1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xuồng không người lái tự sát - "lá bài" mới của Nga tại Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Nga được cho là bắt đầu sử dụng xuồng không người lái (USV) tự sát tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng làm gián đoạn hoạt động vận tải tại các cảng biển hoặc đường thủy nội địa của Ukraine.

Một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy vụ nổ tại một cầu đường sắt ở tỉnh Odessa, miền Nam Ukraine. Trong đoạn video này, một xuồng cỡ nhỏ không người lái tiếp cận cây cầu với tốc độ cao và bất ngờ nổ tung ngay bên dưới trụ cầu. Cầu đường sắt là một phần quan trọng trong mạng lưới vận chuyển khí tài, trang thiết bị quân sự của Ukraine cho các chiến tuyến.

Hé lộ vũ khí Nga có thể lần đầu sử dụng ở Ukraine

Những hình ảnh đó làm dấy lên đồn đoán Nga lần đầu tiên sử dụng xuồng không người lái (USV) tự sát để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc làm gián đoạn hoạt động vận tải của Ukraine ở Biển Đen.

Điều này được đề cập trong một đoạn trò chuyện giữa Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. "Tôi có cùng mối lo ngại về việc Nga sẽ sử dụng các phương tiện không người lái vận hành trên mặt nước, thứ vũ khí có thể đe dọa tới hoạt động vận tải hàng hải dân sự ở Biển Đen", đoạn tin nhắn nêu.

Thoạt đầu, mọi thứ tưởng chừng rất đơn giản, để chống lại mối đe dọa mới này chỉ cần đặt bom phòng thủ và triển khai nhiều tàu thuyền tuần tra xung quanh các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, nếu USV của Nga thực sự đã hoạt động ở Ukraine, nó có thể tạo ra thách thức không nhỏ với Ukraine.

Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã có sẵn một số vũ khí tự hành dưới nước của phương Tây. Hải quân Nga có 6 tàu quét mìn loại Alexandrit Project 12700 kính nhựa, trong đó có 3 chiếc thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen, mỗi chiếc được trang bị 4 phương tiện tự hành dưới nước Alister 9 và K-Ster do Pháp sản xuất. Rất có thể, Nga chỉ sử dụng những phương tiện này để sao chép công nghệ điều khiển cho các phương tiện tự hành dưới nước.

Trong khi đó, USV tự sát mà Nga được cho là mới sử dụng ở Ukraine có khả năng là thiết bị do Iran sản xuất. Iran gần đây "trình làng" một phương tiện tự hành trên mặt nước có tên Bavar, song hiện chưa rõ đặc điểm cụ thể của nó. Ngoài ra, Tehran cũng được cho là đã cung cấp xuồng không người lái tự sát cho lực lượng Houthi ở Yemen để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước.

Xuồng không người lái tự sát - lá bài mới của Nga tại Ukraine? - 1

Xuồng không người lái tự sát do Iran sản xuất (Ảnh: Defense).

Chuyên gia phân tích H.I.Sutton của OSINT từng mô tả đặc điểm của phương tiện này trong blog đăng hồi tháng 9/2022. Ông cho biết, các USV của Iran có chiều dài khoảng 10m. Một động cơ phía ngoài được sử dụng như nơi cung cấp điện. Tùy thuộc vào từng dòng, Iran sẽ sử dụng xuồng máy thông thường hoặc thân tàu được chế tạo đặc biệt để tạo ra USV.

Những phương tiện này có cabin dành cho lính thủy, người phải đưa xuồng của mình đến một điểm nhất định, sau đó sử dụng chế độ không người lái để tiếp cận và phá hủy mục tiêu của đối phương.

Hiện chưa rõ trọng lượng của đầu đạn và tầm hoạt động của các USV do Iran sản xuất. Theo mô tả, chúng có thể mang một thứ tương tự ngư lôi được đơn vị biệt kích của Italy sử dụng trong Thế chiến II.

     Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Defense
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine