1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Xa vời chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình

Việc Nhật Bản gần đây thay đổi quan điểm về vấn đề Hong Kong và suy nghĩ tiêu cực của công chúng đối với Trung Quốc đồng nghĩa với việc chuyến thăm Tokyo của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không diễn ra như dự định.

Hồi tháng trước, Nhật Bản đã từ chối tham gia cùng bốn đồng minh phương Tây để lên án việc thúc đẩy Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, nhưng tuần này Abe cho biết Nhật muốn dẫn đầu nhóm G7 ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại của họ về dự luật này.

Sự thay đổi quan điểm của Nhật đã khiến một số người ở Trung Quốc đặt câu hỏi có phải sự tan băng gần đây trong quan hệ giữa hai nước láng giềng sau nhiều năm thù địch đã kết thúc hay không, theo báo South China Morning Post.

“Chưa có điều gì được quyết định”

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dự định đón tiếp ông Tập vào tháng 4 trong chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2008, nhưng chuyến đi đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19, và một thời điểm mới cho chuyến thăm này – vốn cũng sẽ bao gồm cuộc tiếp kiến Nhật hoàng Naruhito và một bữa tiệc tại Cung điện Hoàng gia – chưa được ấn định.

Xa vời chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình - 1

Nhật lo ngại về tình hình Hong Kong. Ảnh: SCMP

“Chúng tôi đã không xúc tiến gì cả (liên quan việc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập). Xử lý dịch COVID-19 mới là ưu tiên hàng đầu, ngoài điều đó ra chúng tôi không bàn về lịch trình. Vẫn chưa có điều gì được quyết định cả”, hãng thông tấn Kyodo News dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết hôm 6-6.

“Những diễn biến gần đây tại Hong Kong, đợt bùng phát dịch COVID-19, kiểu ngoại giao ‘chiến binh sói’ của Trung Quốc và vấn đề quần đảo Senkaku tồn tại lâu nay, tất cả đã góp phần khiến dư luận Nhật có ý kiến rất tiêu cực đối với Trung Quốc. Đó không phải là thời điểm tốt để chúng ta chào đón chuyến thăm của ông Tập”, một nhà ngoại giao Nhật phát biểu với điều kiện giấu tên hôm 12-6.

Hai nước lâu nay bất hòa trong vấn đề quần đảo Senkaku hiện do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh thường xuyên điều tàu hải cảnh vào vùng biển xung quanh quần đảo này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên đã được cải thiện trong những năm gần đây và lên đến đỉnh điểm vào thời điểm bắt đầu bùng phát dịch COVID-19. Nhật đã ra tay hỗ trợ bằng cách đã gửi nhiều khẩu trang và hàng tiếp tế sang Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã cảm ơn Nhật vì sự hỗ trợ của họ.

Cân nhắc an ninh là quan trọng với Nhật

Tuy nhiên, thiện chí của Nhật đã nhanh chóng tan biến sau khi Trung Quốc bị buộc tội khai thác đại dịch để thúc đẩy kiểu ngoại giao hung hăng và siết chặt việc kiểm soát Hong Kong, một trung tâm tài chính và kinh doanh toàn cầu nơi Nhật có lợi ích đáng kể - nhà ngoại giao kể trên cho biết.

Xa vời chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình - 2

Ông Abe và ông Tập trong một cuộc gặp. Ảnh: KYODO NEWS

Khoảng 1.400 công ty Nhật đang làm ăn tại Hong Kong - nơi nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp Nhật nhiều nhất thế giới.

Nhà ngoại giao Nhật cho biết cộng đồng doanh nghiệp lo ngại rằng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ làm lung lay nền tảng của Hong Kong.

Các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật hôm 29-5 đã đề nghị Thủ tướng Shinzo Abe rút lại lời mời ông Tập thăm Nhật, theo Kyodo News.

Bà Hoa tuần này cho biết Trung Quốc “quan ngại sâu sắc” về động thái của Thủ tướng Abe sẽ dẫn đầu nhóm G7 ra tuyên bố về Hong Kong và cảnh báo chống lại việc can thiệp vào cái Bắc Kinh coi là mối quan tâm trong nước đơn thuần.

Việc hạ nhiệt quan hệ cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng những diễn biến gần đây phản ánh sự hạ nhiệt căng thẳng mong manh giữa hai nước láng giềng Đông Á và nỗ lực “đi dây” của Tokyo giữa Bắc Kinh và Washington.

Ông Liu Jiangyong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết Tokyo đang điều chỉnh chính sách của mình đối với Trung Quốc trong nỗ lực phù hợp với vị thế của Mỹ.

“Quan hệ Nhật-Trung có thể đã được cải thiện trong hai năm qua và Nhật đã dựa vào Trung Quốc về kinh tế, nhưng các cân nhắc về an ninh là quan trọng hơn đối với Nhật và ưu tiên hàng đầu vẫn là mối quan hệ với Mỹ” - ông nói.

“Những diễn biên gần đây là đáng lo ngại. Khi Mỹ đang tập hợp các đồng minh để tập trung đối phó Trung Quốc, Nhật đương nhiên sẽ phải theo Mỹ và điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc” - ông nói thêm.

Theo Trùng Quang

Pháp luật TP.HCM