Anh tính "chia nhỏ" liều tăng cường để tiết kiệm vắc xin cho thế giới
(Dân trí) - Các nhà khoa học ở Anh xem xét giảm liều lượng vắc xin Covid-19 đối với mũi tăng cường để giải bài toán thiếu nguồn cung vắc xin cho các quốc gia nghèo hơn trên thế giới.
Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Tiêm chủng (JCVI) của Anh đang nghiên cứu khả năng tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường với liều lượng ít hơn với hy vọng cách tiếp cận này giúp tăng nguồn cung cấp vắc xin trên toàn thế giới.
Việc sử dụng cái gọi là "liều lượng chia nhỏ" được xem như một giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin quý giá để tăng lượng người được tiêm chủng ở những nơi đang thiếu hụt vắc xin, trong khi vẫn cung cấp mức độ bảo vệ cao khỏi bị nhiễm bệnh nặng.
JCVI dự kiến sẽ không áp dụng chương trình vắc xin tăng cường ngay lập tức cho tất cả người trưởng thành cho đến khi có thêm kết quả những nghiên cứu mới khác, dù chính phủ Anh đã sẵn sàng tiêm cho những người có nguy cơ cao nhất và cần tăng cường khả năng miễn dịch vào tháng tới.
Các cơ quan của Anh hiện vẫn đang giám sát các nghiên cứu về tính hiệu quả của việc sử dụng liều lượng thấp hơn trong các mũi tiêm tăng cường và sẽ sớm cung cấp kết quả cuối cùng cho JCVI vào mùa thu này để từ đó xem xét có nên mở chiến dịch tiêm tăng cường hay không.
Các nhà nghiên cứu đang kiểm tra tính an toàn và tác dụng phụ của các liều lượng khác nhau, vì có thể liều lượng vắc xin thấp hơn vẫn có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch đồng thời giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ. Các loại vắc xin khác nhau cũng có thể hoạt động theo những cơ chế khác nhau.
Một số nhà dịch tễ học muốn chờ thêm các nghiên cứu mới để từ đó có giải pháp tối ưu cho vấn đề cung cấp vắc xin toàn cầu.
Theo ước tính, sẽ cần khoảng 11 tỷ liều vắc xin Covid-19 để tiêm đầy đủ cho 70% dân số thế giới, nhưng tính đến đầu tháng 7, mới chỉ có 3,2 tỷ liều được tiêm. Thậm chí, theo các nhà nghiên cứu, người dân ở nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải đợi đến năm 2023 mới được tiêm chủng.
Từng được triển khai đối với các bệnh khác
Một số nghiên cứu về liều lượng chia nhỏ đã được thực hiện trên thế giới. Giáo sư Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, gần đây cho rằng việc sử dụng liều thấp hơn "là một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu vắc xin toàn cầu".
Một số nhà nghiên cứu cảnh báo, cách tiếp cận này có thể dẫn đến khả năng kháng vắc xin cao hơn, nhưng đổi lại là ít người bị nhiễm bệnh hơn.
Trong khi đó, giáo sư dịch tễ học David Hunter tại Đại học Oxford cho biết, ý tưởng chia nhỏ liều lượng từng được triển khai trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh khác.
"Mở rộng nguồn cung cấp vắc xin hơn nữa bằng cách sử dụng liều lượng kháng nguyên thấp hơn là một chiến lược được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp khi nguồn cung cấp vắc xin Ebola và bại liệt bị hạn chế", ông Hunter cho biết. Theo ông, câu hỏi quan trọng đặt ra là đối với mỗi cá nhân, hiệu quả của vắc xin có giảm đi không và nếu có thì giảm bao nhiêu phần trăm.
"Các mũi tiêm nhắc với liều lượng thấp hơn so với mũi thứ nhất và thứ hai là rất hợp lý. Các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ hơn để đánh giá điều này. Điều quan trọng là điều này phải được thực hiện trong bối cảnh không người dân không nên do dự đi tiêm vắc xin vì cho rằng liều lượng tiêm giảm là kém hiệu quả hơn", ông Hunter nói.