thủy tĩnh và siêu âm, trong đó các vỏ bị loại sẽ được đánh dấu bằng chữ "X" màu đỏ và bị bỏ.
"Không thể sửa lỗi hay làm lại trong các quy trình hoạt động ở đây", ông Hansen nhấn mạnh.
Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các nhà hoạch định quân sự, đã không còn đánh giá cao vai trò của đạn pháo 155mm trong chiến tranh. Nhưng cuộc xung đột Ukraine đã chứng minh điều ngược lại.
Cựu đại tá thủy quân lục chiến Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết: "Cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành một cuộc chiến pháo binh".
"Trong khi các loại vũ khí như tên lửa Himars và Javelin nhận được sự chú ý của giới truyền thông, thì đạn pháo chứng minh rằng, nó vẫn là "vua chiến đấu" bởi cường độ sử dụng của loại vũ khí này ở chiến trường Ukraine", ông nói thêm.
Áp lực lớn của Mỹ
Đối với Mỹ, cuộc chiến Ukraine khiến họ đối mặt áp lực gia tăng sản lượng đạn dược lớn nhất trong nhiều thập niên và đặt ngành công nghiệp quốc phòng nước này vào tư thế "sẵn sàng chiến đấu", mặc dù về mặt kỹ thuật Washington không ở trong trạng thái như vậy.
Các đồng minh châu Âu cũng đang đặt mua thêm thiết bị quân sự từ Mỹ khi kho dự trữ của chính họ cạn kiệt do chiến sự Ukraine.
"Quân đội Ukraine có thể đã tăng gấp đôi quy mô trong chiến tranh, vì vậy khi các đơn vị mới được thành lập, cần phải trang bị đạn pháo cho họ", ông Cancian nhận định.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với kế hoạch trị giá 2 tỷ euro theo đó cung cấp 1 triệu quả đạn pháo 155mm tới Ukraine trong năm 2024, khai thác kho dự trữ của chính họ và mua thêm thông qua Cơ quan Phòng vệ châu Âu.
Vì vậy, không chỉ đảm bảo cho quân đội Ukraine, Mỹ còn phải đáp ứng các đơn đặt hàng đang tăng vọt từ các đồng minh do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Những nước này cũng đã gửi nhiều vũ khí trong kho dự trữ cho Ukraine.
Lầu Năm Góc có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất đạn pháo mới như nhà máy Scranton ở Texas, và đã chi 68 triệu USD cho Canada để "trang bị lại" kho vũ khí. Mỹ đang tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa đất đối đất GMLRS.
Lockheed Martin, công ty sản xuất tên lửa Himars, cũng đang tăng gấp đôi sản lượng hàng năm từ 48 lên 96 tại nhà máy ở Arkansas. Nhìn chung, trong năm nay chính phủ Mỹ đang đầu tư 2 tỷ USD cho các nhà máy chế tạo vũ khí và đạn dược.
"Chúng tôi đang ở chế độ chạy đua", ông Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần của Mỹ nói.
Dù vậy, theo các chuyên gia, ngay cả khi Washington bắt tay tiến hành những kế hoạch mở rộng quy mô và tăng cường sản xuất vũ khí nêu trên thì vẫn không điều gì đảm bảo số lượng đó là đủ và đáp ứng kịp thời, nhất là khi Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn.