1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình hình chiến sự tại dải Gaza:

Xung đột phe phái tại Palestin, ai là kẻ đắc lợi

(Dân trí) - Sử dụng súng cối và súng chống tăng để chống lại nhau, 33 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương sau năm ngày xung đột, bạo lực lan tràn và có nguy cơ ngày một gia tăng trên khắp dải Gaza, chấm dứt các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ đoàn kết.

Có thể nói chưa bao giờ tương lai vốn đã rất ảm đảm về một nhà nước Palestin độc lập lại mờ mịt như lúc này.

Và cũng chưa bao giờ nguy cơ về một cuộc chiến "nồi da nấu thịt" lại rõ ràng đến như vậy tại Palestin. Sự việc bùng phát từ cuối ngày 25/1, khi một nhóm vũ trang được cho là của Fatah, phục kích một chiếc xe chở các du kích của phong trào Hồi giáo Hamas, làm một thành viên của nhóm này thiệt mạng, dẫn đến sự trả đũa của Hamas.

 

Ai sẽ là người chiến thắng

 

Các nhà phân tích và ngoại giao cho rằng trong trường hợp nổi ra một cuộc nội chiến giữa Hamas và Fatah, các lực lượng Hamas được trang bị và tổ chức tốt sẽ có ưu thế hơn so với các lực lượng trung thành với Tổng thống Abbas.

 

Theo họ, các binh sĩ trong cái gọi là lực lượng hành pháp và là lực lượng vũ trang của Hamas, Izz el-Deen al-Qassam, sẽ chiến đấu kiên cường hơn trong một cuộc chiến kéo dài và dải Gaza, một pháo đài của Hamas, có thể sẽ là chiến trường chính.

 

Ông Mouin Rabbani, nhà phân tích cao cấp của Nhóm theo dõi khủng hoảng quốc tế, nói: "Sự khác biệt giữa lực lượng của hai bên là mức độ cam kết chính trị và trung thành hơn với một sự nghiệp chứ không phải chỉ với một nhà lãnh đạo".

 

Xung đột phe phái tại Palestin, ai là kẻ đắc lợi - 1
 

Hội nghị gặp gỡ các bên tại Palestin vào sớm 30/1. Trước đó, Hamas và Fatah đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng 

thỏa thuận này sẽ kéo dài bao lâu khi mà vẫn có quá nhiều

kẻ muốn nhân cơ hội "đục nước"? (Ảnh: Reuters) 

 

Một nhà ngoại giao phương Tây thông thạo các vấn đề an ninh Palextin nói: "Chúng tôi biết lực lượng tác chiến của Hamas rất có hiệu quả và được tổ chức tốt, trong khi các lực lượng của Fatah thiếu hụt rất nhiều, trừ lực lượng bảo vệ tổng thống."

 

Một nhà ngoại giao phương Tây khác làm việc với Văn phòng Tổng thống Mahmoud Abbas về các vấn đề an ninh, cho rằng Hamas có ưu thế trong một cuộc chiến tại Gaza bởi vì Fatah có một cơ cấu chỉ huy ít tập trung hơn.

 

Theo giới phân tích, kể từ khi Hamas lên cầm quyền tại Palextin tháng 3/2006, phần lớn các lực lượng an ninh trung thành với Fatah đã trở nên suy yếu. Lực lượng phòng ngừa đã bị suy yếu bởi một loạt vụ ám sát gần đây và bởi việc Oasinhtơn quyết định chỉ tập trung giúp đỡ lực lượng bảo vệ tổng thống, một lực lượng không có quan hệ với Hamas.

 

Theo Zakaria al-Qaq, một cố vấn an ninh tại trường Đại học Al-Quds, cuộc chiến giữa các lực lượng Hamas và Fatah có thể phát triển vượt ra ngoài sự kiểm soát. Ông nói: "Không có ranh giới rõ ràng. Ở Gaza, có những lực lượng trung thành với các phe nhóm khác nhau và các cuộc trả thù nhau giữa các dòng họ. Ngăn chặn cuộc chiến này không phải là chuyện dễ dàng".

 

Với sự giúp đỡ của Oasinhtơn, lực lượng bảo vệ tổng thống của Abbas đã phát triển từ 4.000 thành viên lên 6.000 thành viên. Mặc dù con số tương đối nhỏ, nó được coi là lực lượng được trang bị và huấn luyện tốt nhất trên các vùng lãnh thổ Palextin.

