1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Vũ khí" Trung Quốc dùng để bành trướng phi pháp ở Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Cùng với việc xây dựng, bồi đắp trái phép, Trung Quốc đang sử dụng một chiến thuật nữa thời gian gần đây nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Vũ khí Trung Quốc dùng để bành trướng phi pháp ở Biển Đông - 1
Ảnh vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc neo gần Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hôm 23/3 (Ảnh: Maxar).

Quy mô hiện diện chưa từng có tiền lệ

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang dùng lực lượng mà họ gọi là dân quân biển (hay "đội quân xanh") với hàng nghìn thành viên và hàng trăm tàu sơn màu xanh để thực hiện mưu đồ bành trướng chủ quyền ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia phương Tây, lực lượng này do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tài trợ và kiểm soát, và có thể nhanh chóng giúp Trung Quốc hiện diện quy mô lớn quanh các đảo và rạn san hô mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Dân quân biển của Trung Quốc gây sự chú ý hồi tháng trước khi hơn 200 tàu cá Trung Quốc vây quanh Đá Ba Đầu thuộc Cụm Sinh Tồn Đông ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Samir Puri và Greg Austin, hai chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore, cho rằng sự hiện diện này của đội tàu Trung Quốc là "chưa từng có tiền lệ" xét cả về quy mô và thời gian. Đội tàu này của Trung Quốc đã neo ở đây vài tuần liền.

Trung Quốc bao biện rằng các tàu của nước này tập trung lại để tìm nơi trú ẩn và tránh bão, dù trên thực tế không có cơn bão nào.

"Đội tàu nguy hiểm"

Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ), nhận định: "Vai trò của lực lượng dân quân biển của quân đội Trung Quốc không phải là đánh bắt. Họ có các vũ khí tự động, thân tàu được gia cố, khiến lực lượng này vô cùng nguy hiểm khi tiếp cận. Các tàu này có tốc độ khoảng 18-22 hải lý/giờ, khiến chúng di chuyển nhanh hơn 90% tàu cá trên thế giới".

Tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã đưa ra báo cáo nói rằng: "Trung Quốc sử dụng dân quân biển để đảo ngược chủ quyền của các quốc gia khác và đưa ra các yêu sách chủ quyền phi pháp".

Ông Conor Kennedy và Andrew Erickson, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chủ đề này, cũng nhận định, dân quân biển là một "thành phần chủ chốt trong lực lượng vũ trang của Trung Quốc", được phát triển và chịu sự kiểm soát trực tiếp của quân đội. Theo ông Erickson, đội tàu dân quân biển này trà trộn vào đội tàu cá hơn 187.000 chiếc của Trung Quốc. Ông ước tính, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc được cho là gồm hàng nghìn tàu và hàng chục nhân sự. Tuy nhiên, thực tế số tàu được trang bị vũ khí của Trung Quốc vẫn là một ẩn số. Giới chuyên gia tin rằng, đội tàu này có thể dẫn đầu đội tàu cá để thực hiện mưu đồ bành trướng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở các vùng biển chiến lược, trong đó có Biển Đông.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ từng đưa ra báo cáo đề cập đến 84 tàu dân quân biển của Trung Quốc, nhưng đây đều là các tàu thuộc đơn vị hoạt động ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam, phía bắc Biển Đông. Tuy nhiên, theo ông Erickson, đội tàu xuất hiện ở Đá Ba Đầu những tuần gần đây không giống với các tàu thuộc đơn vị ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Nói cách khác, quy mô đội tàu dân quân biển Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước kia. Ông Erickson dẫn các nguồn tin tình báo mở cho biết thêm, đội tàu vây quanh Đá Ba Đầu xuất phát từ vùng biển ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Theo giới quan sát, nếu trước kia Trung Quốc ngang nhiên khẳng định yêu sách phi pháp của nước này ở Biển Đông bằng việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo thì hiện tại Bắc Kinh toan tính củng cố các tuyên bố phi pháp bằng việc triển khai hàng loạt tàu tới vùng biển này. Đó là lý do lực lượng dân quân biển đóng vai trò lớn trong mưu đồ bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh gần đây.

Mưu đồ của Trung Quốc là dùng đội tàu áp đảo về số lượng này để gây trở ngại cho đối phương. Ví dụ, Mỹ chỉ có thể triển khai một số tàu khu trục đến vùng biển này vào những thời điểm nhất định để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh lấy lý do đây không phải là các tàu quân sự nên họ hoàn toàn có thể khiếu nại nếu bị hải quân hay tuần duyên của nước ngoài tấn công.

"Đội tàu dân quân biển tạo điều kiện cho Trung Quốc dùng các tàu này quấy rối và đe dọa các tàu dân sự và quân sự nước ngoài, mặt khác cho Trung Quốc có cơ hội phủ nhận liên quan đến các hoạt động này", ông Shuxian Luo - nhà nghiên cứu của Đại học John Hopkins và Jonathan Panter - nhà nghiên cứu của Đại học Columbia nhận định.