1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xung đột Israel - Hamas bế tắc sau một năm đẫm máu

Ngọc Việt

(Dân trí) - Cuộc đột kích bất ngờ của Hamas khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin vào ngày 7/10/2023, đã dẫn đến việc Israel trả đũa tấn công Dải Gaza.

Xung đột Israel - Hamas bế tắc sau một năm đẫm máu - 1

Một người đàn ông Palestine ôm đầu trước quang cảnh khủng khiếp sau vụ ném bom của Israel nhằm vào trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Dải Gaza hôm 1/11/2023 (Ảnh: Reuters).

Một năm tàn khốc: Dải Gaza thành nơi nguy hiểm, chết chóc nhất thế giới

Trong một năm qua, Dải Gaza - một trong những khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới - đã phải hứng chịu chiến dịch ném bom, bắn phá tàn khốc nhất trên thế giới kể từ khi chấm dứt Thế chiến II.

Theo số liệu cập nhật mới nhất về thiệt hại tại Dải Gaza từ Trung tâm Vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) chỉ rõ, khoảng 66% tổng số tòa nhà và công trình xây dựng, tức 163.778 công trình tại đây bị hư hại, trong đó có 52.564 công trình đã bị phá hủy hoàn toàn.

Chiến dịch quân sự trả đũa của Israel nhằm vào Dải Gaza đã khiến ít nhất 41.870 người ở dải đất này thiệt mạng, trong đó có hơn 11.300 trẻ em. Những cuộc tấn công tàn khốc liên tiếp của Israel đã đẩy 2,4 triệu người Palestine sinh sống tại Dải Gaza vào thảm kịch nhân đạo.

Theo Người phát ngôn Cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) Louise Wateridge, trẻ em Palesitne ở Dải Gaza "không còn tuổi thơ", còn Người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Jonathan Crickx phải thốt lên: "Gaza là nơi nguy hiểm nhất thế giới với trẻ em".

Ngày 5 và 6/10, hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Paris, Rome, Manila, Cape Town, New York, Melbourne…, kêu gọi chấm dứt thảm cảnh ở Dải Gaza. Người tuần hành còn yêu cầu các chính phủ cứng rắn hơn với Israel.

Ngày 5/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức "tình trạng bạo lực và đổ máu" ở vùng lãnh thổ Gaza. Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh cảnh báo việc Israel trả đũa Hamas đã khiến chiến sự lan rộng toàn khu vực Trung Đông.

Thực ra, việc tấn công và trả đũa lẫn nhau giữa chính quyền Israel và các tổ chức vũ trang của người Palestine, trong đó có Hamas, đã xảy ra từ lâu và hậu quả đã khiến máu của hai dân tộc Do Thái - Palestine nhuốm đỏ cả màu xanh hy vọng hòa bình.

Hàng trăm lần nghị quyết của LHQ về vấn đề Israel - Palestine đã bị Mỹ phủ quyết. Washington bị xem là đã hậu thuẫn cho hành động cứng rắn của chính quyền Israel chống người Palestine và bị nhiều bên chỉ trích.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì nguyên nhân không hoàn toàn chỉ do phía chính quyền Israel, mà ngay phía Hamas, khát vọng hòa bình của họ cũng bị chính họ làm nhạt nhòa trong những hoạt động bạo lực chống nhà nước Do Thái.

Vào năm 2015, Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Chính sách Palestine (PCPSR) từng tiến hành cuộc thăm dò và kết quả là có 67% người Palestine ở Gaza và Bờ Tây được hỏi, ủng hộ việc sử dụng vũ khí để tấn công Israel, theo Telegraph.

Hậu quả là phần thiệt hại lớn hơn luôn thuộc về người Palestine khi bị Israel trả đũa. Vậy nhưng điều đó vẫn không chấm dứt và cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023.

Cơ hội lịch sử cho người Palestine và người Do Thái bị bỏ lỡ

Ngược dòng thời gian, sau khi 33 thành viên Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 181 về thành lập 2 nhà nước Palestine và Israel vào ngày 29/11/1947, đến ngày 14/5/1948, Israel thông qua bản Tuyên ngôn lập quốc, chính thức tuyên bố sự ra đời nhà nước Do Thái.

Nghị quyết 181 của LHQ là cơ hội lịch sử của cả hai dân tộc Do Thái và Palestine, nhưng chỉ có người Do Thái tận dụng được cơ hội. 

Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, người bị Israel ám sát gần đây, từng khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ công nhận chính quyền nhà nước Do Thái và sẽ tiếp tục phong trào đấu tranh kiểu Jihad của chúng tôi tới khi giải phóng được Jerusalem", AP trích dẫn.

Đây là mục đích thiếu thực tế. Thứ nhất, nó vi phạm Nghị quyết 181 của LHQ về việc thành lập 2 nhà nước của người Palestine và người Do Thái. Thứ hai, nó kích động sử dụng bạo lực. Thứ ba, Israel là một thực thể chính trị hoàn thiện. 

