WHO sắp ra báo cáo về điều tra nguồn gốc Covid-19 giữa "bão" chỉ trích
(Dân trí) - Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kết thúc điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc, song hiện vẫn còn nhiều hoài nghi và tranh cãi về những thông tin ban đầu mà nhóm đưa ra.
Một tuần lễ trôi qua kể từ khi nhóm chuyên gia của WHO họp báo ở Vũ Hán - nơi đầu tiên phát hiện các ca mắc Covid-19 trên thế giới vào cuối năm 2019. Tại sự kiện đó, một quan chức WHO nói rằng, giả thuyết vi rút SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm là "gần như không thể". Thay vào đó, quan chức này cho rằng, nó có thể bắt nguồn từ thực phẩm đông lạnh - một giả thuyết mà Trung Quốc từng đưa ra.
Nhiều ngày sau cuộc họp báo đó, chính phủ các nước trong đó có Anh và Mỹ đã đặt ra nhiều nghi vấn. Mỹ cáo buộc giới chức Trung Quốc không có sự minh bạch cần thiết. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó bất ngờ cho biết, "mọi giả thuyết về nguồn gốc vi rút đều đang được xem xét".
Giữa lúc nhóm chuyên gia của WHO tìm cách giải thích về sự kém hiệu quả của cuộc điều tra kéo dài gần 1 tháng này, mọi con mắt đổ dồn về bản báo cáo chính thức dự kiến được công bố trong tuần này và bản cuối cùng sẽ công bố trong thời gian tới.
"Minh bạch và minh bạch. Đó là vấn đề cốt lõi. Cách duy nhất để có được tín nhiệm là phải đảm bảo rằng bản báo cáo chi tiết nhất có thể", Ayelet Berman, chuyên gia y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật quốc tế của Đại học quốc gia Singapore, nhận định.
Tuần trước, nhóm chuyên gia của WHO kết luận rằng, nhiều khả năng vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 bắt nguồn từ dơi, sau đó lây nhiễm cho nhiều người thông qua động vật trung gian. Tuy nhiên, họ lại không đưa ra kết luận về quá trình này, điều mà giới chuyên gia cho rằng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể đưa ra. Vấn đề đặt ra là việc tiếp cận thông tin ở Trung Quốc để phục vụ nghiên cứu rất hạn chế. Theo ông Marion Koopmans, một nhà vi rút học trong nhóm điều tra cho biết đến nay họ vẫn chưa thể tiếp cận các mẫu máu bệnh nhân COvid-19 thu thập hồi tháng 11/2019. Đây là dữ liệu có thể cho phép các nhà khoa học tìm hiểu về mức độ lây lan của dịch ở Vũ Hán trước khi phát hiện những ca đầu tiên.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cuối tuần trước bày tỏ quan ngại về những phát hiện ban đầu của nhóm điều tra của WHO, đồng thời kêu gọi Trung Quốc cung cấp cho các nhà khoa học đầy đủ dữ liệu ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch. Đồng quan điểm này, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 15/2 nói rằng, các nước lớn nên ký một hiệp ước về đại dịch để đảm bảo sự minh bạch cần thiết.
Về phía Trung Quốc, giới chức nước này nhiều lần khẳng định họ đã hỗ trợ hết mình cho sứ mệnh điều tra của WHO. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng WHO có khả năng hạn chế để đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu hay cho phép tiếp cận hơn nữa như thanh tra các phòng thí nghiệm của Vũ Hán hay tiếp cận dữ liệu bệnh nhân.
"WHO không có bất kỳ sức mạnh pháp lý chính thức nào để buộc Trung Quốc cung cấp những dữ liệu như vậy. Theo nhìn nhận của dư luận, WHO có vẻ yếu đuối… nhưng có sự khác biệt giữa kỳ vọng của dư luận và thực tế về quyền lực của WHO", bà Berman nói.