1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vương quốc thời trang của Armani

Giorgio Armani được coi là ông hoàng thời trang nước Ý. Ông cũng là một nhà doanh nghiệp thành đạt trong ngành thời trang cao cấp với 347 triệu euro (khoảng 6.765 tỉ đồng VN) tiền mặt trong ngân hàng. Nhưng con đường tình duyên của ông cứ chông chênh...

Kỷ luật sắt

 

Ngày 11/7 vừa qua, Giorgio Armani tròn 71 tuổi. Ở tuổi này, ông hoàng thời trang Ý có thể lui bước an hưởng cuộc sống nhàn nhã vào cuối đời, có thể nằm tắm nắng bên hồ tắm kiểu Hollywood ở Saint-Tropez, thành phố nghỉ mát lừng danh của Pháp, nhưng, không! Người mà 5.000 công nhân viên dưới trướng gọi một cách cung kính là “Ngài Armani” vẫn tiếp tục điều hành “đế quốc Armani”.

 

Với trang phục muôn thuở là quần jean và áo thun đen hoặc xanh nước biển, ông Armani áp đặt lên bản thân một thứ kỷ luật sắt: Mỗi ngày vào lúc 7 giờ sáng ông tập thể lực dưới sự hướng dẫn của một ông thầy riêng với những thiết bị đời mới nhất trong phòng tập rộng bằng phòng khách của nhà ông trên đường Borgonuova, con đường mà ông đã mua đứt quyền sở hữu và khai thác, ở thành phố Milan. Một buổi tập như vậy thường kéo dài 1 giờ 30 phút.

 

Phải chăng ông tập để có một thân hình cường tráng như thanh niên? – “Không. Đó là thời khắc duy nhất tôi được phép không nghĩ gì cả, đầu óc trống rỗng”. Sau đó là một ngày làm việc căng thẳng.

 

Tôi chỉ là người thợ

 

Nói đến thương hiệu Armani, trước hết là thời trang cao cấp. Bộ sưu tập mới nhất của ông vừa được trình diễn ở Paris ngày 6/7. Với chủ đề “riêng tư”, bộ sưu tập Armani lần này có 55 sản phẩm, gồm áo đầm dạ hội như mọi khi, cộng thêm đồng phục và thường phục sang trọng. Đặc điểm của bộ sưu tập này là sắc màu đơn giản, đường nét sắc sảo.

 

Armani có vẻ thích đi ngược trào lưu. Armani giải thích: “Tôi không bao giờ theo trào lưu. Tôi luôn luôn nghĩ rằng mình là một người thợ, một người thợ giàu cực kỳ, nhưng cũng chỉ là một người thợ mà thôi”.

 

Chiến thuật kinh doanh

 

Đó là đa dạng hóa sản phẩm theo độ tuổi của khách hàng. Thương hiệu Giorgio Armani dành cho khách hàng trên 35 tuổi và có nhiều tiền. Emporio dành cho lứa tuổi 25 - 35. Armani Collezioni, Armani Jeans, Armani Exchange dành cho tuổi mới lớn. Thương hiệu Armani rất ăn khách cho nên Armani sản xuất cả nước hoa, nhà cửa (Armani casa) và nhà hàng, cà phê Armani. Sắp tới sẽ có khách sạn và các khu nghỉ mát Armani.

Quan niệm về thời trang của Armani có thể tóm tắt như sau: “Thời trang cao cấp không phải là nhà hát kịch. Tất cả phụ nữ đều không muốn bị coi là đần độn”. Armani không ngần ngại nhận xét thẳng thắn về một số đồng nghiệp cũng thành đạt như ông, trong đó có Dior và Jean-Paul Gaultier: “Họ đã giết chết thời trang cao cấp. Tôi chỉ có một mong muốn nhỏ nhưng không hề có ý dạy đời là chứng minh cho phụ nữ biết rằng họ có thể khoác lên người một bộ trang phục cao cấp mà không sợ làm trò cười cho thiên hạ”.

 

Khi Armani tròn 6 tuổi cũng là lúc bùng nổ thế chiến thứ hai. Ông kể lại: “Tôi vốn là một đứa trẻ ít nói, nhút nhát. Tôi có rất nhiều điều muốn làm và tôi đã phải chờ đợi rất lâu. Milan rất gần ngôi làng Piacenza tôi ở. Đối với chúng tôi, Milan là New York”.

