1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

WHO họp khẩn vì đợt bùng phát virus có tỷ lệ tử vong lên tới 88%

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát ở Trung Phi của virus Marburg, mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 88%.

WHO họp khẩn vì đợt bùng phát virus có tỷ lệ tử vong lên tới 88% - 1

Marburg thường xuất hiện trên loài dơi (Ảnh minh họa: AFP).

RT đưa tin, WHO đã họp khẩn cấp hôm 14/2 liên quan tới đợt bùng phát của virus Marburg ở Guinea Xích đạo tại Trung Phi. Đợt bùng dịch này đã làm 9 người thiệt mạng và 16 ca nghi nhiễm.

Cuộc họp của WHO nhằm xem xét một số ứng viên vaccine có thể ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, WHO thông báo rằng các chuyên gia y tế sẽ được cử đến nước này cùng đồ bảo hộ, đồng thời cho biết các mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm ở Senegal để giúp truy tìm nguồn gốc của đợt bùng phát mới tại Guinea Xích đạo.

"Marburg có khả năng lây nhiễm cao. Nhờ hành động nhanh chóng và quyết đoán của chính quyền Guinea Xích đạo trong việc xác nhận căn bệnh này, phản ứng khẩn cấp có thể nhanh chóng đạt được hiệu quả tối đa để chúng tôi cứu sống và ngăn chặn virus càng sớm càng tốt", Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực Châu Phi của WHO, cho biết.

Thuộc cùng họ virus với Ebola, Marburg được coi là cực kỳ nguy hiểm và có thể gây ra một dạng sốt xuất huyết do virus, dẫn đến chảy máu mũi, miệng hoặc các bộ phận cơ thể khác. Các triệu chứng khác bao gồm mất nước, buồn nôn, nôn, đau họng và đau bụng.

Virus Marburg thường xuất hiện ở dơi Rousettus. Theo WHO, một khi con người nhiễm virus, mầm bệnh sẽ lây lan qua chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, hoặc với các bề mặt và vật liệu bị có virus bám trên.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi nhiễm mầm bệnh từ 24% tới tối đa 88% trong các đợt bùng dịch trước đó, tùy vào chủng của virus và phương thức kiểm soát dịch bệnh ở từng khu vực. Năm 2004, virus tấn công Angola và lây nhiễm cho 252 người, làm khoảng 90% số ca bệnh thiệt mạng. 

Tới nay, chưa có vaccine hoặc liệu pháp kháng virus được phê duyệt để điều trị Marburg, nhưng WHO lưu ý rằng "một loạt các phương pháp điều trị tiềm năng" hiện đang được đánh giá, bao gồm "các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp thuốc". Một số vaccine tiềm năng kháng virus này đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm.

George Ameh, đại diện của WHO tại Guinea Xích đạo, cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch ứng phó trong 30 ngày, trong đó chúng tôi có thể định lượng các biện pháp và nhu cầu chính xác là gì".

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm