Vụ Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ: NATO có “vào cuộc”?
(Dân trí) - Câu hỏi lớn đang đặt ra cho các nhà phân tích và giới quân sự phương Tây, cụ thể là NATO, là liệu sự cố Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ có làm cho cộng đồng quốc tế gia tăng thêm hành động chống lại Syria hay không?
Một chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom.
Dù sao thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước thành viên NATO và Điều V của Hiệp ước Washington trong đó quy định liên minh có trách nhiệm đối với an ninh tập thể.
Được biết sau sự kiện ngày 11/9/2001 NATO lần đầu tiên đã viện dẫn điều khoản này và cam kết hỗ trợ Mỹ trả đũa quân sự nếu xác định được các cuộc tấn công khủng bố đó do người nước ngoài gây ra. Mỹ đã nhanh chóng thỏa mãn điều kiện này trong cuộc thông báo tin cho các thành viên NATO, nhưng cuối cùng NATO đã chọn lật đổ chính phủ Taliban ở Afghanistan bên ngoài khuôn khổ Hiệp ước Washington. (Cũng cần lưu ý rằng các lực lượng của NATO hiện đang tham gia vào nhiều hoạt động không liên quan đến Điều V.)
Nay Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định chính Syria bắn rơi máy bay chiến đấu đó trên không phận quốc tế, liệu NATO cũng có những phản ứng như vậy? Đây là câu hỏi rất đáng quan tâm. Cuộc khủng hoảng đẫm máu và kéo dài ở Syria đã đầu độc quan hệ giữa Ankara và Damascus và tháng 4 vừa qua Thổ Nhĩ Kỳ đã gợi ý rằng họ có thể viện dẫn Điều V để giúp bảo vệ biên giới của nước mình, đối phó với các cuộc thâm nhập của các lực lượng của Syria –đe dọa mà Syria lên án là có tính “khiêu khích”.
Nhưng Kurt Volker, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu về lãnh đạo quốc tế McCain chỉ rõ rằng Điều V chỉ quy định NATO có cơ hội tham khảo với nhau và không nhất thiết phải dẫn đến một phản ứng quân sự. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa sự cố này ra liên minh, rất có thể họ sẽ chỉ thị cho đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels làm việc với Tổng thư ký NATO kêu gọi tổ chức một cuộc họp chính thức để thảo luận vấn đề và hình thành một phản ứng thích hợp.
Volker nói: “Một phản ứng của NATO có thể là tuyên bố tái khẳng định quyền bất khả xâm phạm về đảm bảo an ninh đối với các nước thành viên phối hợp hoạt động để họ có thể đáp trả các cuộc tấn công tiếp theo vào các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ông không tin rằng sự cố riêng biệt này có thể thay đổi phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột Syria hiện nay. Nhưng ông tin rằng một cuộc họp toàn thể của NATO về vấn đề này có thể giúp tạo ra sự trao đổi rộng rãi hơn về việc làm thế nào để can thiệp quân sự vào Syria ngoài vòng của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, vì ở đó Nga và Trung Quốc đã liên tiếp phản đối can thiệp như vậy.
Cũng theo ông, có thể xảy ra viễn cảnh các nước phương Tây và Ả rập phối hợp lực lượng với nhau để thành lập “những khu vực an toàn” bên trong Syria, ủng hộ lực lượng đối lập Syria và tiến hành các vụ không kích vào các cơ sở tiến công quân sự của Syria.
Volker giải thích thêm: “Tôi có cảm giác rằng kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế đang cạn dần. Với các cuộc giết chóc hết làng này sang làng khác (ở Syria) và việc người Nga trang bị vũ khí cho Syria, tôi nghĩ có lẽ chúng ta đang tới một điểm có thể nghĩ đến một sự can thiệp tập thể, không như mấy tháng trước đây.”
James Joyner, Giám đốc điều hành Hội đông Đại Tây Dương, chỉ rõ thậm chí nếu NATO khẳng định Syria tấn công Thổ Nhĩ Kỳ thì ông cũng không nghĩ rằng NATO muốn dấn thân vào một cuộc chiến tranh với Syria.
Ông nói: “ Trừ trường hợp duy nhất là nếu Syria đưa quân đội vào đất Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu bắn giết. Việc bắn hạ một chiếc máy bay nghi là do thám vùng trời của Syria lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đây có thể sẽ chỉ là những lời lẽ gay gắt và trừng phạt, và thật sự mà nói chúng ta không thể làm gì hơn thế đối với Syria.”
Phạm Ngọc Uyển (tổng hợp)