1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung đột ở "chảo lửa" Trung Đông tác động thế nào đến cuộc chiến Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Một cuộc chiến quy mô lớn ở Trung Đông có thể sẽ tác động đến tình hình xung đột ở Ukraine khi các bên tham gia đều có những lợi ích tính toán riêng.

Xung đột ở chảo lửa Trung Đông tác động thế nào đến cuộc chiến Ukraine? - 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Mối lo ngại về một cuộc chiến tranh quy mô rộng lớn hơn ở Trung Đông đã gia tăng kể từ khi Iran phát động cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay vào Israel hôm 1/10. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ trả đũa Iran, đồng thời tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Li Băng, nơi có lực lượng được Iran hậu thuẫn.

Nhiều người Ukraine đang lo lắng theo dõi những diễn biến mới nhất của cuộc xung đột kéo dài nhiều năm ở Trung Đông, khi họ đánh giá tình hình này có thể tác động như thế nào đến sự quan tâm cũng như sự ủng hộ của thế giới đối với việc phòng thủ của Kiev trước Nga. Mỹ hiện là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho cả Israel và Ukraine, trong khi Iran vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga.

Trong những tháng gần đây, các quan chức Ukraine đã tăng cường nỗ lực để đảm bảo viện trợ quốc phòng dài hạn của Mỹ và giành được sự chấp thuận của Washington cho các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, sự kiện có thể ảnh hưởng đến nguồn viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong tương lai. Trong khi đó, Tehran và Moscow đã củng cố mối quan hệ quân sự và chính trị giữa hai bên, với việc Iran bị cáo buộc cung cấp hàng trăm tên lửa đạn đạo cho Nga.

Sau khi Israel cảnh báo Iran mắc sai lầm lớn và sẽ phải trả giá đắt vì cuộc tấn công tên lửa mới nhất, Mỹ, quốc gia đã hỗ trợ đánh chặn tên lửa của Iran cùng với các lực lượng của Anh, đã tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Israel.

Một số quốc gia phương Tây, bao gồm Pháp, Đức và Tây Ban Nha, đã lên án cuộc tấn công của Iran, trong khi Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn. Ngoài việc cảnh báo Iran, Israel vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào Li Băng, Gaza và Yemen.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Trung Đông có thể tác động như thế nào đối với cuộc xung đột ở Ukraine? Liệu nó có thể chuyển hướng nguồn lực và sự chú ý của phương Tây hay không, cũng như làm xấu đi mối quan hệ giữa Israel và Nga?

"Sự leo thang ở Trung Đông, mà chúng ta đang thấy, sẽ chuyển hướng sự chú ý của các nhà lãnh đạo chính trị và phương tiện truyền thông khỏi Ukraine. Nếu Iran tiếp tục gây hấn và Israel bắt đầu đáp trả, sự leo thang hơn nữa là điều không thể tránh khỏi, và chúng ta phải sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, tôi không thấy có mối liên hệ trực tiếp nào giữa những gì đang xảy ra giữa Israel và Iran với viện trợ của phương Tây cho Ukraine", cựu Ngoại trưởng Ukraine Volodymyr Ohryzko nhận định.

Theo ông Ohryzko, nguồn viện trợ mà Ukraine nhận được từ Mỹ khác hoàn toàn so với những gì Washington có thể phân bổ cho Israel.

"Nga khó có thể giúp Iran trong cuộc xung đột vì họ không có gì để cung cấp. Họ phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí từ Triều Tiên và chính Iran... Nga rõ ràng đã chọn một bên, và đó không phải là phía Israel. Tôi hy vọng Israel cuối cùng sẽ rút ra kết luận đúng đắn từ điều này vì Thủ tướng Israel Netanyahu luôn muốn đối xử tốt với Moscow và đồng thời không từ chối giúp đỡ Kiev. Bây giờ, tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ phải chọn một bên và không thể tỏ ra là mình có thể ngồi trên hai chiếc ghế nữa", ông Ohryzko nói thêm.

Nhà ngoại giao Ukraine cho rằng, vai trò chính của Mỹ ở đây sẽ phụ thuộc vào việc họ có muốn chấm dứt vấn đề Iran vĩnh viễn hay không.

"Chúng ta liên tục nghe thấy những thông tin về việc Iran đang tiến gần hơn một bước tới việc sở hữu bom hạt nhân... Nếu logic thắng thế ở Mỹ là các quốc gia thuộc "Trục ma quỷ" nên được giải quyết nghiêm túc, chứ không chỉ bằng cách bày tỏ quan ngại, thì tôi nghĩ rằng tình hình nói chung sẽ tích cực hơn nhiều, bao gồm cả cho Ukraine. Nếu Iran bị loại khỏi chuỗi cung cấp vũ khí cho Nga, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều đối với Ukraine", ông Ohryzko lý giải.

