1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ Wagner nổi loạn: Nỗ lực tháo "ngòi nổ" ở phút 89 của Tổng thống Belarus

Thượng tá Trịnh Ngọc Tiến

(Dân trí) - Giữa lúc tình hình tại miền Nam nước Nga rất căng thẳng do cuộc nổi loạn của ông trùm Wagner, Tổng thống Belarus đã liên tục liên lạc giữa các bên để khéo léo giúp tháo "ngòi nổ" vào phút thứ 89.

Vụ Wagner nổi loạn: Nỗ lực tháo ngòi nổ ở phút 89 của Tổng thống Belarus - 1

Tổng thống Belarus Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AFP).

Cuộc "nổi loạn" của ông trùm lực lượng quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin diễn biến rất nhanh, khiến cả thế giới theo dõi sát sao.

Tình huống tưởng chừng sắp nghẹt thở khi Thống đốc vùng Lipetsk của Nga chiều ngày 24/6 giờ địa phương xác nhận, lực lượng Wagner đã tiến vào khu vực này và đang tiến tới Moscow. Vùng Lipetsk cách thủ đô hơn 400km và cũng theo chính ông trùm Prigozhin, đội tiên phong của Wagner đã ở cách Moscow khoảng 200km.

Vào thời điểm quan trọng khi quân Wagner áp sát Moscow, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trở thành nhân vật chủ chốt giúp xoay chuyển tình thế.

Sau một thời gian dài liên lạc, Tổng thống Lukashenko và Prigozhin đã đạt được thỏa thuận "không cho phép đổ máu trên đất Nga". Prigozhin đồng ý dừng các hoạt động của lực lượng Wagner trên đất Nga và thực hiện các bước tiếp theo để giảm căng thẳng.

Một số nhà phân tích cho rằng, chìa khóa giúp Tổng thống Lukashenko hòa giải thành công không đổ máu "là giải pháp cân bằng tối ưu cho tất cả các bên có liên quan. Nếu xảy ra đổ máu, tất cả các bên sẽ là "thua-thua" hoặc thậm chí là "ba thua" và không ai có thể đạt được điều mình muốn.

Theo BelTA, Tổng thống Nga Putin đã thông báo về tình hình trong nước trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Lukashenko vào ngày 24/6. Hai nguyên thủ quốc gia nhất trí hành động chung.

Sau khi Tổng thống Lukashenko làm rõ thêm tình hình thông qua các kênh riêng của mình, ông đã có cuộc điện đàm với Prigozhin với sự đồng ý của Tổng thống Putin.

Về lý do tại sao lại là Tổng thống Lukashenko? Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói rằng "vấn đề là cá nhân Tổng thống Lukashenko đã biết Prigozhin từ lâu, khoảng 20 năm, và đó là đề xuất cá nhân của ông ấy để phối hợp với Tổng thống Putin".

Sau đó, Tổng thống Lukashenko nói chuyện điện thoại với Tổng thống Putin và thông báo tình hình đàm phán với Prigozhin. Tổng thống Nga bày tỏ sự ủng hộ và sự cảm ơn đối với Tổng thống Lukashenko.

Vậy thực sự Prigozhin muốn gì? Sở dĩ cựu tù nhân này có thể trở thành một ông chủ lớn trong ngành ăn uống, rồi trở thành ông trùm, đứng đầu lực lượng quân sự tư nhân lớn nhất nước Nga, không chỉ nhờ may mắn, mà còn là khả năng nắm bắt thời cơ chính xác.

Lần này cũng không ngoại lệ, mâu thuẫn giữa Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga chỉ là một phần nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng binh biến.

Wagner có quyền lực lớn nhưng lại nằm ngoài hệ thống, là mối đe dọa tiềm tàng rất lớn đối với trật tự hiện có ở Nga. Hơn nữa, Prigorzhin cũng giành được uy tín chính trị đáng kể.

Một số nhà phân tích từ lâu đã đặt câu hỏi về số phận của Prigozhin và tổ chức Wagner, nhận định rằng ông ta đang cố gắng chuyển "vốn quân sự" của mình thành "vốn chính trị", nhằm đạt được địa vị chính trị cao hơn.