 

Gia đình Armani rất nghèo, cơm không đủ ăn. Cha ông chỉ là một nhân viên kế toán quèn. Chuyện học hành của ông cũng không có gì vẻ vang. Vậy thì cái gì đã biến ông thành một nguời thành đạt như hôm nay? Armani thú nhận: “Để có tiền nuôi cha mẹ, tôi đành từ bỏ ngành y”. Đó là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai thuộc về phạm trù thẩm mỹ: “Tôi cho rằng, đối với đàn ông và đàn bà hay con gái, quần áo mặc thường ngày khá bất tiện”.

 

Thoạt đầu, Armani làm việc trong các cửa hàng lớn. Lúc đó, ông còn chưa biết cầm cây bút chì. “Tôi học vẽ khá muộn, ở tuổi ba mươi, bằng cách sao chép những bản phác thảo của Yves-Saint Laurent”. Và Armani đã khởi nghiệp như thế đó. Một sự nghiệp đồ sộ. Tất cả nhờ hai người quan trọng nhất trong cuộc đời của Armani.

 

Người đầu tiên không ai khác hơn là mẹ. Một bà mẹ nghiêm khắc buộc ông và người anh trai làm việc nhà, những công việc mà nói vui là nghệ thuật sống. Giờ đây, mỗi lần nhắc đến mẹ là ông không cầm được nước mắt. Cho đến khi nhắm mắt lìa trần, bà luôn luôn tham dự những buổi trình diễn thời trang của ông với những lời phê bình thẳng thắn.

 

Người thứ hai là Sergio Galeotti, người cùng với ông đặt nền móng cho “đế quốc Armani” từ năm 1975. “Cậu ấy đã cho tôi sức mạnh và niềm tin ở bản thân. Cậu ấy nhỏ hơn tôi 10 tuổi nhưng biết tin tưởng vào tài năng của tôi. Trong đời có một người tin yêu mình như thế thật là hiếm”- Armani tâm sự.

 

Một chút trống vắng

 

 

Vương quốc thời trang của Armani - 1
 

Một mẫu thiết kế của Armani.

Năm 1982, tuần báo Mỹ Time đăng ảnh Giorgio Armani lên trang bìa. Một vinh dự mà không phải nhà thiết kế thời trang nào cũng có. Trong 10 năm trở lại đây, doanh số của Armani tăng gấp ba lần. 70% lợi nhuận đuợc tái đầu tư vào những cơ sở của Armani.

 

Hiện nay Armani có 304 cửa hàng ở 37 nước trên thế giới, 13 nhà xưởng. Doanh số bán ra năm ngoái đạt 1,3 tỉ euro (25.070 tỉ đồng VN). Vũ khí bí mật của ông là làm ngược các đồng nghiệp. Trong khi những kình địch làm nên ăn ra nhờ bán các đồ phụ tùng như bóp đầm, túi xách v.v... thì Armani phất lên nhờ quần áo.

 

Ông hoàng Armani có đủ thứ để sống hạnh phúc. Về vật chất, ông có 7-8 biệt thự, căn hộ cao cấp khắp hành tinh, trong đó có căn hộ ở New York nhìn ra Công viên Central Park mà ông chỉ ở có 20 đêm trong vòng 4 năm qua.

 

Thế nhưng, trong trái tim ông vẫn còn trống vắng lắm. Ông thú thật đã từng yêu 4 lần nhưng lần nào cũng không đi tới đâu. Ông giải thích: “Tôi đánh mất nhiều cơ hội vì dành quá nhiều thời gian cho công việc chuyên môn và cho sự thành đạt của mình. Vả lại khi yêu, tôi quá cuồng nhiệt cho nên dễ tan vỡ”.

 

Rốt lại, chỉ còn một người thợ với nỗi đam mê muôn thuở là công việc. Hậu thế sẽ nhớ gì đến ông? Armani đã chọn cho mình một lời ghi trên mộ: “Một thiên tài nhưng giản dị”.

 

Theo Thảo Hương

Người lao động