Xây dựng môi trường làm việc không phân biệt đối xử người đồng tính
(Dân trí) - Đối thoại "Work with Pride" diễn ra chiều ngày 14/10 tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội là sự kiện mở màn cho chiến dịch vận động quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trong môi trường làm việc tại Việt Nam.
Chiến dịch này do tổ chức Viet Pride Hanoi và Trung tâm ICS đồng tổ chức với sự tham dự của các đại diện đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, PwC, Baker & McKenzie cùng Đại sứ quán Hà Lan và tổ chức Human Rights Watch. Mục đích chính của chiến dịch nhằm tăng cường nhận thức về đa dạng tính dục và khuyến khích các doanh nghiệp cùng hàng động để cải tạo môi trường làm việc thân thiện không còn phân biệt đối xử với người đồng tính ở Việt Nam.
Mở đầu khai mạc đối thoại, ông Clayton Bond, người bạn đời của ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh: “Hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp tạo nên môi trường làm việc cởi mở và thân thiện, điều đó thúc đẩy sự thay đổi lớn hơn của toàn xã hội”.
Đại diện của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam Cas van der Horst nhấn mạnh: “Một môi trường làm việc thân thiện có khả năng khiến người lao động làm việc hiệu quả hơn. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp cần phải lưu tâm tới nhu cầu của nhân viên là người đồng tính. Điều đó mang lại phẩm giá cho từng cá nhân và cũng khiến cho môi trường làm việc cởi mở và chuyên nghiệp hơn”.
Tổ chức Work with Pride đánh giá sự ủng hộ người chuyển giới ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc gần đây với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội như giáo dục, truyền thông, giải trí, các nhà làm chính sách.
Tuy nhiên, theo Work with Pride, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn im hơi lặng tiếng. Gần đây đã xuất hiện một số công ty nước ngoài tại Việt Nam đã bày tỏ ủng hộ cho người chuyển giới thông qua các chính sách không phân biệt đối xử và hoạt động tuyển dụng với người đồng tính.
Ông Boris O. Dittrich, giám đốc ủng hộ về chương trình người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) thuộc Tổ chức Human Rights Watch cũng ghi nhận rằng: “Việt Nam đã đạt bước tiến nhấn định về vấn đề người đồng tính. Gần đây Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề này”.
“Điều này cho thấy các nhà chức trách Việt Nam đã rất nghiêm túc về vấn đề người đồng tính. Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện đã trở nên rất quan trọng… những nỗ lực của chính phủ Việt Nam về vấn đề LGBT đã mang lại kết quả nhất định. Nếu so với các quốc gia khác, Việt Nam là một điển hình tích cực”, ông Dittrich chia sẻ.
Xuyên suốt cuộc đối thoại, các doanh nghiệp tham gia sự kiện cho thấy sự sẵn sàng trong việc ủng hộ phong trào người đồng tính, chuyển giới và là hạt giống đầu tiên tạo nên sự thay đổi môi trường làm việc không còn phân biệt đối xử với người đồng tính và chuyển giới tại Việt Nam.
Ông Trí Trung, đại diện đến từ công ty Baker & McKenzie (Việt Nam), cho biết Baker & McKenzie là những công ty đi đầu trong chiến dịch “Tôi Đồng Ý” ủng hộ cho hôn nhân đồng tính tại Việt Nam.
“Baker & McKenzie hiện đã thiết lập nhóm hoạt động về đồng tính ở Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhóm trên cũng đã tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến để thảo luận vấn đề đồng tính”, ông Trung chia sẻ.
Cuối buổi đối thoại, tổ chức Work with Pride còn đưa ra một danh sách các câu hỏi khuyến khích đại diện đến từ các doanh nghiệp chia sẻ cách thức để ủng hộ cho vấn đề đồng tính. Ngày mai (15/10), đối thoại Work with Pride sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Vũ Duy