Bên cạnh đó, Israel còn có sự bảo trợ của Mỹ. Từ năm 1959 đến nay, Israel đã tiếp nhận 251,2 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ. Riêng một năm qua, khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu, Mỹ đã chi ít nhất 17,9 tỷ USD để viện trợ quân sự cho quốc gia này, theo AP.

Do đó, Hamas không đủ khả năng thực hiện mong muốn của họ. Hàng chục cuộc chiến đã bùng nổ giữa Israel với cả thế giới Ả Rập và phần thắng hầu hết thuộc về Israel.

Có ý kiến nhận định, Nghị quyết 181 không công bằng nên người Palestine không chấp nhận. Vấn đề đó còn nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng trước khi có Nghị quyết 181 thì chưa có một quốc gia của người Palestine trong lịch sử, dù trước hay sau khi có sự cai trị của người Anh tại vùng đất này.

Vì thế, Nghị quyết 181 của LHQ là cơ sở pháp lý cho việc ra đời nhà nước Palestine mà chắc chắn sẽ được quốc tế công nhận và người Palestine vẫn có thể tiếp tục đấu tranh bằng chính thể của mình để giành thêm nhiều quyền lợi cho quốc gia, dân tộc mình.

Theo lịch sử các học thuyết chính trị, để được quốc tế công nhận một chính thể, một nhà nước không phải dễ dàng, nên việc LHQ thông qua Nghị quyết 181 đã tạo một lợi thế rất lớn cho người Palestine trong việc xây dựng đất nước và thể hiện vị thế trong quan hệ đối ngoại.

Tuy nhiên, vì không công nhận nhà nước Israel nên Hamas khước từ giải pháp hòa bình, và để thành lập một nhà nước Palestine, họ cho rằng không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành vũ lực.

Hành trình dài đi tìm hòa bình

Cộng đồng quốc tế bày tỏ thương cảm với người dân Palestine, còn người Palestine không biết tương lai ra sao. Thế giới xót xa cho dân tộc Palestine khi hơn 70 năm sau ngày có nghị quyết lập quốc, họ chưa biết tổ quốc mình ở nơi đâu.

Năm 1993, được quốc tế hỗ trợ và có sự nhượng bộ từ phía Israel, một hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine được ký kết tại Oslo (Na Uy), dưới sự bảo trợ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, dẫn đến việc cho ra đời Chính quyền Palestine, cơ sở cho việc thành lập Nhà nước Palestine trong tương lai, theo BBC.

Song để có được hiệp định lịch sử ấy thì nhân vật chính đóng vai trò kiến tạo hòa bình cho người Palestine là Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã phải đánh đổi tính mạng khi bị ám sát bởi một người Israel chống đối Hiệp định hòa bình Oslo.

Thế giới đã hi vọng Palestine sẽ khai thác cơ hội mà Hiệp định Oslo mang lại, tập trung hoàn thiện thể chế chính trị của mình, để có thể sớm gia nhập LHQ. Nhưng Hamas vẫn tập trung đấu tranh lật đổ nhà nước Israel.

Vì vậy, dù có thương cảm cho số phận của dân tộc Palestine, nhưng thế giới cũng có nhiều bất đồng trong việc ủng hộ, chia sẻ với họ, mà lý do chính là việc sử dụng bạo lực.

Đã có nhiều nghị quyết của LHQ và sẽ còn nhiều nghị quyết nữa của tổ chức này hướng về Palestine, nhưng chắc chắn sẽ không có nghị quyết nào ủng hộ sử dụng bạo lực, cũng sẽ không có nghị quyết nào xóa bỏ một nhà nước để cho ra đời một nhà nước khác.

Với những gì diễn ra trong suốt lịch sử xung đột Palestine - Israel, và cụ thể nhất là hậu quả của một năm xung đột Israel - Hamas đã cho thấy rõ không thể dùng chiến tranh để kiến tạo hòa bình cho cả 2 dân tộc Do Thái và Palestine.

Hơn 40.000 người tại Gaza đã thiệt mạng do chiến dịch tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Dải Gza sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2024. Người dân tại dải đất hẹp đang đối mặt với những chuỗi ngày sống khổ sở liên miên trong các khu tạm trú, đối mặt dịch bệnh và nghèo đói, trẻ em không được đến trường.

Vào ngày đánh dấu một năm nổ ra xung đột Israel - Hamas, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên đi tới lệnh ngừng bắn, chấm dứt chiến sự kéo dài để tập trung vào mục tiêu tái thiết Gaza. Các chuyên gia nhận định, có thể phải mất hàng chục năm mới có thể tái thiết Dải Gaza sau khi những trận không kích dữ dội của Israel xuống vùng đất này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm