1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xa lánh Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần Nga?

Nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy khoảng cách giữa mối quan hệ Bắc Kinh- Bình Nhưỡng đang ngày càng xa nhau.

Ngày hôm nay (17/12) Triều Tiên kỷ niệm lần thứ 3 ngày mất của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Điều đặc biệt trong lễ kỷ niệm lần này là không có một đại diện nào của Trung Quốc đến tham dự lễ kỷ niệm.

Trước đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, Tiều Tiên đã không gửi lời mời chính thức đến Chính phủ Trung Quốc và do vậy, Bắc Kinh cũng không có ý định gửi đoàn đại diện đến tham dự buổi lễ này.

Xa lánh Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần Nga?
Không có một đại diện nào của Trung Quốc đến tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 3 ngày mất của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (ảnh: DM)
Ngày 15/12, theo Yonhap, phía Trung Quốc đã xác nhận không nhận được lời mời tham dự lễ kỷ niệm 3 năm ngày mất của cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Trung Quốc khẳng định vẫn sẽ "tôn trọng" quyết định của Bình Nhưỡng.

Sự vắng mặt của giới chức Trung Quốc trong ngày lễ kỉ niệm khiến các phương tiện truyền thông đều đặt câu hỏi, liệu quan hệ Trung - Triều có “vấn đề” hay không?

Yonhap dẫn lời một nguồn tin ngoại giao về mối quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc cho rằng sự vắng mặt của phái đoàn Trung Quốc đã phản ánh mối quan hệ chính trị đang “đóng băng” giữa hai nước.

Triều Tiên thờ ơ, Trung Quốc lạnh nhạt

Tạp chí điện tử The Diplomat (Nhật Bản) nhận định, từ đầu năm đến giờ đã xuất hiện nhiều thông tin cho thấy khẩu hiệu chống Trung Quốc đang phổ biển ở Triều Tiên. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đang tìm cách mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Indonesia và Mỹ càng làm cho khoảng cách giữa Trung Quốc- Triều Tiên xa hơn.

Gần đây nhất, trong ngày kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với đồng minh truyền thống Trung Quốc (ngày 6/10), truyền thông của CHDCND Triều Tiên cũng không đăng tin bài về sự kiện này.

Mặt khác, ở chiều ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi lên nhậm chức cũng chỉ duy trò mối quan hệ ở mức rất “bình thường” đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cho đến giờ, ông Tập Cận Bình vẫn chưa hề đến thăm Triều Tiên với tư cách người đứng đầu nhà nước.

Xa lánh Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần Nga?

Cho đến giờ, ông Tập Cận Bình vẫn chưa hề đến thăm Triều Tiên với tư cách người đứng đầu nhà nước (ảnh: AFP)
Theo thông tin do The Diplomat cung cấp, những gì mà ông Tập thể hiện sự quan tâm của mình đối với Triều Tiên chỉ là gửi điện mừng vào ngày Quốc khánh của nước này mỗi năm.

Thờ ơ với Bình Nhưỡng nhưng Bắc Kinh lại ngày càng gần gũi hơn với Seoul. Trung Quốc đã dần chuyển sang phát triển các mối quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ thương mại với Hàn Quốc, AFP nhận định. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye trong khi vẫn giữ khoảng cách với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.

Sở dĩ, mối quan hệ này ngày càng dần lạnh lẽo là bởi Bắc Kinh tỏ ra khá bực bội về những tham vọng hạt nhân, các vụ thử tên lửa đạn đạo… của Bình Nhưỡng. Và Triều Tiên cũng không còn tin tưởng vào người hàng xóm khổng lồ. Theo quan sát của tờ báo Le Monde (Pháp), Triều Tiên đang tìm cách thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Quốc.

Trong bài viết đăng ngày 2/12 trên Thời báo Hoàn cầu, Tướng Vương Hồng Quang, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, nhận định Bắc Kinh sẽ không phản ứng nếu Triều Tiên tham gia một cuộc chiến hay bị sụp đổ.

“Trung Quốc không phải là vị cứu tinh. Nếu Triều Tiên sụp đổ, thì ngay cả Trung Quốc cũng không thể cứu họ”, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời ông Vương Hồng Quang khẳng định.

AFP bình luận phát biểu này nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn với đồng minh của mình.

Tướng Vương Hồng Quang cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới. Ngoài ra, Tướng Vương Hồng Quang cũng chỉ trích chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng “đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng ở biên giới với Trung Quốc.

Tướng Vương Hồng Quang không còn tại chức nên tuyên bố này có thể không được coi là quan điểm chính thức của Bắc Kinh. Thế nhưng, việc nó được đăng tải trên một tờ báo cấp tiến cho thấy Trung Quốc đã phát đi một thông điệp cảnh báo úp mở đối với nước đồng minh láng giềng.

AFP bình luận, phát biểu này nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn với đồng minh của mình.

Triều Tiên đang xích lại gần Nga

Hãng Thông tấn Nhà nước của Triều Tiên KCNA đưa tin, ông Choe Ryong Hae, Bí thư trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm Nga ngày 17/11.

Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại Khu vực Viễn Đông, Yuri Trutnev cũng có chuyến công du Triều Tiên hồi cuối tháng 4 năm nay. Những chuyến thăm cấp cao qua lại giữa đại diện 2 nước được đánh giá là thể hiện xu thế Triều Tiên đang phát triển quan hệ nồng ấm với Nga.

Xa lánh Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần Nga?
Những chuyến thăm cấp cao qua lại giữa đại diện 2 nước được đánh giá là thể hiện xu thế Triều Tiên đang phát triển quan hệ nồng ấm với Nga (ảnh: Wikimedia Commons)
Trong diễn biến mới nhất, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 17/2 cho biết, Moscow chính thức gửi lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự lễ kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ 2 tại Nga vào tháng 5 năm tới.

Asahi Shimbun cho hay, nếu nhận lời mời, đây có thể sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo của quốc gia bí ẩn nhất thế giới năm 2011. Nếu sang tham dự lễ kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ 2, nhà lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Trước đó, theo Asahi Shimbun Triều Tiên đã công khai ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và cũng cần sự ủng hộ của Moscow trong bối cảnh nước này không ngừng bị chỉ trích về tham vọng hạt nhân và quan hệ với đồng minh lâu năm Trung Quốc đang trở nên lạnh nhạt. Ngược lại, Moscow cần sự hợp tác của Bình Nhưỡng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Hàn Quốc.

Tờ Le Monde (Pháp) trong số ra ngày 5/12 nhận định, Trung Quốc chưa hẳn là đồng minh duy nhất của Triều Tiên. Từ một năm nay, quan hệ Moscow với Mỹ và phương Tây dần xuống cấp (do vấn đề Ukraine) thì quan hệ Nga- Triều đang được hâm nóng một cách nhanh chóng.

Tờ báo Le Monde cũng lưu ý rằng vào thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết theo đề xuất của EU và Nhật Bản đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra Tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại, Ngoại trưởng Triều Tiên - ông Choe Ryong-hae đang công du tại Nga và đã hội kiến Tổng thống Nga.

Ngay sau buổi hội kiến, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đánh giá Nghị quyết của Liên Hợp Quốc là “phản tác dụng”. Ông còn cho rằng các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc không nên trở thành một “công cụ pháp lý”.

Xa lánh Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần Nga?
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov (phải) đón tiếp Ngoại trưởng Triều Tiên - ông Choe Ryong-hae đang công du tại Nga (ảnh: AFP)
Giáo sư Park Byung-in, trường đại học Kyungnam tại Seoul nói, điện Kremin đã bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên.
Le Monde cho biết, Nga đang tập trung vào chính sách hướng Đông và có thể sẽ sử dụng Triều Tiên như là một con át chủ bài làm đối trọng với Washington. Trong những tháng gần đây, Nga và Triều Tiên đã dồn dập ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong lúc Mỹ và EU đưa ra những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Vào tháng 4/2014, Nga tuyên bố xóa 90% nợ cho Triều Tiên (tương đương với 10,9 tỷ USD được vay từ thời Xô viết). Cả hai bên cũng quyết định sử dụng đồng ruble trong trao đổi mậu dịch nhằm giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, mức trao đổi mậu dịch giữa hai bên cũng khá khiêm tốn (100 triệu USD trong năm 2013). Ước tính mức trao đổi có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

