Xung đột Israel - Hamas tác động từ Trung Đông tới lòng nước Mỹ
(Dân trí) - Sau một năm, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã gây ra tác động to lớn, không chỉ với khu vực Trung Đông mà cả ở những nơi cách xa hàng nghìn km.
Trước ngày 7/10/2023, ít ai có thể tưởng tượng cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nói riêng - và cục diện Trung Đông nói chung - thay đổi nhanh như vậy chỉ sau một năm.
Theo số liệu của Guardian, hơn 40.000 người Palestine đã thiệt mạng tại dải Gaza sau một năm chiến sự (ước tính chưa đầy đủ của tổ chức Oxfam, Anh cho biết trong đó có hơn 11.000 trẻ em). Hệ thống cơ sở hạ tầng ở Gaza bị hủy hoại nghiêm trọng - ở một số khu vực thậm chí bị san phẳng hoàn toàn. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Ở chiều ngược lại, hơn 100 con tin Israel vẫn còn bị Hamas giam giữ. Hơn 900 dân thường Israel và hơn 800 binh sĩ và nhân viên an ninh nước này cũng đã thiệt mạng.
"Thế bế tắc chết chóc này chỉ có thể bị phá vỡ bởi những thay đổi chính trị. Lãnh đạo ở cả hai bên dường như đều không quá thích ngừng bắn, trong khi sự chú ý đã chuyển đi nơi khác", ông Jason Burke, cây viết phụ trách an ninh quốc tế của Guardian, viết.
Cục diện Trung Đông
Cuộc xung đột tại Gaza đã đẩy mâu thuẫn giữa Israel và "trục kháng chiến" - bao gồm Iran, Syria, Hamas, Hezbollah, Houthi và một số nhóm vũ trang khác - lên một nấc thang mới.
Thế cân bằng lực lượng giữa các phe phái tại Trung Đông đã chứng kiến những thay đổi chóng mặt. "Trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt dường như đã hứng chịu thiệt hại to lớn về chỉ huy - hàng loạt lãnh đạo cấp cao các nhóm Hồi giáo, bao gồm thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.
Tuy nhiên, bất chấp những động thái tiến công của Israel, thủ lĩnh của "trục kháng chiến" - Iran - vẫn tương đối kiềm chế. Phản ứng của Iran tính đến nay tương đối hạn chế. Hình thức phản ứng mạnh mẽ nhất của Iran cho đến nay là hai cuộc công kích trực tiếp nhằm vào lãnh thổ Israel vào tháng 4 và tháng 10.
Dù động thái này được đánh giá là tương đối nghiêm trọng - đây là lần đầu tiên Iran công khai không kích trực tiếp đối thủ - phản ứng của Tehran vẫn được cho khá "nhẹ tay" nếu xét đến những gì Israel đã làm.
Trong khi đó, quan hệ giữa Israel và các nước Ả rập khác dù chịu ảnh hưởng nhất định nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Do cuộc xung đột, triển vọng Israel và Ả rập Xê út bình thường hóa quan hệ trở nên xa vời - bất chấp những động thái xích lại gần nhau của hai bên trong những năm vừa qua. Theo BBC, hai nước đã tiến tới rất gần thỏa thuận bình thường hóa do Mỹ làm trung gian - trước khi Riyadh đơn phương tạm dừng đàm phán sau ngày 7/10/2023.
Dù vậy, khác với một số đánh giá ban đầu, quan hệ giữa Tel Aviv và Riyadh không trở nên căng thẳng. Hồi tháng 1, Đại sứ Ả rập Xê út tại Anh Khalid bin Bandar tuyên bố Ả rập Xê út sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi chiến tranh kết thúc - với điều kiện là Nhà nước Palestine độc lập có thể hình thành.
Đối với chính quyền Nhà nước Palestine do Fatah kiểm soát ở Bờ Tây, cuộc xung đột mang lại những hệ quả trái ngược.
Một mặt, uy tín của lực lượng này bị ảnh hưởng trong bối cảnh nhiều người Palestine coi Hamas là lực lượng "cầm lá cờ đầu" đối với sự nghiệp của người Palestine. Mặt khác, xung đột cũng góp phần thúc đẩy Fatah và Hamas xích lại gần nhau hơn với thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.
Bất chấp những nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Qatar và Mỹ, chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt. Giới chuyên gia nhận định một phần nguyên nhân là do cả hai phe đều chưa bị đẩy tới tình cảnh bắt buộc xuống thang.
Các cuộc đàm phán "thất bại do các mục tiêu tối đa của cả (Thủ tướng Israel Benjamin) Netanyahu và (Lãnh đạo Hamas Yahya) Sinwar, những người mà vị thế lãnh đạo đã bị tổn hại do vụ tấn công ngày 7/10 và cuộc chiến sau đó", bà Sanam Vakil, Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Đông - Bắc Phi tại Viện Chatham (Anh), nói với Guardian.
Tác động tới nước Mỹ
Không chỉ tác động tới khu vực Trung Đông, cuộc xung đột Israel - Hamas còn tác động tới nước Mỹ - nơi cách đó hàng nghìn km.
Đối với phe thiên tả tại Mỹ - vốn có xu hướng ủng hộ Palestine, chính sách ủng hộ Israel của chính quyền Biden là điều khó có thể chấp nhận, nhất là khi thương vong của người dân Palestine của dải Gaza ngày càng tăng.
Chính sách của Mỹ với xung đột là một trong những vấn đề khiến nước Mỹ chia rẽ nhất trong một năm vừa qua. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại hàng loạt trường đại học lớn tại Mỹ, gây tranh cãi trong xã hội về mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục và chính trị.
Sự bất bình của một bộ phận người dân Mỹ cũng sẽ trực tiếp tác động đến cuộc bầu cử Mỹ cuối năm nay. Theo Hill, đảng Dân chủ thông thường sẽ dẫn trước đảng Cộng hòa với tỷ lệ khoảng 2:1. Dù vậy, theo nghiên cứu mới nhất của Viện Người Mỹ gốc Ả rập (AAI), ông Trump đang dẫn trước bà Harris với tỷ lệ 46% - 42%.
Tại bang Georgia, giới chuyên gia đánh giá mối nguy thực sự với đảng Dân chủ là khả năng tỷ lệ đáng kể trong số hơn 150.000 cử tri gốc Ả rập hoặc theo đạo Hồi sẽ không đi bầu. Hồi năm 2020, ông Biden chỉ đánh bại ông Trump với chưa đầy 12.000 phiếu chênh lệch ở bang này.
Theo ông David Dulio, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oakland (bang Michigan), người Mỹ gốc Ả rập và theo đạo Hồi là nhân tố quan trọng với nỗ lực xây dựng liên minh cử tri của đảng Dân chủ trong bang.
"Kể cả thay đổi nhỏ với sự ủng hộ của cộng đồng này cũng có thể có tác động lớn tới kết quả cuối cùng", ông Dulio nói. "Đây là bộ phận nhỏ nhưng quan trọng của liên minh".
"Trong 30 năm khảo sát cử tri người Mỹ gốc Ả rập, chúng tôi chưa từng chứng kiến sự kiện nào ảnh hưởng tới hành vi của cử tri như cuộc xung đột tại Gaza", AAI viết.