1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Lãnh đạo Crimea: Xung đột ở Ukraine có thể kết thúc trong 5 ngày

Thành Đạt

(Dân trí) - Người đứng đầu bán đảo Crimea đã đề cập đến khả năng chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 5 ngày, sau gần 2 năm chiến sự bùng phát.

Lãnh đạo Crimea: Xung đột ở Ukraine có thể kết thúc trong 5 ngày - 1

Lính Ukraine khai hỏa vũ khí trong cuộc tập trận ở Kiev (Ảnh: Reuters).

Trang tin quân sự Avia Pro ngày 21/12 đưa tin, ông Sergei Aksenov, người đứng đầu bán đảo Crimea, nói rằng quân đội Ukraine "hoàn toàn không có" triển vọng về quân sự sau nhiều tháng giao tranh với lực lượng Nga.

Ông Aksyonov nhấn mạnh sự hỗ trợ của phương Tây là yếu tố then chốt, đồng thời cho rằng việc chấm dứt hỗ trợ quân sự từ các nước phương Tây sẽ giúp xung đột nhanh chóng kết thúc.

"Họ không có triển vọng. Về mặt quân sự, họ hoàn toàn không có triển vọng. Câu hỏi duy nhất là khi nào phương Tây sẽ ngừng tài trợ cho Ukraine. Ngay sau khi phương Tây ngừng hỗ trợ quân sự trực tiếp, chỉ trong 5 ngày xung đột sẽ kết thúc", lãnh đạo Crimea tuyên bố.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thảo luận về tình hình ở Ukraine, chỉ ra hai cách khả thi để giải quyết xung đột. Theo ông Putin, lựa chọn đầu tiên là đạt được thỏa thuận về phi quân sự hóa và đồng ý về một số vấn đề nhất định. Lựa chọn thứ hai liên quan đến việc giải quyết vấn đề bằng vũ lực.

Tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ở Berlin hôm 10/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông "tin tưởng rằng Bắc Mỹ và châu Âu sẽ cùng nhau tiếp tục hỗ trợ Ukraine" và đây là cách duy nhất để đạt được "giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này".

Bình luận của nhà lãnh đạo NATO được đưa ra khi Lầu Năm Góc cảnh báo viện trợ quân sự cho Kiev sắp cạn nếu các nhà lập pháp Mỹ không phê duyệt gói tài trợ mới cho Ukraine.

Kiev đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow, yêu cầu Nga rút hoàn toàn quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại yêu cầu trên trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, đồng thời nói thêm rằng Kiev sẽ tiếp tục cuộc chiến ngay cả khi không có viện trợ của Mỹ.

Tổng thống Zelensky đã bác bỏ thông tin trên một số phương tiện truyền thông rằng, phương Tây được cho là đã khuyến khích Ukraine tham gia đàm phán hòa bình với Moscow.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần hối thúc các thành viên liên minh tiếp tục hỗ trợ để Kiev có thể giành chiến thắng trên chiến trường, từ đó có ưu thế trên bàn đàm phán với Nga.

Moscow từ lâu cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO trang bị vũ khí cho Ukraine, biến họ thành quân bài để đối đầu với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng, xung đột ở Ukraine thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga và toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine cho thấy phương Tây là một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến phối hợp chống lại Nga.

Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố không ủng hộ phương án đóng băng xung đột. Tuy nhiên, mỗi bên lại đưa ra các điều kiện hòa đàm khác nhau.

Kiev nêu rõ, điều kiện tiên quyết để tiến tới hòa đàm chấm dứt chiến sự là Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Moscow nhấn mạnh, Ukraine phải chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới" hay công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Theo Avia Pro