Trung - Triều khó “buông tay” nhau

Dù Triều Tiên tha thiết muốn làm nóng quan hệ với Nga, nhưng giả thiết nước này sẽ nhanh chóng từ bỏ Trung Quốc, ngồi với Nga khó có thể thành hiện thực.

Được biết, 80% trao đổi mậu dịch của Bình Nhưỡng đều lệ thuộc vào anh láng giềng khổng lồ nên Triều Tiên không thể ngày một ngày hai thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nga và Triều Tiên đang xích lại gần nhau nhưng theo nhận xét của ông Andrei Lankov, đại học Kookmin tại Seoul cho rằng, Nga chưa vẫn thể hiện rõ thiện chí cũng như là có đủ mọi phương tiện để thay thế Trung Quốc làm người bảo hộ Triều Tiên. Nga cũng nhận thức được nhiều khó khăn trong mối quan hệ, hợp tác với Triều Tiên.

Mặt khác, dẫu cho lạnh nhạt với Triều Tiên trong thời gian gần đây nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ không “bỏ rơi” Bình Nhưỡng. Tờ Thời báo Hoàn Cầu từng đặt giả thuyết, nếu Trung Quốc thực sự “bỏ rơi” Triều Tiên, có thể dẫn đến 3 khả năng.

Thứ nhất, Triều Tiên cũng sẽ từ bỏ Trung Quốc để “ngả vào vòng tay của kẻ thứ ba”.

Thứ hai, Triều Tiên sẽ không chống đỡ nổi trước sự bao vây về chính trị, kinh tế, quân sự của các nước đối địch.

Khả năng thứ ba là động thái của Trung Quốc sẽ đẩy Triều Tiên đến đường cùng và có thể dẫn đến chiến tranh bùng phát trở lại trên bán đảo Triều Tiên.

Thời báo Hoàn Cầu nhận định, dù là hậu quả nào trong 3 khả năng trên cũng đều bất lợi cho Trung Quốc, chưa tính tới khả năng các thế lực khác sẽ nhúng tay kiểm soát cả bán đảo Triều Tiên.

Bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu kết luận, “từ bỏ Triều Tiên” đồng nghĩa với việc Trung Quốc trao cho Mỹ “lợi ích chiến lược”– điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Tờ báo điện tử China Daily bình luận, dù quan hệ Trung - Triều bị rạn nứt, nhưng Bắc Kinh sẽ vẫn nỗ lực duy trì quan hệ truyền thống với Bình Nhưỡng, đồng thời cũng sẽ tăng cường hợp tác với Hàn Quốc.

Xa lánh Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần Nga?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) (ảnh: Koreal Herald)
Tờ báo này cũng nhắc lại động thái mới đây nhất của Trung Quốc nhằm ủng hộ Triều Tiên, đó là Bắc Kinh đã tự nguyện bỏ phiếu phủ quyết các phương án khởi tố Triều Tiên của tòa án hình sự quốc tế.

China Daily khẳng định, quan hệ giữa hai nước này vẫn tốt đẹp, vì nếu Bắc Kinh muốn loại bỏ Bình Nhưỡng thì sẽ không bỏ phiếu phủ quyết việc khởi tố Triều Tiên ra tòa án hình sự quốc tế.

Trước đây, Bắc Kinh thường bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Liên Hợp Quốc, từng đồng ý trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng vì vụ nước này thử hạt nhân.

Truyền thông Trung Quốc cũng cảnh cáo giới quan sát bên ngoài đừng cố làm rõ khoảng cách lớn trong mối quan hệ Trung-Triều.

Theo Phương Chi
VOV