1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia: Cơ hội để Nga bán vũ khí

Một số nhà phân tích cho rằng nhiều hệ thống Patriot được triển khai gần các cơ sở dầu của Saudi Arabia bị tấn công ngày 14-9 có lẽ đã không “nhìn” đúng hướng để ngăn chặn cuộc tấn công.

Cuộc tấn công vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia hôm 14-9 là thảm họa đối với Riyadh và Washington. Vũ khí sử dụng trong vụ tấn công được cho là được sản xuất tại Iran và đã phá vỡ hệ thống phòng thủ đắt tiền của Mỹ.

Tuy nhiên đối với Nga, những thông tin về vụ tấn công được xem là cơ hội để chế giễu Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khi ca ngợi những ưu điểm của công nghệ phòng thủ tên lửa của Nga, theo The Washington Post.

Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia: Cơ hội để Nga bán vũ khí - 1

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Turkish Minute

 “Chúng tôi vẫn còn nhớ những tên lửa tuyệt vời của Mỹ đã thất bại trong việc đánh trúng một mục tiêu cách đây hơn một năm, và bây giờ những hệ thống phòng không xuất sắc của Mỹ cũng không thể đẩy lùi một cuộc tấn công. Tất cả là những liên kết trong một chuỗi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong một buổi họp báo ngày 20-9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở Ankara hôm 16-9 đã nói rằng Saudi Arabia sẽ được cứu khỏi cuộc tấn công ngày 14-9 nếu trước đó họ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất.

“Giới lãnh đạo chính trị của Saudi Arabia cần đưa ra một quyết định thông minh”, Tổng thống Putin nói ngày 16-9, nhắc tới chuyện Iran đã mua hệ thống tên lửa S-300 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400.

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga về việc bán vũ khí đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh. Giai đoạn 2014-2018, Mỹ và Nga là hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Tuy nhiên, vài năm gần đây, sự cạnh tranh này đặc biệt trở nên quyết liệt khi xung đột địa chính trị và công nghệ mới đã đưa vũ khí của Mỹ và Nga “bám đuổi nhau sát nút”.

Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia: Cơ hội để Nga bán vũ khí - 2

Hệ thống tên lửa MIM-104 Patriot tại một cuộc triển lãm ở Hàn Quốc năm 2015. Ảnh: Bloomberg

Ở Trung Đông, căng thẳng và chiến tranh đã dẫn tới sự gia tăng các thương vụ vũ khí, Washington và Moscow thường giành nhau một khách hàng.

Mặc dù Mỹ thường xuyên tuyên bố cung cấp những vũ khí ưu việt, song một số vũ khí do Nga sản xuất đang thách thức điều đó. Điển hình trong số đó là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất, hệ thống được đánh giá là đối thủ của hệ thống tên lửa Patriot cho Mỹ chế tạo.

Quay trở lại vụ tấn hai công cơ sở lọc dầu ở quận Khurais và Abqaiq sáng 14-9. Cuộc tấn công này dường như có sự tham gia của tên lửa hành trình và máy bay không người lái, tuy nhiên lại có thể qua mắt được lưới hệ thống phòng thủ tên lửa của Saudi Arabia.

Đáng nói ở chỗ, hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia bao gồm các khẩu đội Patriot và nó được thiết kể để đối phó tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu vốn có thể được phát hiện từ xa.

Khi tên lửa hành trình và máy bay không người lái bay sát mặt đất hơn, độ cong của bề mặt Trái Đất khiến chúng khó bị radar phát hiện trừ khi radar được nâng lên.

Những hệ thống của Nga có khả năng sử dụng cột radar di động để giải quyết vấn đề này. S-400 cũng được thiết kế để hoạt động theo bất kỳ hướng nào, trong khi hệ thống Patriot bị hạn chế đặc điểm này. Một số nhà phân tích cho rằng nhiều hệ thống Patriot được triển khai gần các cơ sở dầu của Saudi Arabia bị tấn công ngày 14-9 có lẽ đã không “nhìn” đúng hướng để ngăn chặn cuộc tấn công.

 “Cuộc tấn công này cho thấy tính cần thiết tuyệt đối của khả năng 360 độ”, Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nêu ý kiến.

Vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia: Cơ hội để Nga bán vũ khí - 3

Saudi Arabia trưng mảnh vỡ tên lửa trong vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu. Ảnh: REUTERS

Trong khi những thông số ấn tượng của hệ thống S-400 của Nga chỉ được biết trên mặt giấy, nhiều nhà phân tích tỏ ra thận trọng trong các đánh giá của họ đối với hệ thống này. S-400 chưa được thử nghiệm hoàn toàn trong đời thực, thì ngược lại, hệ thống Patriot đã đánh chặn thành công tên lửa trong cuộc chiến vùng Vịnh lẫn cuộc tấn công Iraq do Mỹ dẫn đầu.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra một số điểm yếu tiềm năng của hệ thống S-400. Quần thể công nghiệp quân sự Nga được nhắc đến với những bí mật về những thất bại quân sự. Những tháng gần đây, Nga chứng kiến một vụ nổ tên lửa bí mật và một vụ tai nạn chết người trên tàu ngầm hạt nhân. Năm Ngoái, một nhóm lính đánh thuê bí mật người Nga ở Syria đã bị lực lượng Mỹ đánh bại.

Tuy nhiên, Moscow cũng tranh cãi về tính hiệu quả của vũ khí Mỹ. Như đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói ngày 20-9, Nga bác bỏ tác động của cuộc tấn công bên lửa mà bộ ba Mỹ-Anh-Pháp tiến hành nhằm vào các mục tiêu ở Syria hồi tháng 4-2018. Mỹ và đồng minh thực hiện vụ tấn công với cáo buộc lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Thời điểm đó, Nga tuyên bố lưới phòng không Syria đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa được phóng đi. Lầu Năm Góc đã phủ nhận con số này và Moscow cũng không trưng ra chứng cứ. Nga đã cung cấp hệ thống chống tên lửa cho Syria, nhưng nói rằng hệ thống S-400 được triển khai bảo vệ một cơ sở của Nga ở Syria chỉ giám sát cuộc tấn công lúc đó.

Đối với tất cả sự cạnh tranh giữa hệ thống vũ khí của Mỹ và Nga, cho đến nay cuộc chiến gần như chỉ diễn ra ở chấp độ chính trị, theo The Washington Post. Moscow đã “dụ” các đồng minh của Mỹ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, với chi phí thấp hơn đáng kể so với mua của Mỹ. Ấn Độ và Qatar đã tuyên bố xem xét mua S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mua và tiếp nhận hệ thống S-400 hồi tháng 7, khiến nước này bị Mỹ đỉnh chỉ tham gia chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35.

Kathryn Wheelbarger, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hồi tháng 5 nói rằng S-400 là hệ thống của Nga được thiết kế để bắn hạ máy bay như F-35 – tiêm kích tàng hình hiện đại của Mỹ.

Trên lý thuyết, tầm bắn của tên lửa mà F-35 mang theo cho phép nó phá hủy S-400 trước khi bị radar của hệ thống này phát hiện. Song ý tưởng này chưa được thử nghiệm trên thực tế. Đối với cả Washington lẫn Moscow, một chút mơ hồ có thể sinh lợi.

Theo Thiên Thanh

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm