1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hezbolla như "rắn mất đầu", chảo lửa Trung Đông nóng rực

Thành Đạt

(Dân trí) - Vụ thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát ở Li Băng được cho là sẽ ảnh hưởng tới tình hình Trung Đông khi cả Israel, Iran và Mỹ đều có thể hành động.

Hezbolla như rắn mất đầu, chảo lửa Trung Đông nóng rực - 1

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh gần biên giới Israel ngày 28/9 (Ảnh: Reuters).

Sau khi Hezbollah xác nhận thủ lĩnh Hassan Nasrallah đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut của Li Băng, câu hỏi được đặt ra là lực lượng này có thể làm gì tiếp theo?

72 giờ tới có thể sẽ là khoảng thời gian các chỉ huy còn lại của Hezbollah đánh giá xem những ai còn sống trong hàng ngũ lãnh đạo, mức độ an toàn khi họ liên lạc và gặp gỡ, cũng như khả năng chống chịu trước những cú phản đòn nếu họ đáp trả Israel.

Hiện chưa rõ kho tên lửa của Hezbollah đã bị tàn phá như thế nào sau làn sóng không kích của Israel trong hai tuần qua.

Israel dường như có thông tin rất chính xác về nơi ở của các thủ lĩnh Hezbollah theo thời gian thực cũng như biết rất rõ nơi nhóm vũ trang này cất giữ đạn dược.

Cho đến nay, vẫn chưa thấy loạt tên lửa nào của Hezbollah có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho các mục tiêu của Israel. Khả năng này vẫn có thể xảy ra nếu các thủ lĩnh còn lại của Hezbollah quyết định rằng họ phải thể hiện sức mạnh quân sự để cố gắng cứu vãn tinh thần và vị thế trong khu vực. Tuy nhiên, nếu Hezbollah cố gắng thể hiện sức mạnh và gặp thất bại do đòn đáp trả của Israel, điều đó sẽ càng khiến họ bị suy yếu.

Một ẩn số có thể tác động tới tình hình chiến sự ở "chảo lửa" Trung Đông ở thời điểm hiện tại là khả năng Iran sẽ can dự đến mức nào vào cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah.

Iran đã cho thấy ngưỡng chịu đựng rất cao trong những tháng qua trước các động thái của Israel và Tehran có thể có tầm nhìn xa hơn. Phương Tây và Israel sẽ phải lưu ý đến sự thay đổi rõ ràng về tốc độ làm giàu uranium của Iran.

Nhưng, những bước tiếp theo của Israel mới là điều quan trọng nhất quyết định cục diện Trung Đông. Israel đã chứng minh rằng họ có lợi thế về tình báo, sức mạnh quân sự và khả năng chống chịu trước sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với số dân thường thương vong trong các cuộc tấn công của Israel. Nhưng điều này có nguy cơ khiến hai tuần vừa qua - khi Israel tiến hành các cuộc tấn công khốc liệt - trở thành một mất mát dài hạn khác đối với uy tín của Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải đưa ra một lựa chọn mang tính quyết định. Liệu hai tuần qua có cứu vãn được danh tiếng và giúp ông có vị thế tốt hơn trong nước hay phải tính toán lại rằng một cuộc chiến đang diễn ra mà không có định hướng chiến lược rõ ràng là cách tốt nhất để tiến về phía trước?

Hezbollah như "rắn mất đầu"?

Sau khi thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah bị hạ sát trong một cuộc ném bom vào Li Băng, Israel tuyên bố gần như tất cả lãnh đạo quân sự của Hezbollah đã thiệt mạng trong các cuộc không kích gần đây.

Bộ Ngoại giao Israel đã công bố sơ đồ các quan chức chỉ huy quân sự của Hezbollah. Tất cả 18 thành viên cấp cao - bao gồm ông Nasrallah và những người đứng đầu một số đơn vị - được cho là đã bị "loại bỏ".

Một số chuyên gia cảnh báo Hezbollah có nguy cơ rơi vào tình trạng "rắn mất đầu" sau hàng loạt vụ hạ sát thủ lĩnh cấp cao. Tuy nhiên, lực lượng do Tehran hậu thuẫn vẫn sở hữu sức mạnh quân sự đáng kể.

Hezbollah có thể bị tác động về ngắn hạn sau các cuộc tấn công của Israel, nhưng các nhà phân tích cho biết nhóm này khó có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong dài hạn vì một thủ lĩnh có thể được thay thế bằng một thủ lĩnh khác và Hezbollah vẫn duy trì được kho vũ khí và sức mạnh quân sự khổng lồ của mình.

Giáo sư Mohammad Marandi tại Đại học Tehran cho biết thủ đô Beirut của Li Băng được coi là "điểm yếu nhất" của Hezbollah vì đây cũng là nơi có các đại sứ quán phương Tây và những người có liên hệ với các cơ quan tình báo phương Tây. Tuy nhiên, nhìn chung, "Israel không có khả năng đánh bại Hezbollah về mặt quân sự", Marandi nói với Al Jazeera.

Các nhà phân tích cho biết Hezbollah hiện phải đối mặt với những lựa chọn chiến lược trong bối cảnh tạm thời mất đi thủ lĩnh để tránh phải chịu đòn giáng mạnh đối với sự tồn tại của mình.

"Hezbollah sẽ không biến mất", Yezid Sayig, chuyên gia cấp cao tại Chương trình Trung Đông Carnegie, cho biết. Ông nói thêm rằng Hezbollah sẽ "kiên nhẫn chiến lược" ngay cả khi Iran không vào cuộc để bảo vệ họ ngay bây giờ.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Hezbollah đã phạm phải những sai lầm khác khiến họ suy yếu so với Israel.

"Sai lầm lớn mà Hezbollah đã mắc phải là cho phép Iran sử dụng họ quá nhiều như một lực lượng ủy nhiệm. Hezbollah đã rất hiệu quả khi họ chiến đấu để kiểm soát lãnh thổ Li Băng vì chính người dân của họ", Sultan Barakat, giáo sư cao cấp về chính sách công tại Đại học Hamad Bin Khalifa, cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Barakat, trong năm qua, Iran đã trao cho Hezbollah rất ít quyền tự quyết về cách sử dụng vũ khí mà họ được chuyển giao, trong khi nhóm này đã tính toán sai mức độ tấn công mà Israel sẵn sàng tung ra, không chỉ đối với người dân ở Dải Gaza mà còn đối với cả người dân Li Băng.

Chiến thắng của Israel?

Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ hôm 27/9 - trước các cuộc không kích mới nhất - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gửi một thông điệp khi ông phát biểu rằng: "Chúng tôi đang chiến thắng". Israel tuyên bố cuộc tấn công mạnh mẽ vào Hezbollah là một chiến thắng lớn.

Các chuyên gia phần lớn nhận định rằng Israel sẽ tiếp tục tấn công.

"Israel cho rằng họ có động lực về phía mình sau cái chết của thủ lĩnh Nasrallah và muốn tận dụng tối đa khoảng trống lãnh đạo của Hezbollah", Ali Rizk, một nhà phân tích chính sách và an ninh, cho biết.

Theo nhà phân tích Mohamad Elmasry tại Viện nghiên cứu Doha, thành công được cho là của Israel sau cuộc tấn công vào Hezbollah cũng có thể tác động đến dư luận trong nước theo hướng có lợi cho Thủ tướng Netanyahu.

"Những người Israel, vốn không ủng hộ ông Netanyahu, đã chỉ trích những thất bại của ông ở Gaza khi không thể tiêu diệt Hamas và không thể đưa con tin về nhà, nhưng họ không phải là đám đông phản chiến", chuyên gia Elmasry nói.

Theo Elijah Magnier, nhà phân tích quân sự tại Brussels, chiến dịch tấn công liên tục của Israel cũng sẽ đòi hỏi Mỹ phải tiếp tục cung cấp đạn dược. Trong tuyên bố đầu tiên sau vụ hạ sát thủ lĩnh Hezbollah, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington ủng hộ các cuộc tấn công quân sự của Israel chống lại Hezbollah và mô tả vụ hạ sát Nasrallah là "công lý" cho hàng trăm người Mỹ mà ông cáo buộc Hezbollah đã giết hại.

Phản ứng của Iran

Mặc dù vụ hạ sát thủ lĩnh Nasrallah làm gia tăng lo ngại về phản ứng của Tehran, nhưng các chuyên gia cho biết hiện nay Iran phải đối mặt với lựa chọn hành động cân bằng giữa việc chống lại Israel và tránh chiến tranh lan rộng trong khu vực.

"Iran có lẽ sẽ không lựa chọn leo thang toàn diện", chuyên gia Rizk nói. Ông nói thêm rằng, họ có thể sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thông thường là "chiến đấu thông qua các lực lượng ủy nhiệm, bao gồm các đồng minh ở Iraq và Yemen" trước khi tham gia vào bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào với Israel.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã đưa ra tuyên bố về vụ sát hại thủ lĩnh Nasrallah rằng điều đó "sẽ chỉ làm tăng thêm sự kháng cự".

Ông Pezeshkian cũng cho biết Mỹ không thể phủ nhận sự liên quan của nước này trong vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah vì Washington vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự cho Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu cách đây gần một năm.

Theo Aljazeera, Newsweek