WHO đảo ngược đánh giá về mũi vắc xin Covid-19 thứ ba
(Dân trí) - Theo đánh giá mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều vắc xin Covid-19 thứ ba là cần thiết để bảo vệ những người dễ tổn thương.
"Mũi vắc xin thứ ba không phải là liều xa xỉ tước khỏi những người vẫn đang chờ được tiêm mũi đầu tiên. Về cơ bản đó là cách để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất", Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, phát biểu ngày 30/8.
Bình luận trên dường như trái ngược với tuyên bố trước đó của giới chức WHO rằng hiện chưa có đầy đủ dữ liệu cho thấy sự cần thiết của tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba. WHO cảnh báo, việc tiêm mũi bổ sung cho người đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin Covid-19 chỉ làm trầm trọng hơn nữa tình trạng bất bình đẳng vắc xin giữa các nước giàu với các nước thu nhập thấp hơn. Do vậy, WHO trước đó nhiều lần kêu gọi các nước hoãn tiêm chủng vắc xin mũi tăng cường.
Những bình luận của ông Hans Kluge được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với một làn sóng bùng phát Covid-19 mới. Ông Kluge cho biết, hơn 30 trong số 53 quốc gia thành viên của WHO tại khu vực châu Âu đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng ít nhất 10% trong hai tuần qua, tỷ lệ nhập viện cũng có xu hướng tăng. Quan chức WHO cũng đưa ra cảnh báo: "Tuần trước, số người chết trong khu vực tăng 11%. Một dự báo đáng tin cậy cho thấy, châu Âu có thể ghi nhận thêm 236.000 ca tử vong do Covid-19 trong 3 tháng tới". Tính đến nay, châu Âu đã có khoảng 1,3 triệu người chết do Covid-19.
Ông Kluge cho rằng, số ca Covid-19 tăng nhanh khắp khu vực là do sự lây lan của biến chủng Delta và "sự nới lỏng quá mức" các biện pháp hạn chế và sự gia tăng hoạt động đi lại của người dân trong mùa hè. Ông nhấn mạnh, sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan hơn cùng với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ở nhiều nơi còn hạn chế là thực tế "đáng lo ngại".
Ông cho biết thêm, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19, đặc biệt ở các nhóm người có nguy cơ, vẫn còn thấp tại một số quốc gia châu Âu. Theo ông, tâm lý hoài nghi vắc xin, phản bác khoa học đã cản trở một số nước châu Âu trong việc kiểm soát đại dịch. "Tâm lý bài vắc xin đang cản trở chúng ta kiểm soát cuộc khủng hoảng này. Điều đó không tốt cho bất cứ ai", ông Kluge nói.
Một số nước ở châu Âu vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vắc xin Covid-19, một số nước mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 6% dân số. Trong khi ở hầu hết các nước trong khu vực, gần 3/4 nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ, thì tại một số nước, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 10%.
Sau 8 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, châu Âu đã tiêm được khoảng 850 triệu liều vắc xin, trong đó một nửa dân số khu vực đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng đang có dấu hiệu chậm lại đáng kể khoảng 6 tuần trở lại đây.
"Tốc độ tiêm chủng chậm lại ở khu vực là vấn đề đáng lo ngại. Hiện tại khi hầu hết các biện pháp phòng dịch đã được nới lỏng ở nhiều nước, việc tiêm chủng có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế đà lây lan của dịch, hạn chế bệnh nặng hay tử vong do Covid-19 trước nguy cơ lớn hơn từ các biến chủng mới của SARS-CoV-2", ông Kluge nói.