Vụ Wagner nổi loạn: Nỗ lực tháo ngòi nổ ở phút 89 của Tổng thống Belarus - 2

Các tay súng Wagner rút khỏi trụ sở Quân khu miền Nam của Nga tại thành phố Rostov-on-Don để trở về căn cứ vào tối ngày 24/6 (Ảnh: Reuters).

Chính trong hoàn cảnh như vậy, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng 3 năm nay để điều chỉnh và hạn chế một cách hợp pháp các công ty liên quan tham gia vào việc thực hiện các mệnh lệnh quốc phòng và thúc đẩy sự tham gia của họ.

Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 10/6 đã thông báo, tất cả các nhóm tình nguyện tham gia hoạt động quân sự đặc biệt phải ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng trước ngày 1/7 thì mới được tham chiến.

Dựa trên logic này, giới quan sát đã dự đoán rằng, năm 2023 có thể là năm cuối cùng của Wagner. Trong hoàn cảnh như vậy, đối với Prigozhin, việc cân nhắc làm thế nào để thoát ra còn quan trọng hơn là giữ cho được Wagner.

Cuộc nổi dậy vũ trang vào ngày 23/6 là một ví dụ điển hình về việc lấy việc nhỏ để kiếm lợi lớn, thể hiện đến mức tối đa chủ nghĩa cơ hội thực dụng. Thay vì chờ đợi và nắm tay nhau, dường như Prigozhin rút lui và tìm kiếm một bước ngoặt.

Tuy nhiên Moscow đã đạt được thỏa hiệp, thời điểm được cho là vừa phải, không đổ máu. Một khi đổ máu xảy ra, bản chất của toàn bộ vụ việc sẽ hoàn toàn thay đổi, uy tín chính trị và vốn liếng tích lũy bao năm của Prigozhin cũng có thể bị mất.

Do đó Prigozhin, người từng theo đuổi sự nghiệp chính trị quá nửa đời, đã chọn cách thay đổi bất ngờ.

"Những người lính của Wagner đã không đổ một giọt máu nào trong suốt cuộc hành quân nhưng bây giờ, thời điểm đổ máu có thể xảy ra đã đến và như vậy, những người Nga có thể phải chịu cảnh "huynh đệ tương tàn". Do đó các lực lượng của chúng tôi đang quay trở lại doanh trại ban đầu", Prigozhin cho biết trong tuyên bố về quyết định rút lui.

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Prigozhin mỉm cười và ngồi trên xe rời thành phố Rostov-on-Don vào tối ngày 24/6.

Vụ Wagner nổi loạn: Nỗ lực tháo ngòi nổ ở phút 89 của Tổng thống Belarus - 3

Chỉ huy Wagner Yevgeny Prigozhin rời trụ sở Bộ chỉ huy Quân khu phía Nam đến Belarus (Ảnh: Reuters).

Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Peskov đã tuyên bố rằng, vụ án hình sự chống lại Prigozhin sẽ được rút lại và ông ta sẽ tới Belarus.

Ngoài ra, các thành viên trong Wagner ban đầu từ chối tham gia cuộc nổi dậy sẽ được ký hợp đồng phục vụ với Bộ Quốc phòng Nga và các thành viên Wagner tham gia cuộc nổi loạn sẽ không bị truy trách nhiệm vì đã lập công trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, ông Putin đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Belarus Lukashenko, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và các nhà lãnh đạo khác, đồng thời thông tin các sự kiện liên quan ở Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tuyên bố trên mạng xã hội rằng, ông đã nói chuyện với các ngoại trưởng của nhóm G7 và đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, để thảo luận về tình hình ở Nga. Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh của mình và các đối tác đang phối hợp chặt chẽ.

Tuy nhiên, tác động của vụ việc này có thể tiếp diễn, như liệu sẽ có sự điều chỉnh nhân sự trong Bộ Quốc phòng Nga và liệu vụ việc có ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự đặc biệt của quân đội Nga tại Ukraine hay không.

Dòng sự kiện: Nhóm Wagner nổi loạn