Hamas cũng đã nhanh chóng phát triển lực lượng tác chiến của họ lên gần 6.000 thành viên và thề sẽ gia tăng quân số trong tương lai, chưa kể hàng nghìn người thuộc phái vũ trang khác của họ.

 

Tuy nhiên, một cuộc nội chiến giữa Hamas và Fatah chắc chắn sẽ không đem lại chiến thắng cho bất cứ phe phái nào tại Palestin mà kẻ được lợi lại chính là những kẻ hiện bên ngoài hiện đang thực hiện chính sách "xui nguyên giục bị" để hưởng lợi.

 

Những kẻ xui nguyên giục bị

 

Theo các nhà phân tích, nếu xảy ra một cuộc nội chiến giữa hai phe, thì xét về bản chất đây không chỉ là một cuộc chiến về xung đột lợi ích giữa Fatah và Hamas, mà là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ/Israel, những nước đang tìm cách xây dựng các lực lượng bảo vệ Tổng thống Abbas, và Iran, nước ủng hộ Hamas.

 

Xung đột phe phái tại Palestin, ai là kẻ đắc lợi - 2
 

Một chiến binh Hồi giáo Jihad đang giơ lên ảnh Mohammad

Faisal Siksik, một thanh niên Palestin đã đánh bom tự sát

giết chết 3 người tại một tiệm bánh ngọt tại khu nghỉ mát Biển Đỏ ở Eilat, một điểm nghỉ mát của người Israel.

(Ảnh: Reuters).

 

Không phải ngẫu nhiên mà hồi tháng 12/2006, Israel lại ngăn chặn việc Thủ tướng Ismail Haniyeh của Hamas chuyển 35 triệu USD mà ông này quyên góp được trong chuyến công du các nước Hồi giáo vào Gaza. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc gặp với ông Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây ngày 14/1 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice lại đưa ra cam kết rằng Mỹ sẽ viện trợ 586 triệu USD cho các lực lượng an ninh Palextin. Mặc dù, Mỹ biết rất rõ rằng khoản tiền này sẽ được dùng để trang bị cho lực lượng an ninh trung thành với ông Abbas.

 

Ngày 18/1 vừa qua, Israel cũng đã chuyển 100 triệu USD tiền thuế của Palestin bị nước này phong tỏa cho Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas vào đêm 18/1.

 

Tất cả những hành động trên của Mỹ và Israel đều nhằm để tăng vị thế của ông Abbas trước Hamas, phái trước đó vừa nhận được cam kết của Iran theo đó sẽ viện trợ cho chính phủ Palestin, do Hamas đứng đầu 250 triệu USD trong năm 2007.

 

 

Xung đột phe phái tại Palestin, ai là kẻ đắc lợi - 3
 

Những cậu bé Palestine đang chơi trên xác một chiếc xe car

sau một cuộc xung đột giưa Fatah và Hamas (Ảnh: Reuters)

 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 29/1 cũng đã lên án những quốc gia bên ngoài đang chơi trò "xui nguyên giục bị" để kích động các cuộc xung đột phe phái tại Palestin. Theo ông Lavrov, hành động này đang đẩy Palestin đến bên bờ của một cuộc nội chiến và cản trở việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.

 

Ai sẽ là ngư ông

 

Nếu Palestin rơi vào một cuộc nội chiến, kẻ được lợi chắc chắn không phải là Hamas hay Fatah, cũng không phải là người dân Palestin. Chắc chắn, "ngư ông" ở đây sẽ là Israel.

 

Một năm sau khi Hamas giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi đầu năm 2006, tình hình chính trị của Palestin đang thực sự bế tắc và có nguy cơ trượt dài đến bờ vực nội chiến.

 

Nếu như sự thất bại của Mỹ tại Irắc và của Ixraen tại Libăng đồng nghĩa với sự tăng cường lực lượng của các mặt trận kháng chiến Arập chống sự đô hộ thực dân và đế quốc, thì sự bùng nổ xung đột, đặc biệt là viễn cảnh về một cuộc nội chiến tại Palestin sẽ rất có lợi cho Israel, nước vẫn luôn muốn áp đặt mọi biện pháp vây hãm hòng dẫn đến sự sụp đổ của Chính quyền Palextin.

 

Chưa bao giờ mâu thuẫn nội bộ của Palestin lại diễn ra đúng như mong muốn của Israel như hiện nay: Fatah suy yếu cũng tốt, và chính phủ của Hamas sụp đổ sẽ lý tưởng hơn nhiều. Và điều quan trọng là trong bất cứ trường hợp nào Israel cũng có lý do để không phải nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và kiểu gì thì họ cũng được lợi.

 

Kiến Văn