Xung đột ở chảo lửa Trung Đông tác động thế nào đến cuộc chiến Ukraine? - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Nhà máy đạn dược quân đội Scranton ở Pennsylvania, Mỹ vào ngày 22/9 (Ảnh: AFP).

Iliya Kusa, chuyên gia về chính trị quốc tế và Trung Đông tại Viện nghiên cứu Tương lai Ukraine, nhận định "bất kỳ sự bất ổn nào ở Trung Đông cũng sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chung, bao gồm cả an ninh của Liên minh châu Âu (EU)". Chuyên gia Kusa đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong vấn đề này.

Thứ nhất, một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, đặc biệt là nếu nó kéo dài, có thể dẫn đến giá dầu tăng tạm thời, điều này sẽ có lợi cho Nga.

Thứ hai, một cuộc chiến tranh lớn sẽ chuyển hướng các nguồn lực, năng lượng và sự chú ý của các nước EU và NATO khỏi Ukraine vì họ sẽ buộc phải sử dụng một số nguồn lực để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh, bao gồm cả những rủi ro liên quan đến làn sóng người tị nạn mới tiềm tàng từ Trung Đông.

Thứ ba, xét về quan điểm an ninh quốc tế và chính trị quốc tế, Nga dường như không có rủi ro nghiêm trọng nào vì, mặc dù vị thế của họ ở Syria dễ bị tổn thương, một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Trung Đông sẽ có lợi cho họ. Nga có thể sẽ được hưởng lợi từ sự hỗn loạn và bất ổn, khiến các nước EU và NATO mất tập trung khỏi Ukraine. Sau đó, Nga sẽ có thể tăng cường nỗ lực thúc đẩy các đối tác phương Tây gây sức ép với Ukraine để đàm phán.

"Theo quan điểm về lợi ích chiến lược của Ukraine, sẽ tốt hơn nếu không có chiến tranh ở Trung Đông và sự leo thang giữa Israel và Iran kết thúc bằng một cuộc không kích, như trường hợp hồi tháng 4, và sau đó là đóng băng xung đột", chuyên gia Kusa cho biết.

Theo Omar Oscar Ashour, giáo sư nghiên cứu quân sự tại Đại học Exeter và Viện nghiên cứu Doha, "Israel và Nga có những thỏa thuận và bất đồng riêng, chủ yếu là các thỏa thuận liên quan đến Syria, cộng đồng người Nga tại Israel và di cư từ Nga sang Israel". Ông chỉ ra rằng nỗ lực của Israel nhằm phá vỡ sự hợp tác Iran - Nga có thể ảnh hưởng đến Ukraine.

"Mối quan hệ giữa Nga và Iran tại Syria một phần là liên minh, một phần là cạnh tranh... Nga không chặn các cuộc không kích của Israel vào Syria vì hiểu rằng Israel chỉ tấn công các mục tiêu của Iran, không phải của Nga. Tôi chắc chắn rằng Nga muốn nhận lại điều gì đó từ Israel, chứ không phải để giúp Ukraine. Thỏa thuận đó sẽ bị thử thách nếu có một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông", giáo sư Ashour nhận định.

Giáo sư Ashour cho rằng, Iran tất nhiên sẽ gây sức ép để Nga giúp đỡ, trong khi Israel cũng sẽ gây sức ép, cố gắng tạo điều kiện để Nga tránh xa vấn đề này.

Vitaly Portnikov, một nhà báo và nhà bình luận chính trị người Ukraine, dự đoán sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Ukraine chắc chắn không phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở Trung Đông.

"Một cuộc chiến như vậy có thể chuyển hướng sự chú ý của giới truyền thông, nhưng cần nhớ rằng cuộc chiến Nga - Ukraine đã diễn ra trong hơn 2 năm rưỡi và mọi người đã quen với thông tin về nó, bất kể có xung đột mới nào xuất hiện hay không. Một cuộc chiến lớn hơn ở Trung Đông cũng sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine vì được viện trợ từ một ngân sách khác.

Chuyên gia Portnikov chỉ ra rằng, tác động của một cuộc chiến tranh quy mô lớn tiềm tàng ở Trung Đông đối với Ukraine sẽ phụ thuộc vào quy mô tham gia của các bên trong cuộc xung đột và các đồng minh của họ.

"Quân đội Mỹ khó có thể chiến đấu ở Iran. Mỹ nhiều khả năng nhất cũng chỉ đồng ý với Israel về các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc các cuộc tấn công khác chống lại Iran. Nga chắc chắn sẽ không tham gia vào việc bảo vệ Iran chống lại các cuộc tấn công này bằng tên lửa của riêng mình và sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột này", chuyên gia Portnikov nhận định.

Theo Kyiv Independent, Reuters