1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ tấn công Paris làm thay đổi chiến lược ngoại giao Pháp

Cựu Thủ tướng Pháp cho rằng những học thuyết của thế kỷ 20 không còn phù hợp và đã không thể ngăn sự lên ngôi của tư tưởng cực đoan.

Các vụ tấn công khủng bố xảy ra vừa qua tại thủ đô Paris đã gây chấn động nước Pháp và toàn thế giới. Nhiều nhà phân tích đều có chung nhận định cho rằng, những sự kiện này có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong chiến lược ngoại giao của Pháp, mà nổi bật là việc xem xét lại các liên minh của nước này.
 
Quân Pháp đối phó với các phần tử Hồi giáo cực đoan
Quân Pháp đối phó với các phần tử Hồi giáo cực đoan
 
Loạt vụ tấn công vừa qua tại Pháp, mở đầu là vụ xả súng nhằm vào trụ sở tạp chí biếm họa  Charlie Hebdo đã đặt nước Pháp trong tình trạng báo động an ninh cao nhất, với nguy cơ cao xảy ra tấn công khủng bố. Và sau đó là hàng loạt cuộc tranh luận xem nước Pháp sẽ có những thay đổi gì về chiến lược an ninh và ngoại giao nhằm đối phó với mối nguy cơ ngày càng tăng từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Trong khi cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra những đề xuất về an ninh, thì cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon lại cho rằng, nước Pháp cần ưu tiên cho việc xây dựng một cách tiếp cận địa chiến lược mới.

Trả lời phỏng vấn trang France Inter, cựu Thủ tướng Pháp Fillon cho rằng, nước Pháp cần phải xem xét lại toàn bộ chiến lược ngoại giao của mình nhằm đối phó với cái mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng thế giới” liên quan tới các cuộc tấn công vừa qua.

Ông Fillon nói: “Cuộc tuần hành vừa qua tại Pháp có ý nghĩa biểu tượng cao khi cho thấy sự đoàn kết không chỉ của nước Pháp, mà còn của châu Âu và toàn thế giới. Bởi vì tất cả các nước có mặt đều liên quan. Đây là một cuộc khủng hoảng thế giới và cần phải xem xét lại những phản ứng hiện nay. Điều này có nghĩa là những học thuyết của thế kỷ 20 đã không còn phù hợp và có thể nói là đã thất bại trong việc ngăn chặn sự nổi lên và gia tăng tư tưởng cực đoan của những kẻ khủng bố.”

Theo ông, một trong những việc đầu tiên mà chính phủ Pháp nên làm là xem xét lại quan hệ với các nước Arab, khu vực có đông người Hồi giáo đang sinh sống. Cũng giống như các nước đồng minh khác, nước Pháp phải bắt đầu suy nghĩ xem làm thế nào để biến khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống này thành đồng minh tích cực ngăn chặn các nhóm thiểu số cực đoan.

Một điều dễ nhận thấy là loạt vụ tấn công khủng bố vừa qua đã ngay lập tức có ảnh hưởng tới quyết sách của Pháp liên quan tới các chiến dịch quân sự tại nước ngoài. Hồi đầu tuần này, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép quân đội nước này tiếp tục tham gia cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria, bằng việc gửi thêm tàu sân bay tới Trung Đông để phối hợp chặt chẽ hơn với liên quân do Mỹ đứng đầu.

Theo Tổng thống Pháp Hollande, đây là câu trả lời đáp lại chủ nghĩa khủng bố: “Tình hình hiện nay tại Trung Đông đã lý giải quyết định của chúng tôi cử tàu sân bay tới khu vực. Con tàu này có thể được triển khai để hỗ trợ các hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên minh, cung cấp các phương tiện chiến đấu trong trường hợp gia tăng căng thẳng.”

Sau Mỹ, Pháp là quốc gia có lực lượng quân sự và máy bay chiến đấu lớn thứ hai trong chiến dịch liên kết chống Nhà nước Hồi giáo với 800 binh lính, 9 máy bay chiến đấu, cùng nhiều thiết bị quân sự khác.
Sự tham gia của gần 40 nhà lãnh đạo thế giới vào cuộc tuần hành diễn ra hồi cuối tuần trước tại Pháp có ý nghĩa biểu tượng cao khi cho thấy đã cho thấy nước Pháp không đơn độc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một thực tế là cộng đồng quốc tế đã không hành động kịp thời nhằm chấm dứt các vụ thảm sát tại Syria cũng như ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan mở rộng ảnh hưởng.

Trong bối cảnh này, nước Pháp có thể đưa ra lựa chọn hướng tới những đồng minh mới như Nga hay Iran.

Trong 35 năm qua, phương Tây đã gạt Iran sang một bên, song rõ ràng nếu muốn tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay thì cần phải hành động với Iran, quốc gia có ảnh hưởng đối với cộng động người Hồi giáo dòng Shiite tại khu vực.

Tuy nhiên thách thức đặt ra hiện nay là không nhỏ như Iran vẫn  đang phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi, trong khi Nga lại đang trong thế đối lập với Liên minh châu Âu do những khác biệt về lập trường trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Và hiện giới quan sát đều đang chờ đợi nước Pháp sẽ có những thay đổi cụ thể như thế nào trong chiến lược ngoại giao và điều này sẽ tác động ra sao tới cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố hiện nay./.

Theo Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin