1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào năm 2024?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà phân tích đã đưa ra nhận định về kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm 2024, sau khi Tổng thống Vladimir Putin xác nhận sẽ tái tranh cử.

Xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào năm 2024? - 1

Pháo của lực lượng Ukraine khai hỏa ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Người Nga sẽ đi bỏ phiếu từ ngày 15/3/2024, chưa đầy một tháng sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đánh dấu tròn 2 năm diễn ra. Cả hai bên dường như sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài, bất chấp thương vong cao, tổn thất thiết bị và thiệt hại kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymr Zelensky vẫn duy trì các mục tiêu chiến sự, vốn ngăn cản các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự ngay lập tức. Các chuyên gia nhận định rằng giao tranh có thể sẽ tiếp tục đến năm 2025.

"Về mặt lý thuyết, có khả năng Nga sẽ tranh thủ sự thay đổi về lãnh đạo (trong cuộc bầu cử) để tìm cách tuyên bố chiến thắng và chỉ giữ những vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, tôi nghĩ khả năng Nga rút lui khỏi cuộc xung đột là rất nhỏ, vì họ đã đầu tư quá nhiều vào hình ảnh quốc gia để giành chiến thắng", Beth Knobel, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Fordham, đồng thời là cựu giám đốc văn phòng Moscow của CBS News, nói với Newsweek.

Ukraine đã mở chiến dịch phản công vào tháng 6 nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, chiến dịch đã không đạt được bước tiến như Ukraine và các đồng minh kỳ vọng. Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny thậm chí cho rằng giao tranh đã đi vào "bế tắc".

"Khi chiến dịch phản công bị đình trệ, ngày càng có nhiều bi quan về cơ hội của Ukraine trong việc đánh bại Nga và giành lại các vùng lãnh thổ bị kiểm soát. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ có các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc và chiến tranh có thể kết thúc vào năm 2024", Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á - Âu tại Đại học Wesleyan, ở Middletown, Connecticut, nói với Newsweek.

"Mục tiêu của Nga không chỉ giới hạn ở việc nắm giữ các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát. Họ còn muốn thấy sự thay đổi trong chính quyền được thiết lập ở Kiev và họ vẫn tin rằng điều này là có thể xảy ra. Ít nhất, ông Putin sẽ đợi đến cuộc bầu cử tháng 11/2024 để xem liệu ông Donald Trump có trở lại hay không", chuyên gia Rutland nhận định.

"Mỹ sẽ rút lui khỏi Ukraine dưới một chính quyền Trump khác. Nhưng tôi nghĩ ông Joe Biden sẽ giải quyết vấn đề này tương đối tốt. Tôi nghĩ cuộc đấu tranh hiện tại ở Quốc hội về viện trợ nước ngoài sẽ được giải quyết nhưng có lẽ không quá sớm. Điều này liên quan nhiều hơn đến chính trị trong nước và áp lực bầu cử", Chris Dolan, giáo sư khoa học chính trị tại Lebanon Valley College, người đã viết về sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và NATO, cho biết.

Tổng thống Zelensky đã nhận được cam kết mới của Tổng thống Biden và khoản hỗ trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho các hệ thống phòng không, pháo binh và đạn dược. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ muốn viện trợ của Ukraine gắn liền với việc cải cách sâu rộng vấn đề nhập cư. Trong khi đó, cuộc chiến Israel - Hamas cũng đang leo thang căng thẳng.

"Việc cung cấp thêm viện trợ và vũ khí cho Ukraine sẽ bị gián đoạn do cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và Mỹ sắp bước vào năm bầu cử", Isil Akbulut Gok, phó giáo sư tại Đại học Sacred Heart, Fairfield, Connecticut cho biết.

"Tôi tin rằng cuộc xung đột có thể kéo dài đến năm 2025 và sự hỗ trợ quốc tế dành cho cả hai bên sẽ kéo dài cuộc xung đột vì cả Ukraine và Nga đều không thể đạt được những đột phá lớn và tuyên bố chiến thắng", chuyên gia Gok nhận định.

Ukraine sẽ tìm cách thích nghi?

Ông Mert Kartal, phó giáo sư tại Đại học St. Lawrence, Canton, New York, tin rằng Tổng thống Biden có thể nỗ lực tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào mùa xuân năm 2024, nhằm giúp Kiev giành chiến thắng và tận dụng điều đó như một lợi thế trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.

"Ít nhất, ông ấy sẽ thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự thất bại của Ukraine trước tuần đầu tiên của tháng 11/2024. Tuy nhiên, việc thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa, những người ngày càng nghi ngờ về khả năng thất bại của Nga, sẽ đặt ra một thách thức đáng kể", ông Kartal nhận định.

Bất chấp việc Thủ tướng Hungary Viktor Orban phủ quyết gói hỗ trợ trị giá 55 tỷ USD của EU dành cho Kiev vào giữa tháng 12, sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu khác vẫn rất mạnh mẽ.

"Tôi không nghĩ Mỹ nên cho rằng những nỗ lực liên tục của Ukraine nhằm đánh bật Nga hoàn toàn phụ thuộc vào các hành động của Mỹ hoặc thậm chí Tây Âu. Tôi có cảm giác rằng ngay cả khi không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, người Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu. Ukraine có thể thay đổi chiến thuật để đối phó với sự suy giảm viện trợ của phương Tây, nhưng tôi không tin họ sẽ đầu hàng", Rachel Epstein, giáo sư Quan hệ Quốc tế và Chính trị Châu Âu tại Đại học Denver, cho biết.

Mark Temnycky, một nhà báo người Mỹ gốc Ukraine và thành viên tại Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, sự trì hoãn vào năm 2023 cho phép Nga củng cố các vị trí ở phía nam và phía đông Ukraine, tập hợp lại lực lượng và xác định lại chiến lược.

"Trừ khi bối cảnh thay đổi, khó có khả năng xung đột sẽ kết thúc vào năm 2024. Bất chấp những bước tiến chậm chạp vào năm 2023, tinh thần của Ukraine vẫn cao. Phần lớn người Ukraine vẫn tin rằng họ sẽ thắng trong cuộc chiến và họ sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả nào khác ngoài việc loại bỏ toàn bộ lực lượng Nga khỏi Ukraine", ông Temnycky nhận định.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm